TP.HCM lên phương án ứng phó 10.000-15.000 ca mắc Covid-19
Với 12.000 giường điều trị Covid-19 tại 4 bệnh viện dã chiến cùng 5.000 giường tại các bệnh viện được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19, TP.HCM đã chuẩn bị kịch bản ứng phó dịch bệnh Covid-19 với 10.000 -15.000 ca mắc trên địa bàn thành phố…
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã vượt qua con số 7.000 trường hợp. Dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Để thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc các trường hợp đang được cách ly không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, Thành phố đã đưa vào hoạt động thêm Bệnh viện dã chiến số 3 tại khu nhà tái định cư ở TP Thủ Đức với quy mô 3.000 giường và Bệnh viện dã chiến số 4 tại khu nhà tái định cư ở huyện Bình Chánh với quy mô 3.000 giường, nâng tổng công suất thu dung điều trị tại 4 bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP.HCM lên mức 12.000 giường.
Việc đưa vào hoạt động các bệnh viện dã chiến này là rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế vừa giảm tải cho các bệnh viện đã chuyển đổi công năng.
Với việc đưa vào hoạt động các bệnh viện dã chiến số 3, số 4 cùng áp lực điều trị khi số lượng bệnh nhân có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, TP.HCM đã huy động tổng lực nhân sự từ các đơn vị trên địa bàn.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị TP.HCM lập danh sách chi tiết về số lượng nhân sự cần được chi viện theo từng mục đích, bao gồm hỗ trợ công tác lấy mẫu, bù khuyết vào các trường hợp nhân sự được điều chuyển, các bác sĩ, điều dưỡng tham gia hỗ trợ điều trị tại các bệnh viện dã chiến, cũng như nhu cầu nhân sự để thực hiện “đảo quân” với những người thuộc lực lượng tuyến đầu đã tham gia công tác trong suốt thời gian vừa qua.
Thông tin ngành y tế TP.HCM cho biết, hàng trăm chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố cùng với hàng nghìn nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng) đang công tác tại các bệnh viện thành phố, bệnh viện quận, huyện và các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành được điều động luân phiên đến công tác tại 4 bệnh viện dã chiến này.
Thời gian mỗi đợt luân phiên là 4 tuần. Trong thời gian luân phiên, các y, bác sĩ sẽ lưu trú hẳn tại các bệnh viện dã chiến, không trở về nhà.
Với tinh thần cả nước vì TP.HCM, lực lượng nhân viên y tế từ nhiều tỉnh thành cũng đã đăng ký sẵn sàng lên đường chi viện cho TP.HCM để hỗ trợ công tác chống dịch.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch cho biết, nhiều tỉnh thành đã chủ động đăng ký sẵn sàng cử nhân sự tham gia hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch, tuy nhiên số lượng nhân sự được điều động sẽ dựa trên nhu cầu thực tế của TP.HCM. Từ đó, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch điều động phù hợp.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế sẽ điều động khoảng 10.000 nhân viên y tế tham gia hỗ trợ cho TP.HCM. Nếu chỉ tính riêng các đơn vị y tế tuyến Trung ương trên địa bàn thì có thể điều tới 5.000 người tham gia chống dịch Covid-19.
Lực lượng này bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên từ các trường Đại học Y Dược TP.HCM, Y khoa Phạm Ngọc Thạch… các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM…
Bộ Y tế cũng đã gửi công văn đến Bộ Quốc phòng để huy động sự hỗ trợ từ lực lượng quân y trực thuộc Bộ Quốc phòng đóng trên địa bàn Thành phố.
Trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn sáng ngày 7/7, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM đang làm việc với từng quận, huyện trên địa bàn Thành phố, xác định rõ nhu cầu nhân lực, công tác tại từng đơn vị để có kế hoạch điều phối, phối hợp, tăng cường phù hợp.
Đồng thời TP.HCM cũng đã liên hệ với các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú, thực phẩm, di chuyển… để có sự bố trí thích hợp, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho công tác phòng chống dịch tại từng địa phương.