Vụ vải thiều thành công mỹ mãn của Bắc Giang, tổng doanh thu hơn 6.800 tỷ
Tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang ước đạt trên 201.600 tấn, tăng trên 21.600 tấn so với kế hoạch. Giá trị doanh thu từ vải thiều và từ các dịch vụ phụ trợ ước đạt khoảng trên 6.876 tỷ, trong đó doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.658 tỷ...
Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song mùa vụ vải thiều của Bắc Giang đã khép lại thành công. Vụ vải năm nay tuy không có sản lượng cao nhất nhưng tổng giá trị doanh thu nhất từ trước đến nay.
Theo thống kê, tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều của toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt trên 201.600 tấn, tăng trên 21.600 tấn so với kế hoạch. Giá trị doanh thu từ vải thiều và từ các dịch vụ phụ trợ ước đạt khoảng trên 6.876 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.658 tỷ đồng, tăng hơn 247 tỷ đồng so với năm 2022; doanh thu từ dịch vụ phụ trợ ước đạt 2.218 tỷ đồng.
Vải thiều của tỉnh được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó, sản lượng vải thiều xuất khẩu của tỉnh ước đạt khoảng gần 111.200 tấn, chiếm trên 55,1% so với tổng sản lượng tiêu thụ. Sản lượng tiêu thụ nội địa ước đạt gần 90.500 tấn, chiếm khoảng gần 44,9 %.
Sản lượng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, với tỷ trọng trong cơ cấu thị trường xuất khẩu chiếm trên 98% tổng sản lượng xuất khẩu; còn lại được xuất khẩu sang các thị trường khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, EU, Thái Lan, UAE, Qatar và một số nước khu vực Trung Đông và khu vực Đông Nam Á…
Nhằm gia tăng giá trị cho trái vải, đồng thời giảm sức ép tiêu thụ khi vào mùa thu hoạch rộ, không chỉ xuất bán trái vải tươi, nhiều địa phương, hợp tác xã cũng thúc đẩy chế biến trái vải. Ngoài những sản phẩm phổ biến như vải thiều sấy khô, nước ép, giấm vải hay mật ong hoa vải… năm nay một số hợp tác xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã chế biến ra nhiều sản phẩm.
Đơn cử như, năm nay lần đầu tiên HTX Thương mại và Du lịch An Phú, xã Tân Sơn đưa ra thị trường hai sản phẩm gồm bánh mỳ và bánh ngọt hương vải. Theo đó, bánh mỳ vải được làm từ bột mỳ trộn với nước ép vải, bên trong bánh có nhân chế biến vải thiều kết hợp cùi dừa tươi. Bánh ngọt bông lan cũng trải qua công đoạn ủ bột lên men và trộn với nước ép vải thiều.
Tương tự, năm nay lần đầu tiên HTX Du lịch Đồng Dao, xã Quý Sơn giới thiệu sản phẩm rượu vang vải thiều mang thương hiệu “Lệ Chi”. Ngoài ra HTX còn liên kết với một doanh nghiệp tại Hải Phòng chế biến thành công nến thơm vải thiều (dạng sáp) mang hương thơm và văn hóa đặc trưng.
Còn tại HTX Thương mại du lịch Trù Hựu, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) đã chế biến ra món trà vải. Thời gian tới, HTX này sẽ cho ra nhiều sản phẩm làm từ vải thiều như sữa chua vải, chè vải hạt sen và bánh vải nhằm phục vụ khách hàng.