Việt Nam có thể ứng dụng Blockchain để xây dựng smart city
Những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội hoàn toàn có tiềm năng xây dựng smart city nếu có chính sách phù hợp tập trung vào 3 nền tảng là Internet vạn vật (IoT), con người và bất động sản…
Thành phố thông minh (smart city) là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam. Có nhiều định nghĩa về smart city nhưng một trong những định nghĩa chung nhất đó là “một thành phố sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để nâng cao hiệu quả hoạt động, chia sẻ thông tin, mang đến chất lượng dịch vụ công và phúc lợi công dân tốt hơn”. Nói cách khác, smart city ứng dụng các công nghệ hiện đại như Blockchain, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)... để giải quyết các thách thức của đô thị và tạo nên một cơ sở hạ tầng bền vững.
6 BÀI TOÁN SMART CITY CÓ THỂ ỨNG DỤNG BLOCKCHAIN
Hội thảo “Blockchain đóng góp gì để xây dựng smart city?” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sáng 18/8. Ông Nguyễn Đức Tuấn, quyền Giám đốc CESTI nhận định, nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến xây dựng smart city nhằm cải thiện khả năng vận hành đô thị. 2021 là năm có sự bùng nổ về công nghệ, đặc biệt là công nghệ Blockchain. Không chỉ là game, tiền ảo, Blockchain còn được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, tiêu biểu là hoạt động kiến tạo đô thị thông minh.
Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, tiềm năng Blockchain và ứng dụng vào smart city được rất nhiều chính quyền thành phố, chính phủ các nước trên thế giới quan tâm. Tuy nhiên, trước khi nói đến Blockchain, muốn tiếp cận smart city thì phải bắt đầu từ các nền tảng như IoT, con người và bất động sản.
"Để xây dựng smart city, điều quan trọng nhất là chính sách và phải có những biện pháp để đo lường mức độ hài lòng, sự tương tác của người dân".
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
“Blockchain được ứng dụng vào smart city để giải quyết những bài toán cụ thể. Khi nền tảng đã được thiết lập vững chắc, vai trò của Blockchain mới xuất hiện. Chính công nghệ sổ cái phân tán sẽ giúp smart city giải quyết 6 bài toán then chốt về tăng cường bảo mật, cải thiện y tế, quản lý rác thải, đơn giản hóa giáo dục, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa giao thông. Đây là những khía cạnh rất cơ bản để phục vụ đời sống của công dân trong thành phố”, ông Trung cho hay.
Ông Trung cho biết, người dân có thể không biết smart city là gì nhưng họ sẽ quan tâm đến giải pháp cho ba vấn đề. Đó là, rác thải, giao thông và dịch vụ công. Chẳng hạn, quản lý rác thải sao cho hiệu quả là vấn đề cấp thiết của nhiều thành phố lớn trên thế giới. Blockchain có thể giúp duy trì môi trường sạch đẹp bằng cách theo dõi quy trình thu gom, tái chế rác thải theo thời gian thực một cách minh bạch.
Song song đó, Blockchain sẽ góp phần thúc đẩy giao thông vận tải bằng cách cho phép chủ sở hữu phương tiện đăng ký quyền sở hữu, theo dõi phương tiện giao thông, từ đó ngăn chặn nạn trộm cắp xe.
Ở mảng dịch vụ công, Blockchain giúp cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà bằng cách tạo ra cơ sở dữ liệu an toàn, minh bạch. Các bên dễ dàng truy cập và chia sẻ thông tin trên mạng nhưng đồng thời vẫn đảm bảo dữ liệu không bị giả mạo nhờ đặc tính không thể chỉnh sửa của sổ cái phân tán, được hỗ trợ bởi cơ chế đồng thuận.
IOT QUAN TRỌNG VỚI SMART CITY
Bên cạnh Blockchain, một công nghệ khác rất quan trọng đối với smart city đó là IoT -hệ thống Internet kết nối tất cả thiết bị thông minh và có thể tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng thành phố, quản lý định danh của người dân.
Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, hiện nay có hai tiêu chuẩn IoT phổ biến nhất là LoRaWan và NB-IoT mà Việt Nam có thể nghiên cứu. Trong đó, LoRaWan là giao thức IoT công suất thấp, diện rộng, cho phép mọi người thiết lập mạng của riêng mình với chi phí cạnh tranh, do LoRa Alliance tạo ra (lora-alliance.org).
Ngược lại, NB-IoT là giao thức do các nhà mạng di động cung cấp, được phát triển bởi 3GPP và có mức phí cao hơn nhưng lợi thế là độ trễ thấp, cung cấp trải nghiệm tổng thể tốt hơn cho người dùng cuối (end user).
Smart city IMD-SUTD (SCI) là một chỉ số quan trọng để đánh giá smart city dựa trên nhận thức của người dân đối với các công nghệ đang được ứng dụng trong thành phố. Năm 2021, SCI xếp hạng 118 thành phố trên toàn cầu để đánh giá mức độ phát triển smart city, dựa trên 5 lĩnh vực là y tế, giao thông, hoạt động, cơ hội làm việc - học tập và quản trị. Trong đó, TP.HCM xếp hạng 88, Hà Nội xếp hạng 87 về mức độ phát triển smart city.
“Dù thứ hạng vẫn còn khiêm tốn khi đặt cạnh thế giới, smart city không phải là công nghệ khó đối với TP.HCM. Thành phố này có rất nhiều tiềm năng về dân số, đóng góp cho ngân sách rất lớn, kinh tế phát triển mạnh... nhưng vẫn cần các chính sách phù hợp”, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam khẳng định.
Để xây dựng smart city, theo ông Phan Đức Trung, điều quan trọng nhất là chính sách và phải có những biện pháp để đo lường mức độ hài lòng, sự tương tác của người dân. Việt Nam cần cải thiện chỉ số IMD - SUTD và có chính sách thúc đẩy 6 hướng đi smart city dựa trên 3 nền tảng IoT, con người và bất động sản.
Cho đến nay, mới chỉ có 41/63 tỉnh thành tại Việt Nam đã và đang xây dựng Đề án phát triển smart city. Mỗi tỉnh thành đặt mục tiêu dùng giải pháp đô thị thông minh để giải quyết các nhu cầu khác nhau như nạn kẹt xe, cải cách hành chính công, hay phát triển du lịch…