Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế: "Đã là xu hướng thì không thể trì hoãn"
Số lượng bệnh viện triển khai ứng dụng AI vào khám chữa bệnh mới… đếm trên đầu ngón tay
Trí tuệ nhân tạo (AI) không thay thế hoàn toàn được bác sĩ nhưng có vai trò hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ, và AI đã là xu hướng của thế giới, Việt Nam không thể trì hoãn.
Đưa ra quan điểm trên tại hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế tại Việt Nam" sáng 26/4 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) Trần Quý Tường cho biết, hiện tại nhiều công ty lớn tại Việt Nam hiện đã mạnh dạn đầu tư trong việc áp dụng và phát triển các hệ thống AI cho y tế như Vingroup, VNPT, Five9, FPT…
Trong đó, Tập đoàn Vingroup thậm chí còn đề xuất sẽ chi 1.000 tỷ đồng để thu thập 10 nghìn dữ liệu về chuẩn đoán hình ảnh (tức xây dựng trí tuệ nhân tạo về chuẩn đoán hình ảnh), dù đây là bài toán khó vì ở Việt Nam chưa có hạ tầng (mới chỉ có rất ít bệnh viện có phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh).
Hay, nhiều start-up, viện nghiên cứu cũng có các đề tài khoa học, nghiên cứu trong áp dụng AI trong các ứng dụng như: điều dưỡng ảo, hỗ trợ ra phác đồ, hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh hay các đề tài ứng dụng AI trong phân tích GEN từ đó đưa ra các sàng lọc, dự báo sớm về sinh sản, ung thư và các bệnh di truyền.
Dù vậy, theo ông Tường, đa số vẫn ở các nghiên cứu thử nghiệm. Việc ứng dụng AI vào lĩnh vực y tế ở Việt Nam gần như vẫn còn manh nha.
Từ đầu năm 2018, một ứng dụng AI mới được thử nghiệm tại một số bệnh viện tại Việt Nam có tên là IBM Watson Health của tập đoàn IBM (Mỹ). Cụ thể, IBM Watson For Oncology đã được riển khai thử nghiệm tại 3 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (thử nghiệm từ tháng 1/2018), K Trung ương (từ tháng 2-5/2018), Ung bướu TP.HCM (tháng 9/2018).
Ứng dụng AI IBM Watson Health có thể hỗ trợ các bác sĩ ung bướu trong việc phát triển các phác đồ điều trị 13 loại ung thư phổ biến: ung thư vú, phổi, đại tràng, trực tràng, dạ dày, cổ tử cung, buồng trứng, tiền liệt tuyến, bàng quang, tuyến giáp, gan, nội mạc tử cung và thực quản.
Theo đại diện IBM Watson Health, hệ thống trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology được ứng dụng tại 230 bệnh viện và các cơ sở y tế tại trên 13 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan…
Đại diện Công ty cổ phần Five9 Việt Nam, đơn vị triển khai hệ thống AI IBM Watson Health thử nghiệm tại Việt Nam, cho biết, bệnh K Trung ương đã thử nghiệm với 200 ca bệnh ung thư vú, phổi, dạ dày, đại trạng, trực trang; bệnh viện Ung bướu TP.HCM thử nghiệm 229 ca bệnh với các loại ung thư vú, đại trực tràng; bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thử nghiệm 101 ca bệnh với các loại ung thư vú, phổi, dạ dày, đại trực tràng, cổ tử cung, buồng trứng.
Việt Nam hiện có khoảng 1.400 bệnh viện, tuy nhiên, số lượng bệnh viện triển khai ứng dụng AI vào khám chữa bệnh mới… đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử như ứng dụng IBM Watson Health mới chỉ "tiếp cận" được 3 bệnh viện trên.
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế Trần Quý Tường đặt vấn đề, rằng tại sao AI – thành tựu của nhân loại lại triển khai đầu tiên ở Phú Thọ mà không phải các bệnh viện lớn ở Hà Nội? Ông Tường cho rằng, đến giờ AI chỉ hỗ trợ bác sĩ và hỗ trợ rất tốt, tuy nhiên AI không thay được bác sĩ, quyết định cuối cùng vẫn là của người thầy thuốc.
Theo ông Tường, Bệnh viện Đa khoa Phú thọ do còn nhiều yếu kém nên thường xuyên đi họp trung ương, nên khi nhận thấy sự ưu việt của AI đã "lao" vào ngay, và hệ thống AI này như một "người thầy giỏi" hỗ trợ thường trực cho Bệnh viện Đa khoa Phú thọ. Trong khi các bệnh viện ở Hà Nội lại chần chừ, thận trọng và nhận thấy chưa cần, vì đã có các giáo sư, bác sĩ, các chuyên gia giỏi, và… không có AI thì vẫn điều trị tốt.
Theo Cục trưởng Trần Quý Tường, AI đã là đã là xu hướng của thế giới do vậy Việt Nam không thể trì hoãn. Về cơ bản, lâu dài và có tính hệ thống thì các bệnh viện cần phải tính toán đến việc thử nghiệm và triển khai ứng dụng AI vào các hoạt động phòng bệnh, khám chữa bệnh và quản trị của mỗi bệnh viện.