Vị thế kinh tế tỉnh, thành phố sau sáp nhập dựa theo một số chỉ tiêu chủ yếu
Vị thế kinh tế tỉnh, thành phố sau sáp nhập bước đầu được hé lộ qua một số chỉ tiêu chủ yếu và một số bình luận sơ bộ, số liệu chính thống năm 2023 theo Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) công bố...

Việt Nam có điểm xuất phát thấp. Để khắc phục thách thức này, phải tăng quy mô GDP của cả nước trên cơ sở tăng tốc và tăng quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các tỉnh, thành phố bằng nhiều giải pháp, trong đó có mở rộng không gian phát triển cho các địa bàn.
QUY MÔ TỔNG SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN
Từ số liệu chính thống năm 2023 do Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) công bố (số liệu năm 2024 phải chờ sau khi được công bố chính thức trên Niên giám thống kê 2024), có thể nhận diện vị thế ở điểm xuất phát của các tỉnh, thành phố (năm 2023) và kỳ vọng vị thế về GRDP của các tỉnh, thành phố sau sáp nhập trên một số nét chủ yếu.
Có 7 tỉnh, thành phố có GRDP cao nhất nước, có GRDP đạt trên 300 nghìn tỷ đồng. Với quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, quy mô GDP của cả nước kỳ vọng lớn vào những địa bàn này. Trong 7 địa bàn này, có 3 thành phố đạt quy mô GRDP lớn nhất nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh có quy mô lớn nhất, lớn thứ hai là Hà Nội, thứ ba là Hải Phòng; điều gây bất ngờ là trong 7 địa bàn này có 4 địa bàn tỉnh là Đồng Nai, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, đặc biệt là Phú Thọ và Quảng Ninh.
Không gian phát triển rộng, có sự hợp lực của các tỉnh trước đây có thế mạnh, sẽ tạo thành địa bàn sau sáp nhập có quy mô lớn hơn, tốc độ tăng cao hơn. Trong 7 địa bàn GRDP cao nhất nước, có 2 địa bàn lớn nhất nước nhưng không phải do sáp nhập là Hà Nội, Quảng Ninh.
Có 11 tỉnh, thành phố có GRDP đạt từ 200 nghìn tỷ đồng đến dưới 300 nghìn tỷ đồng. Trong 11 tỉnh, thành phố này có 2 thành phố là Cần Thơ, Đà Nẵng và một số tỉnh cũng có bất ngờ đối với nhiều người là Hưng Yên, Gia Lai.
Có 8 tỉnh, thành phố có GRDP đạt từ 100 đến dưới 200 nghìn tỷ đồng, trong đó có bất ngờ không ít đối với Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Có 7 tỉnh, thành có quy mô GRDP thấp dưới 100 nghìn tỷ đồng, trong đó có một thành phố là Huế và nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc không thuộc diện sáp nhập; thấp nhất cả nước là Cao Bằng.
GRDP bình quân đầu người có vai trò quan trọng đối với GRDP, là tiền đề của thu nhập bình quân đầu người. Vị thế của các tỉnh, thành phố không chỉ giúp so sánh giữa các tỉnh, thành phố với nhau, mà còn so sánh với mức bình quân chung của cả nước.
GRDP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI
Nếu GRDP bình quân đầu người chung của cả nước là 102,9 triệu đồng thì có thể chia các tỉnh, thành phố của cả nước thành 3 nhóm thu nhập (nhóm thu nhập cao, nhóm thu nhập trung bình và nhóm thu nhập thấp).
Nhóm thứ nhất, nhóm thu nhập cao, có GRDP bình quân đầu người đạt từ 126 triệu đồng/người trở lên. Nhóm này gồm 7 tỉnh, thành phố: có 3 thành phố lớn nhất nước, đó là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, trong đó TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ lớn nhất nước; có Quảng Ninh là tỉnh không qua sáp nhập, nhưng nhờ sự phát triển mạnh của dịch vụ du lịch, có cửa khẩu lớn với Trung Quốc, đã có quy mô GRDP khá, có GRDP bình quân đầu người cao nhất nước, vượt khá xa so với địa bàn đứng thứ hai, thứ ba cả nước (Hà Nội, Hải Phòng).
