Vietcombank lên kế hoạch huy động tối đa 4.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ
Trái phiếu có kỳ hạn tối thiểu 7 năm và tối đa 10 năm với lãi suất cố định hoặc thả nổi. Thời điểm phát hành dự kiến trong quý 4.
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank (mã VCB-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021.
Theo đó, HĐQT VCB phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021 với khối lượng tối đa 4.000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn tối thiểu 7 năm và tối đa 10 năm với lãi suất cố định hoặc thả nổi. Thời điểm phát hành dự kiến trong quý 4.
Đồng thời, HĐQT quyết định giao cho Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành chỉ đạo triển khai và quyết định lãi suất phát hành phù hợp với điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành, và số lượng đợt phát hành, khối lượng và thời điểm phát hành trái phiếu cụ thể của từng đợt.
Trước đó, HĐQT Vietcombank cũng đã ban hành Nghị quyết phê duyệt tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019, theo phương án đã được Đại hội cổ đông thông qua.
Theo đó, Vietcombank dự kiến phát hành 1.023.650.175 cổ phiếu, tương đương 27,6% để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức 8% bằng tiền. Sau phát hành, vốn điều lệ của VCB sẽ thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày thanh toán của đợt cổ tức bằng cổ phiếu này vẫn chưa được công bố.
Mới đây, SSI Research vừa có duy trì khuyến nghị "trung lập" đối với cổ phiếu VCB do ngân hàng này có NIM duy trì tốt hơn ước tính. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể xem xét mua cổ phiếu khi giá thấp.
Cụ thể: VCB đạt kết qủa kinh doanh quý 3/2021 tốt hơn ước tính, với lợi nhuận trước thuế đạt 5,7 nghìn tỷ đồng (+15% YoY). Tăng trưởng tín dụng bền vững (+11,6% YTD hay +19,4% YoY) và NIM ở mức 3,15% (-35 bps QoQ, nhưng +14 bps YoY) giúp mang lại kết quả khả quan. Mặc dù gói hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có quy mô lớn, mức giảm NIM so với quý trước của VCB tương đương với các ngân hàng khác trong quý 3/2021.
Trong quý 4/2021, chúng tôi cho rằng NIM có thể giảm nhẹ, do ngân hàng tiếp tục duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ khách hàng trong khi dư địa để cải thiện chi phí vốn không còn quá nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh tăng +3% ước tính lợi nhuận trước thuế 2021 lên 25 nghìn tỷ đồng (+8,6% YoY). Chuyển cơ sở định giá sang năm 2022, giá mục tiêu 1 năm của chúng tôi đối với VCB tăng lên 117.000 đồng/cp (từ 111.500 đồng/cp) – tiềm năng tăng giá +19%.
Cũng theo SSI Research, mặc dù lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của VCB, tăng trưởng lợi nhuận trong các quý tới có thể chậm lại - ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn.