Vốn nội giảm hưng phấn, vốn ngoại vẫn “tất tay”
Giá trị khớp lệnh lệnh hai sàn niêm yết sáng nay đã quay trở về ngưỡng bình thường, giảm 42% so với sáng hôm qua và ở HoSE, vốn ngoại mua vào lại tăng vọt lên chiếm gần 22% tổng giao dịch. Mặc dù cổ phiếu vẫn tăng giá áp đảo nhưng đà tăng đang có tín hiệu chững lại, cho thấy lực cầu giá cao bắt đầu thận trọng hơn...
Giá trị khớp lệnh lệnh hai sàn niêm yết sáng nay đã quay trở về ngưỡng bình thường, giảm 42% so với sáng hôm qua và ở HoSE, vốn ngoại mua vào lại tăng vọt lên chiếm gần 22% tổng giao dịch. Mặc dù cổ phiếu vẫn tăng giá áp đảo nhưng đà tăng đang có tín hiệu chững lại, cho thấy lực cầu giá cao bắt đầu thận trọng hơn.
VN-Index kết phiên sáng tăng 18,56 điểm tương đương 1,97% so với tham chiếu, vẫn rất mạnh. Độ rộng ghi nhận 351 mã tăng/66 mã giảm, với 50 mã kịch trần. So với con số 154 mã kịch trần chiều qua, rõ ràng sự hưng phấn đã hạ nhiệt. Lúc mạnh nhất, HoSE có 95 cổ phiếu kịch trần.
Điểm đáng chú ý là thanh khoản giảm khá mạnh. HoSE sáng nay chỉ giao dịch 4.566 tỷ đồng, giảm 42% so với sáng hôm qua và ngưỡng này cũng chỉ tương đương các phiên sáng bình thường đầu tuần hay tuần trước. Việc giá tăng tiếp một nhịp mạnh nữa sáng nay khiến nhà đầu tư phải suy tính trước khi mua đuổi.
Thị trường đạt đỉnh cao nhất khoảng 10h20, với VN-Index tăng 2,52%. Mức tụt điểm là không đáng kể (hơn 5 điểm), đồng thời thanh khoản thấp cho thấy không phải áp lực bán mạnh lên, mà là do cầu giá cao suy giảm. Trong số 50 cổ phiếu đang kịch trần thì hầu hết cũng không có thanh khoản cao trong quá khứ, trừ HPG hiện đang dư mua trần gần 11,4 triệu cổ. Nói cách khác, cổ phiếu mất thanh khoản ở giá trần cũng không phải là nguyên nhân khiến thanh khoản kém đi.
Rổ VN30 cũng chỉ có thêm GVR đang kịch trần và dư mua 266.100 cổ. Ở nhóm blue-chips dư địa thanh khoản còn tốt nếu như có cầu mạnh hơn. VN30-Index đã tụt khoảng 0,7% so với đỉnh, chốt phiên sáng còn tăng 2,21%. Nếu nhìn vào rổ VN30 thì rõ ràng lực cầu đang chậm lại và không tạo thêm được thanh khoản. Tới 17 mã trong nhóm này đã bị ép tụt khỏi giá cao nhất tới trên 1% giá trị. TPB bị ép tới gần 3,5% và từ xanh chuyển sang đỏ; PLX cũng từ xanh thành đỏ và bị đánh tụt 2,1% từ đỉnh. MBB bị bốc hơi 3,14% so với đỉnh; HDB, CTG, MWG, POW, SSI bị ép trên 2%...
Thị trường xuất hiện áp lực bán là bình thường khi nhà đầu tư thua lỗ là phần lớn, nghĩa là đang có sẵn cổ phiếu. Nếu bắt đáy tốt ngày hôm qua thì lợi nhuận là khá cao, họ sẵn sàng chốt lời phần bắt đáy. Dù vậy lực bán vẫn đang canh giá cao, lực ép xuống chưa phản ánh rõ lên giá cổ phiếu và bảng điện vẫn đang xanh toàn diện.
Nhóm trụ vẫn đang nâng đỡ điểm số nhờ mức độ ép giá là chưa nhiều. VIC tăng 6,62% và chỉ bị ép xuống 2 bước giá so với mức cao nhất (cũng là giá kịch trần). VIC là trụ mạnh nhất thị trường, đem lại 3,8 điểm cho chỉ số. VHM tăng 3,12%, cũng mới bị ép xuống khoảng 0,43% so với đỉnh, cộng 1,5 điểm cho chỉ số. Còn lại, HPG tăng 6,74%, VCB tăng 1,46%, GAS tăng 1,71%, BID tăng 1,96%, VRE tăng 4,71%... là những cổ phiếu thuộc Top 10 nâng đỡ tích cực nhất.
Phía giảm 3 mã đáng chú ý là NVL, PDR và EIB tiếp tục giảm sàn và mất thanh khoản. NVL đang dư bán sàn 52,72 triệu cổ, PDR là 112,3 triệu cổ và EIB là 60,4 triệu cổ. HoSE cũng có 13 cổ phiếu đang đóng cửa ở giá sàn, với 10 mã mất thanh khoản hoàn toàn. NBB, LGC, SJS, HPX cũng nằm trong nhóm giảm sàn và dư bán sàn.
Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân mạnh mẽ sáng nay và trong bối cảnh dòng tiền trong nước chững lại, thị phần của khối này lại tăng. HoSE nhận được 1.133,7 tỷ đồng vốn giải ngân, tương đương gần 22% thị phần. Mức bán ra 510,1 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 623,6 tỷ đồng.
STB tiếp tục được mua tốt nhất với 208,1 tỷ đồng, VIC +139,1 tỷ, HPG +77,5 tỷ, CTG +55,7 tỷ, FUEVFVND +55,3 tỷ. Phía bán duy nhất MBB là đáng kể với -49 tỷ đồng ròng. Mặc dù lực mua đang áp đảo từ khối ngoại ở nhiều mã, nhưng nhà đầu tư trong nước cũng bán ra là chủ đạo.