Nhóm thứ hai có GRDP bình quân đầu người đạt từ 60-102,9 triệu đồng/người. Nhóm này gồm 21 tỉnh, thành phố, đông nhất trong tổng số tỉnh, thành phố sau sáp nhập; trong đó có 3 thành phố là Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế. Có 2 tỉnh được coi là bất ngờ, đó là Thái Nguyên và Hà Tĩnh có mức cao nhất trong nhóm này; có một số địa bàn được kỳ vọng đạt cao hơn, nhanh hơn như Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Hưng Yên, Lào Cai,…
Nhóm thứ ba có GRDP bình quân đầu người đạt mức thấp (dưới 60 triệu đồng/người); thấp nhất là Cao Bằng, tiếp đến là Điện Biên, Tuyên Quang. Nhóm này gồm 7 tỉnh: Nghệ An, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Điện Biên, Cao Bằng, hầu hết nằm trong vùng núi phía Bắc. Khó khăn của nhóm này là bị hạn chế về vốn đầu tư, sản xuất, hạ tầng, cơ sở, tiêu thụ,…
THU NGÂN SÁCH TỪ NỘI ĐỊA
Thu nội địa là nội dung chủ yếu của tổng thu ngân sách, cũng là chỉ tiêu có tầm quan trọng hàng đầu về kinh tế của một quốc gia. Trong bài viết này, thu nội địa được xem xét chủ yếu về tổng thu nội địa và tỷ lệ thu nội địa so với GRDP.
Tổng thu nội địa của các tỉnh, thành được chia thành 3 nhóm lớn.
Nhóm thứ nhất, gồm 10 tỉnh, thành phố đạt từ 30 nghìn tỷ đồng trở lên là TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, Đồng Nai, TP. Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Ninh Bình (4 thành phố, 6 tỉnh).
Nhóm thứ hai, gồm 11 tỉnh, thành phố, có tổng thu nội địa từ 10 đến dưới 30 nghìn tỷ đồng là Lâm Đồng, Quảng Ngãi, An Giang, Cần Thơ, Nghệ An, Gia Lai, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Cà Mau, Lào Cai, TP. Huế.
Nhóm thứ ba, gồm 7 tỉnh, có tổng thu nội địa dưới 10 nghìn tỷ đồng là Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng.
Quan trọng hơn là tỷ lệ thu nội địa so với GRDP. Tỷ lệ tổng thu nội địa/GDP của cả nước là 14,25%. Xét theo tỷ lệ thu nội địa/GRDP, có thể chia 28 tỉnh, thành phố (có số liệu) thành 3 nhóm: tỷ lệ cao, tỷ lệ trung bình và tỷ lệ thấp.
Đạt tỷ lệ cao (trên 14,25% của cả nước) gồm có 6 tỉnh, thành phố, cao nhất là TP. Hà Nội, tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Ngãi và TP. Huế. Tỷ lệ cao này do hiệu quả của các ngành kinh tế đạt khá, các nguồn thu phong phú; công tác hành thu tích cực; ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện các chính sách thu ngân sách nghiêm chỉnh của các tổ chức và cá nhân. Đây là tiền đề cho việc cân đối ngân sách theo địa bàn, đóng góp ngân sách cho Trung ương.
Đạt tỷ lệ trung bình (từ 9% đến dưới 14,25%), gồm 10 tỉnh, thành phố (Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An, Lào Cai, Đồng Nai, Bắc Ninh, Gia Lai, Lâm Đồng). Một số địa bàn đạt kết quả tích cực về hiệu quả hoạt động kinh doanh, hành thu, ý thức chấp hành chính sách và tạo tiền đề để tự cân đối ngân sách hoặc có số dư để đóng góp cho ngân sách Trung ương.
