"Xe dù" quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội nhưng chạy "chui"
Nhiều biến tướng của "xe dù" như: xe ghép, xe tiện chuyến, xe hợp đồng trá hình... hoạt động không đúng quy định của pháp luật có xu hướng gia tăng. Nhiều đơn vị hiện hoạt động công khai và quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo gây thách thức cho công tác quản lý...
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 8773/BGTVT-VT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình trả lời kiến nghị cử tri về đề nghị xây dựng khung pháp lý để xử lý tình trạng xe ghép, xe tiện chuyến, xe hợp đồng trá hình.
TRÌNH CHÍNH PHỦ NGHỊ ĐỊNH ĐỂ SIẾT QUẢN LÝ TRƯỚC 15/10
Theo phản ánh của cử tri tỉnh Hòa Bình, tình trạng xe ghép, xe tiện chuyến, xe hợp đồng trá hình có xu hướng gia tăng, hoạt động công khai và quảng cáo trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo...
Các loại xe làm dịch vụ này không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách, không được cấp phù hiệu, biển hiệu. Đây là biến tướng của "xe dù" hoạt động không đúng quy định của pháp luật, gây khó khăn trong công tác quản lý. Đặc biệt không đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chèn ép các đơn vị vận tải có giấy phép.
Hồi đáp kiến nghị của cử tri, Bộ Giao thông vận tải dẫn chứng nhiều quy định pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và chế tài xử phạt với những đơn vị không có giấy phép kinh doanh vận tải.
Theo đó, ngày 27/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đường bộ, trong đó tại khoản 6 Điều 56 quy định: "Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gồm kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới theo quy định của Chính phủ".
Đồng thời, tại khoản 5 Điều 7 quy định: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật hoặc kinh doanh không đúng giấy phép” là một trong các hành vi bị nghiêm cấm".
Tại khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có chế tài xử lý phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 14 - 20 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đối với hành vi kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.
Trong thời gian tới, tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, bổ sung quy định trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động vận tải đường bộ, dự kiến trình Chính phủ trước 15/10/2024 và Thông tư hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với cơ quan thuộc Bộ Công an trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phương tiện tham gia giao thông đường bộ, trong đó có xe ô tô kinh doanh vận tải.
THƯỜNG XUYÊN RÀ SOÁT ĐƠN VỊ KINH DOANH VẬN TẢI
Tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định, xe ghép, xe tiện chuyến trên địa bàn địa phương, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị phối hợp chặt chẽ để giải quyết tình trạng này.
Thực tế cho thấy vẫn còn tồn tại tình trạng xe trá hình tuyến cố định, xe ghép, xe tiện chuyến hoạt động ở nhiều nơi, vi phạm còn diễn ra công khai mà chưa được xử lý nghiêm minh.
"Đặc biệt chú trọng việc thực hiện các quy định về thời gian lái xe, tốc độ, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, điều kiện của người lái xe kinh doanh vận tải, chở đúng số người quy định… xử lý nghiêm vi phạm nếu phát hiện", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Để tiếp tục quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật, Bộ Giao thông vận tải đề nghị uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp, nội dung chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về kiểm tra, xử lý "xe dù, bến cóc", xe trá hình tuyến cố định, xe ghép, xe tiện chuyến.
Đồng thời, giao sở giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu kế hoạch của uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới.
Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị uỷ ban nhân dân các địa phương chỉ đạo sở giao thông vận tải tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và công an địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.
"Thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện an toàn giao thông của đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.