VLOG 2024 – Logistics xanh, nền tảng phát triển bền vững
Nhiều giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực logistics đường hàng không, đường biển và đường bộ xuất hiện tại Chuỗi triển lãm kết hợp hội thảo quốc tế về logistics Việt Nam năm 2024 (VLOG-2024) diễn ra tại TP.HCM tuần cuối qua đã mở ra cơ hội, hướng đi để gỡ khó cho bài toán logistics bền vững, trong đó yếu tố “Xanh” là xu hướng mang tính bắt buộc...
VILOG 2024 thu hút hàng trăm gian hàng đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực logistics như: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Úc nhằm thúc đẩy kết nối toàn cầu hệ thống logistics.
Các lĩnh vực chính gồm vận tải và giao nhận, kho thông minh và chuỗi cung ứng lạnh, máy móc-thiết bị xử lý vật liệu, ứng dụng công nghệ logistics, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và cảng biển,.. tất cả mang đến cái nhìn toàn diện về những tiến bộ cùng sự đổi mới trên các lĩnh vực xương sống của ngành logistics.
Ứng dụng chuỗi giá trị ESG (Environment - Môi trường, Social - Xã hội, Governance - Quản trị), bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng nhằm đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng) vào phát triển bền vững nói chung, phát triển dịch vụ logistics nói riêng, hướng đến logistics xanh và an toàn thông qua các công cụ, đang là yêu cầu bắt buộc đồng thời là nhân tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh chung toàn cầu.
Tâm điểm của sự kiện là vận tải và giao nhận (transport & forwarding) với sự góp mặt của sự góp mặt của nhiều cái tên nổi bật như THACO Industries, Vina Dowell, ACT Logistics (Việt Nam), Transit (Liên bang Nga), Nippon Express và Isuzu (Nhật Bản), các tổ chức net-working và nền tảng thương mại điện tử lớn như Orange Logistics-OLO, WIFFA và Breakbulk Club (Trung Quốc), ACE Global Logistics (Úc), Chicago Rockford Airport (Mỹ), các tập đoàn từ Singapore, Campuchia, Tây Ban Nha, Hong Kong…
Các đơn vị đã chia sẻ một loạt các giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực logistics đường hàng không, đường biển và đường bộ. Đặc biệt, Hiệp hội Chuỗi lạnh Đài Loan (TCCA) mang đến các giải pháp về kho thông minh và chuỗi lạnh tiên phong về thiết bị phần cứng, tích hợp hệ thống, quản lý vận hành, tư vấn, hệ thống thông gió bếp trung tâm, chế biến thực phẩm, nhà máy, bất động sản logistics.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin logistics, nhiều giải pháp mới đã được giới thiệu như phần mềm quản lý logistics tiên tiến, giải pháp tự động hoá, nền tảng hậu cần AI và IoT, ứng dụng công nghệ blockchain để minh bạch chuỗi cung ứng... giúp khám phá những đột phá tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả đồng thời thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực logistics.
Tại hội thảo “Đào tạo kỹ năng xanh cho nhân lực ngành logistics – gắn kết với ESG” do Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) tổ chức, các chuyên gia đã tập trung trang bị cho lực lượng lao động ngành logistics những kỹ năng xanh thiết yếu và tích hợp các nguyên tắc ESG.
Tại đây, tập đoàn ITL cũng đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Logistics xanh và an toàn hơn thông qua việc tích hợp phương thức vận chuyển bằng xe tải và sà lan” nhằm giúp các đối tác, doanh nghiệp tìm hiểu các lợi ích và chiến lược tích hợp các phương thức vận tải khác nhau nhằm nâng cao tính bền vững và an toàn.
Đón bắt cơ hội xúc tiến đầu tư, các đơn vị trong nước đã giới thiệu tới các đối tác, khách hàng đến VLOG-2024 những lợi thế của mình về lĩnh vực cảng và các trung tâm logistics quan trọng, hiện đóng vai trò then chốt đối với ngành thương mại và vận tải đang phát triển của Việt Nam.
Cụ thể: Cảng Tân Cảng Sài Gòn (SNP), khu phức hợp cảng lớn nhất và hiện đại nhất của cả nước nắm vai trò quan trọng trong ngành logistics và vận tải biển; Công ty Depot Kho vận Tân Cảng cung cấp các giải pháp kho bãi tiên tiến, nâng cao quản lý chuỗi cung ứng; cảng Hải An, nổi tiếng với khả năng xử lý hàng hóa và vận chuyển chuyên nghiệp bảo đảm hoạt động trơn tru trong hệ sinh thái logistics; Tân Cảng Bình Dương dẫn đầu lĩnh vực 3PL (còn gọi là logistics bên thứ 3, hay dịch vụ thuê ngoài, logistics hợp đồng) tại Việt Nam với các dịch vụ chính như vận tải đường bộ, dịch vụ kho bãi và dịch vụ khai thác depot container.
Ban tổ chức cũng đã tổ chức một buổi tham quan cảng quốc tế Long An, tọa lạc tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Là cảng mới, sinh sau đẻ muộn, cảng Long An đã ứng dụng phát triển logistics xanh trong toàn bộ chuỗi hoạt động thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm tài nguyên, tối ưu quy trình, giảm thiểu rác thải, khí thải, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất.
Các công trình trên cảng lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng, áp dụng công nghệ tiên tiến (CATOS, MOST); đội xe đầu kéo đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5 về giảm khí thải; thiết bị cẩu sử dụng điện 100%...
Cũng trong xu hướng chuyển đổi xanh, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết đã đầu tư thay mới đèn led cho 6 cẩu STS, 5 RTG và 40 bộ đèn led trên bãi container, giảm hao phí năng lượng cho hệ thống chiếu sáng; thực hành tiết kiệm điện nước sinh hoạt nội bộ và phục vụ sản xuất kinh doanh theo định mức sử dụng; vận động hạn chế sử dụng túi nhựa, vật liệu nguy hại tại các khu vực cảng.
Đơn vị cũng tiếp tục tối ưu hóa chuỗi vận hành thông qua 2 quy trình là giám sát tình trạng kỹ thuật của cẩu khung từ xa và kiểm tra tình trạng giao nhận container thông qua hình ảnh nhằm bảo đảm hạn chế vận hành thủ công, di chuyển và giám sát thủ công tiêu hao nhiều năng lượng; đồng thời từng bước nghiên cứu, thực hiện các dự án về sử dụng vật liệu thân thiện môi trường như gạch không nung, kính chắn tia UV, áp dụng công nghệ dây chuyền sản xuất nước đóng hộp giấy thay cho công nghệ cũ là chai nhựa…