Đạt tỷ lệ thấp (từ dưới 9%), gồm 12 tỉnh, thành phố (An Giang, Lai Châu, Cà Mau, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Phú Thọ, Tuyên Quang, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên). Các yếu tố tác động là hiệu quả kinh tế, những hạn chế thách thức về hành thu, ý thức trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân,…
CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN GRDP
Có rất nhiều yếu tố tác động đến GRDP và thu nội địa, bài viết này đề cập đến 4 yếu tố đáng lưu ý.
Một là, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký của các dự án còn hiệu lực đến cuối năm 2023, tính trên phạm vi cả nước, đạt hơn 470 tỷ USD, bình quân một tỉnh, thành phố đạt trên 13,8 tỷ USD. 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập được chia theo 3 nhóm:
Nhóm đạt trên 13,8 tỷ USD, gồm 7 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Ninh, Tây Ninh, Thanh Hóa. Đầu tư nước ngoài đóng góp quan trọng về vốn đầu tư, giải quyết công ăn việc làm, tăng trưởng và quy mô GRDP, GRDP bình quân đầu người, xuất khẩu…
Nhóm đạt từ 4-13,8 tỷ USD, có 14 tỉnh, thành phố, gồm Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Vĩnh Long, An Giang, Lâm Đồng, Cà Mau, Huế, Nghệ An.
Nhóm đạt dưới 4 tỷ USD gồm 13 tỉnh, thành phố còn lại. Trong đó: Cần Thơ, Quảng Bình, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Gia Lai, Lào Cai đạt khá hơn (trên 1 tỷ USD); một số tỉnh khác (Lạng Sơn, Sơn La, Tuyên Quang) đạt thấp; một số tỉnh còn lại (Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu) đạt không đáng kể.
Một số tỉnh, thành phố có tiềm lực, có điều kiện tiếp cận với vốn đầu tư nước ngoài thuộc các ngành bán dẫn, chip, khai thác mỏ (như đất hiếm).
Hai là, số doanh nghiệp đang hoạt động, đặc biệt là số doanh nghiệp đang hoạt động/1.000 dân là tiền đề cho tăng trưởng và mở rộng quy mô GRDP và GRDP bình quân đầu người, góp phần tác động đến các yếu tố khác. Số doanh nghiệp/1.000 dân của cả nước tính đến cuối năm 2023 đạt 9,2 doanh nghiệp, tăng khá so với một số năm trước, nhưng nhìn chung còn thấp.
Số doanh nghiệp/1.000 dân tính theo các tỉnh, thành phố dự kiến sau sáp nhập được chia thành 3 nhóm.
Nhóm 1, gồm các tỉnh, thành phố có số doanh nghiệp/1.000 dân cao hơn mức bình quân cả nước, có 3 thành phố. Đứng đầu là TP. Hồ Chí Minh, tiếp đến là Hà Nội, Đà Nẵng. Nguyên nhân các địa bàn này đạt cao, ngoài vị trí địa lý, là các thuận lợi do cơ sở hạ tầng tạo ra, tinh thần khởi nghiệp của các doanh nhân, sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, các ngành và tính kinh tế thị trường đạt trình độ cao hơn, phổ quát trong các khâu hoạt động…
Nhóm 2, gồm 18 tỉnh, thành phố đạt từ 4 đến dưới 9,2 doanh nghiệp/1.000 dân, là Hải Phòng, Đồng Nai, Quảng Ninh, Phú Thọ, Khánh Hòa, Tây Ninh, Quảng Bình, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Cần Thơ, Ninh Bình, Hưng Yên, Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Gia Lai, Nghệ An.
Nhóm 3, gồm 13 tỉnh, thành phố còn lại (đạt dưới 4 doanh nghiệp/1.000 dân), là Thái Nguyên, An Giang, Quảng Ngãi, Lào Cai, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2025, phát hành ngày 12/05/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1384
