Từ sáng đến chiều, giá vàng nhẫn bất ngờ “bốc hơi” 1,7 triệu đồng/lượng
Nhà đầu tư hiện đang chờ cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày thứ Năm...
Giá vàng thế giới chiều nay (11/4) đã chuyển sang trạng thái giảm, đảo ngược xu thế tăng của buổi sáng. Trong nước, giá vàng nhẫn giảm tới 1,7 triệu đồng/lượng so với buổi sáng, trong khi giá vàng miếng có nơi không còn giữ được mốc 84 triệu đồng/lượng.
Lúc gần 17h chiều, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 82 triệu đồng/lượng (mua vào) và 84 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng so với thời điểm gần 10h sáng.
Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, báo giá vàng miếng SJC cùng thời điểm là 82,05 triệu đồng/lượng và 83,95 triệu đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý được Phú Quý báo giá ở mức 74,9 triệu đồng/lượng và 76,6 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, giảm 1,4 triệu đồng/lượng và 1,5 triệu đồng/lượng so với buổi sáng.
Nhẫn tròn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá 74,48 triệu đồng/lượng và 76,38 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 1,6 triệu đồng và 1,7 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 82,2 triệu đồng/lượng và 84,2 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với buổi sáng. Tuy nhiên, nhẫn tròn trơn SJC giảm 400.000 đồng/lượng, còn 74,4 triệu đồng/lượng cho chiều mua vào và 76,1-76,2 triệu đồng/lượng cho chiều bán ra tuỳ trọng lượng sản phẩm.
Lúc gần 17h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 2.331 USD/oz, giảm 3,3 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Tư tại thị trường Mỹ, tương đương giảm 0,14% -theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Mức giá này tương đương gần 70,7 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 300.000 đồng/lượng so với buổi sáng.
Sau khi lập kỷ lục vào hôm thứ Ba, giá vàng thế giới đã giảm mạnh trong phiên ngày thứ Tư do Mỹ công bố báo cáo lạm phát tháng 3 nóng hơn so với kỳ vọng. Lạm phát giảm chậm làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc giảm lãi suất. Là một tài sản không mang lãi suất, giá vàng gặp bất lợi trong môi trường lãi suất cao hơn lâu hơn.
Biến động kỳ vọng lãi suất cũng đẩy cao lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD, gây thêm áp lực mất giá lên vàng.
Nhà đầu tư hiện đang chờ cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày thứ Năm (11/4). Theo dự báo, ECB sẽ không hạ lãi suất trong lần họp này, nhưng có thể phát tín hiệu bắt đầu nới lỏng vào tháng 6.
Trong khi đó, Fed đang được cho là phải tới tháng 9 mới có thể có đợt giảm lãi suất đầu tiên, thay vì tháng 6 như dự báo trước khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố hôm thứ Tư. Việc ECB khởi động chu kỳ nới lỏng trước Fed có thể đẩy đồng euro mất giá mạnh và đồng USD tăng giá mạnh hơn, tạo thêm sức ép mất giá đối với vàng.
Trao đổi với hãng tin Reuters, chiến lược gia Yeap Jung Rong của công ty IG nhận định “lạm phát cao hơn dự báo trong tháng thứ ba liên tiếp từ đầu năm đến nay tiếp tục là một phép thử đối với Fed. Thị trường đang điều chỉnh theo kịch bản lãi suất cao hơn lâu hơn, dẫn tới hoạt động chốt lời đối với vàng trong ngắn hạn”.
Tuy nhiên, ông Yeap cũng cho rằng giá vàng tiếp tục được hỗ trợ bởi vai trò kênh đầu tư phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng, nhất là ở Trung Đông. Xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương và nhu cầu nắm giữ vàng như một “vịnh tránh bão”, cộng thêm lực mua theo đà tăng của các quỹ đầu tư, đã đưa giá vàng thế giới tăng 14% từ đầu năm đến nay.