Xem xét bổ sung chế tài xử phạt xếp hàng quá tải với các cơ sở đầu mối nguồn hàng
Cử tri tỉnh Hòa Bình vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất Chính phủ bổ sung các chế tài xử phạt đối với cơ sở đầu mối nguồn hàng vi phạm nhiều lần bốc xếp hàng quá tải trọng lên phương tiện bằng các hình thức ngừng kinh doanh có thời hạn...
Trong Công văn số 726/BGTVT-PC gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của các hành vi vi phạm về xếp, chở hàng hóa quá tải trọng trên phương tiện, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này đã được quy định đầy đủ đối với từng chủ thể có liên quan tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP.
Theo đó, đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xếp hàng quá tải trọng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 28.
Tuy nhiên, với các cơ sở đầu mối nguồn hàng thông thường, Bộ Giao thông vận tải cho biết đây là các nhà máy, cơ sở sản xuất, các mỏ vật liệu, chợ đầu mối được thành lập và hoạt động theo các quy định pháp luật chuyên ngành.
Theo đó, việc thành lập, hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất thực hiện theo quy định pháp luật đầu tư, pháp luật doanh nghiệp. Việc thành lập, hoạt động của các cơ sở khai thác mỏ vật liệu thực hiện theo pháp luật khoáng sản, pháp luật bảo vệ môi trường…
"Đối với người điều khiển phương tiện có hành vi chở hàng quá tải trọng sẽ bị xử phạt và tước giấy phép lái xe theo quy định tại Điều 24, Điều 33; đối với chủ phương tiện có hành vi chở hàng quá tải trọng sẽ bị xử phạt và bị tước phù hiệu phương tiện theo quy định tại Điều 30", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu ý kiến của cử tri để đề xuất bổ sung chế tài xử phạt này khi sửa đổi, bổ sung các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến hoạt động của các cơ sở đầu mối nguồn hàng.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, năm 2023, tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải giảm mạnh nhưng còn diễn biến phức tạp trên địa bàn các địa phương có nhiều mỏ vật liệu hoặc giáp biên giới. Còn hiện tượng xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý. Hiện tượng cơi nới thành, thùng xe có dấu hiệu tái diễn tại một số địa phương.
Triển khai chuyên đề về “cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ”, năm vừa qua, Thanh tra Sở Giao thông vận tải các địa phương đã thành lập đoàn kiểm tra tải trọng tại nhiều đầu mối bốc xếp hàng hóa và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Chẳng hạn, năm 2023, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hoá đã lập 538 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt với số tiền gần 6,5 tỷ đồng, tước quyền sử dụng 94 giấy phép lái xe và 134 phù hiệu. Trong đó, xử phạt 296 trường hợp vi phạm về tải trọng, phạt tiền 5,2 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2023, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hoá thực hiện 3/4 cuộc kiểm tra liên quan đến kiểm soát tải trọng, gồm: 1 cuộc kiểm tra điều kiện hoạt động hoạt động của bến thuỷ nội địa, chấp hành các quy định về kiểm soát tải trọng phương tiện tại bến thuỷ nội địa; 2 cuộc kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện tại các đầu mối bốc xếp hàng hoá.
Thực hiện kiểm tra chuyên đề theo hướng dẫn của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải về việc tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, xếp hàng hoá trên xe ô tô tại các đầu mối bốc xếp hàng hoá, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã ban hành quyết định về việc kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng đường bộ, xếp hàng hoá trên xe ô tô tại các đầu mối bốc xếp hàng hoá, tiến hành kiểm tra đối với 28 đơn vị đầu mối bốc xếp trên địa bàn tỉnh.
Năm vừa qua, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội sử dụng cân xách tay, trạm kiểm tra tải trọng lưu động tăng cường kiểm tra, xử lý các xe chở hàng quá khổ, quá tải tại các bến bãi, công trình nhằm kiểm soát chặt hoạt động của các phương tiện vận chuyển hàng hóa. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý các xe vi phạm kích thước thành thùng, chở hàng quá tải, đặc biệt kiểm soát tải trọng ngay tại đầu nguồn, trên các tuyến đê, các tuyến đường ra vào cửa ngõ Hà Nội.
Qua công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, các tổ chức, cá nhân và lái xe đã có ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và vệ sinh môi trường đặc biệt trong hoạt động vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, bùn, đất, phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Tình hình vệ sinh môi trường, bụi bẩn trên các tuyến đường giao thông công cộng thuộc thành phố Hà Nội được cải thiện rõ rệt theo chiều hướng tích cực...