Tỷ giá đồng yên biến động mạnh, Nhật Bản có thể đã can thiệp
Cú tăng 3% của đồng yên so với USD trong phiên ngày thứ Năm khiến thị trường dấy lên đồn đoán rằng Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ...
Sau khi tăng vọt trong phiên ngày thứ Năm, tỷ giá đồng yên Nhật Bản so với đồng USD giằng co mạnh trong phiên sáng nay (12/7), trong bối cảnh có một số đồn đoán cho rằng nhà chức trách Nhật có thể đã can thiệp vào thị trường sau khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát yếu hơn dự báo.
Phiên sáng nay tại thị trường châu Á, đồng USD có lúc tăng giá 0,3% so với đồng yên, đạt 159,45 yên đổi 1 USD. Có thời điểm, đồng USD giảm 0,7% so với đồng yên, còn 157,75 yên đổi 1 USD.
Trước đó, trong phiên ngày thứ Năm tại thị trường New York, đồng USD sụt giá khoảng 2% so với đồng yên, còn 158,55 yên đổi 1 USD, từ mức 161,52 yên đổi 1 USD vào đầu phiên giao dịch. Đây là phiên giao dịch chứng kiến mức tăng giá mạnh nhất của đồng yên kể từ cuối năm 2022.
Cú tăng 3% của đồng yên so với USD trong phiên ngày thứ Năm khiến thị trường dấy lên đồn đoán rằng Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ.
Truyền thông Nhật Bản nhận định Bộ Tài chính nước này có thể đã phối hợp với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiến hành một cuộc mua vào đồng yên ở vùng tỷ giá thấp nhất 38 năm, dẫn tới sự phục hồi nói trên. Tờ báo Nikkei dẫn nguồn thạo tin cho biết sáng nay, BOJ đã tiến hành khảo sát các ngân hàng thương mại về tỷ giá giữa đồng euro và đồng yên.
Tuy nhiên, hiện các nhà chức trách chưa đưa ra bình luận gì về những đồn đoán này.
“Thị trường có thể diễn biến theo hai chiều hướng. Một là nhà đầu tư sẽ ẩn náu vào thời điểm này để chờ một vòng can thiệp thứ hai. Tôi cho rằng nhà chức trách đang quyết tâm bảo vệ tỷ giá nên họ sẽ tiếp tục can thiệp. Và thứ hai là thị trường sẽ giống như một ‘con ngựa bất kham’”, nhà phân tích Tony Sycamore của công ty IG nhận định.
Những biến động trên của tỷ giá đồng yên diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư gia tăng đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Khả năng này đã lên tới hơn 90% sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo lạm phát tháng 6 yếu hơn dự báo.
“Thời điểm Fed giảm lãi suất còn tùy thuộc vào các số liệu kinh tế sắp tới, nhưng báo cáo lạm phát vừa rồi - cùng với sự suy yếu của thị trường lao động Mỹ - đang dịch chuyển cán cân theo hướng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất sớm hơn”, nhà kinh tế David Doyle của ngân hàng đầu tư Macquarie nhận định.
Triển vọng Fed hạ lãi suất gây áp lực mất giá lên USD, khiến chỉ số Dollar Index giảm gần 0,5% xuống mức thấp nhất 1 tháng trong phiên ngày thứ Năm.
Bởi vậy, ngoài khả năng nhà chức trách Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ, đồng yên còn tăng giá do USD trượt mạnh. Trao đổi với hãng tin CNBC, chiến lược gia trưởng Kit Juckes của ngân hàng Societe Generale nhận định có thể nhiều nhà đầu cơ bán khống đồng yên đang tiến hành mua lại để đóng trạng thái, và “số liệu CPI gây bất ngờ” của Mỹ cũng là một động lực để đồng yên tăng.
Chiến lược gia Marc Ostwald của công ty ADM Investor Services nói rằng không có bằng chứng chắn chắn nào cho thấy Nhật Bản đã can thiệp, nhưng có vẻ như việc nhà đầu tư bán tháo USD xuất phát từ việc “số liệu CPI Mỹ đã dẫn tới lệnh dừng lỗ đối với các hợp đồng bán khống yên Nhật”. Cũng theo ông Ostwald, rất có thể Bộ Tài chính Nhật Bản đã nhân cơ hội này để can thiệp ở mức độ khiêm tốn vào thị trường.
Hồi tháng 5, Nhật Bản xác nhận đã có cuộc can thiệp vào thị trường tiền tệ ở thời điểm cuối tháng 4 và đầu tháng 5, với quy mô hơn 62 tỷ USD. Đây là đợt can thiệp tiền tệ đầu tiên của nước này kể từ năm 2022. Thời điểm can thiệp đó trùng với một đợt phục hồi mạnh của đồng yên, từ mức đáy của 34 năm là 160,03 yên đổi 1 USD thiết lập vào hôm 29/4. Trong cùng phiên đó, đồng yên phục hồi tới 156 yên đổi 1 USD.
Nhưng sau đợt can thiệp đó, đồng yên tiếp tục đương đầu áp lực giảm và rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986 vào đầu tháng 7 này, do chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản còn lớn.