Tỷ giá USD/VND tăng “bốc” cùng xu hướng của khu vực
Kéo dài xu hướng của tuần trước, tỷ giá USD tại thị trường ngân hàng tiếp tục tăng, với mức tăng chưa từng thấy trong 2 năm trở lại đây...
Trong tuần vừa qua (29/11-3/12), tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng ghi nhận mức tăng mạnh, tăng tới 0,52% so với cuối tuần liền trước, và kết tuần ở 22.792 VND/USD.
Diễn biến tương tự cũng được thấy ở giá niêm yết USD ở các ngân hàng thương mại khi kết tuần giao dịch ở mức 22.690/22.920 VND, tăng 145 VND ở chiều mua vào và bán ra so với tuần trước đó.
Thậm chí, bước sang phiên giao dịch đầu tuần này (6/12), tỷ giá tại các thị trường còn có bước tăng mạnh nhất trong vòng 2 năm qua.
Cụ thể, báo giá từ Vietcombank cho thấy, giá mua - bán USD là 222.930 - 23.170 VND, tăng tiếp 150 VND mỗi chiều so với sáng nay và tăng tới 220 - 260 VND mỗi chiều so với chốt phiên cuối tuần trước. Tại VietinBank, USD cũng tăng mạnh 320 – 360 VND mỗi chiều so với chốt phiên cuối tuần qua, lên 23.005 - 23.245 VND (mua - bán).
Hay như tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.165 VND/USD, tăng 38 VND so với mức niêm yết cuối tuần trước.
Đáng chú ý, diễn biến này khá tương đồng với các đồng tiền trong khu vực (THB giảm -0,88%), khi hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều đã ghi nhận các ca nhiễm Omicron đầu nhiễm đầu tiên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, đây chỉ là biến động trong ngắn hạn của VND và trên hết còn cho thấy đồng VND đã mang tính thị trường hơn.
Ngày 3/12 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã công bố Báo cáo đánh giá "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ" và tái khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ, dù đã vi phạm 3 điều kiện trong kỳ đánh giá 4 quý tính đến hết tháng 6/2021.
“Hiện tại, nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam vẫn duy trì tích cực”, Nhóm phân tích của SSI đánh giá và lý giải rằng: “Nguồn ngoại tệ đến từ cán cân thương mại thặng dư, dòng vốn FDI giải ngân và dòng tiền kiều hối. Bên cạnh đó, dòng vốn gián tiếp thông qua các thương vụ M&A cũng duy trì khả quan, như trong tháng 11 ghi nhận dòng tiền trị giá khoảng 340 triệu USD từ việc SK Group Hàn Quốc thỏa thuận mua lại cổ phần của The CrownX (TCX - công ty con của Masan)...”.
Tại thông tin mới nhất, lượng kiều hối về TP. Hồ Chí Minh trong 11 tháng qua ước tính 6,2 tỷ USD, vượt qua con số 6,1 tỷ USD của cả năm 2020. Lượng kiều hối vẫn đang tiếp tục chuyển về nên dự kiến cả năm 2021, TP. Hồ Chí Minh sẽ thu hút được khoảng 6,5 - 6,6 tỷ USD.
Đây được đánh giá là mức tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới gần hai năm qua và khiến dòng kiều hối toàn cầu suy giảm mạnh.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt 18,1 tỷ USD và giúp nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường cân bằng trong những tháng cuối năm.