Xả đột biến phiên chiều, cổ phiếu chứng khoán bị “đánh úp”
Thanh khoản trên hai sàn phiên chiều nay tăng đột biến gần 68% so với phiên sáng nhưng cổ phiếu lẫn các chỉ số đồng loạt lao dốc. VN-Index chốt ngày bốc hơi 13,37 điểm, tức là mất gần hết mức tăng hôm qua. Nhóm cổ phiếu chứng khoán bị xả đặc biệt mạnh do hậu quả của nhịp tăng giá dữ dội vừa qua...
Thanh khoản trên hai sàn phiên chiều nay tăng đột biến gần 68% so với phiên sáng nhưng cổ phiếu lẫn các chỉ số đồng loạt lao dốc. VN-Index chốt ngày bốc hơi 13,37 điểm, tức là mất gần hết mức tăng hôm qua. Nhóm cổ phiếu chứng khoán bị xả đặc biệt mạnh do hậu quả của nhịp tăng giá dữ dội vừa qua.
HAC là cổ phiếu duy nhất trong nhóm chứng khoán trên tất cả các sàn còn tăng giá 1%. Tuy vậy mã này trên UpCOM khớp có 2400 cổ mà thị giá chỉ 10.100 đồng. Phía ngược lại BSI giảm sàn.
Ở giữa là hàng chục cổ phiếu nhóm chứng khoán giảm giá rất sâu, với 21 mã giảm trên 3%. Những mã dẫn dắt nhóm đều xuất hiện đợt bán tháo mạnh: SSI giảm 4,66% thanh khoản 1.746 tỷ đồng, cao nhất thị trường; VND giảm 4,16% thanh khoản 896,7 tỷ đứng thứ 4 thị trường; VIX giảm 3,54% giao dịch 606,8 tỷ đứng thứ 5; HCM giảm 3,12% với 354,9 tỷ, VCI giảm 5,62% với 308,8 tỷ đều lọt Top 20 mã giao dịch lớn nhất. Ngoài ra CTS, FTS, SHS, AAS, WSS, AGR, BVS, MBS… cũng giảm trên 4% với thanh khoản cao.
Nhóm chứng khoán hầu hết đều mạnh hơn thị trường trong tháng 9 này. Ngay cả khi VN-Index thất bại trong việc vượt qua đỉnh cao tháng 8/2023 thì rất nhiều mã nhóm chứng khoán lại vượt đỉnh thành công, thậm chí tăng thêm hàng chục phần trăm nữa. Biên độ tăng giá quá nhanh và thanh khoản đặc biệt cao ở các cổ phiếu này cho thấy đã có một lượng rất lớn nhà đầu cơ tham gia. Do đó tất yếu sẽ có một đợt phân phối mạnh.
Rất may là các cổ phiếu chứng khoán có trọng số vốn hóa nhỏ trong VN-Index, lớn nhất là SSI còn chưa lọt Top 20. Tuy nhiên chỉ số hôm nay thật sự chịu ảnh hưởng lớn từ số đông các mã giảm giá. Cả rổ VN30 còn sót lại BCM tăng 0,86%, GVR tăng 0,43%, PLX tăng 0,25% và VRE tăng 0,18%. Chỉ số đại diện rổ còn giảm nhiều hơn chỉ số, chốt phiên mất 1,25% trong khi VN-Index giảm 1,09%.
Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của chỉ số này thì trừ HPG tham chiếu, còn lại đều giảm. Dẫn đầu là VCB giảm 1,14%, VIC giảm 2,43%, GAS giảm 2,29%, BID giảm 1,09%, VPB giảm 1,14%, FPT giảm 1,73%, CTG giảm 1,09%.
Không chỉ blue-chips, độ rộng rất hẹp chiều nay cũng thể hiện sức ép giảm giá lan rộng. HoSE kết phiên với 150 mã tăng/370 mã tăng, trong đó 130 mã giảm trên 1% (kết phiên sáng mới có 80 mã). Đáng chú ý là thanh khoản sàn này chiều nay đã tăng vọt hơn 63% so với buổi sáng, đạt 13.422 tỷ đồng, mức cao nhất 5 phiên chiều gần đây. Với áp lực giảm giá, thanh khoản tăng mạnh thể hiện sức ép từ phía bán.
Toàn sàn HoSE có 30 cổ phiếu đạt thanh khoản từ 200 tỷ đồng trở lên thì chỉ có 3 mã tăng là TCH tăng 4,32%, BCG tăng 2,58%, LCG tăng 1,03%, còn lại 25 mã đỏ rực, thậm chí một nửa (13 mã) giảm trên 2% giá trị. Chứng khoán và bất động sản chiếm nhiều vị trí hàng đầu về áp lực bán tháo, như SSI, VND, VCI, VIX, DXG, DIG, PDR, VIC, VCG.
Nhóm đi ngược thị trường hôm nay cũng có hơn 60 mã tăng được trên 1%. Tuy nhiên ngoài số ít mã như TCH, BCG, LCG, ANV, IDI, REE có thanh khoản cao, số còn lại giao dịch ít. Các mã kịch trần như TLH, PTL, DC4, POM thậm chí giao dịch còn nhỏ hơn. Tổng thanh khoản của nhóm tăng giá trên HoSE chỉ chiếm khoảng 13% tổng giá trị khớp ở sàn này.
Áp lực bán tháo gia tăng đột biến buổi chiều đã đẩy thanh khoản cả ngày lên rất cao. HoSE và HNX khớp 23.887 tỷ đồng tăng 21% so với hôm qua và cao nhất 5 phiên. Tuy nhiên đáng tiếc là thanh khoản tăng mạnh lại đi cùng với giá giảm nhiều. Đây là trạng thái cũng đã lặp lại suốt từ đầu tháng 9, khi dòng tiền hạn chế mua đuổi giá ở phiên tăng, nhưng bên bán lại sẵn sàng cắt lỗ mạnh tay.