Xu thế dòng tiền: Biến động trên thị trường quốc tế không đáng ngại?
Phiên cuối tuần thị trường phục hồi trong khi các thị trường chứng khoán quốc tế đỏ lửa đã giúp các chuyên gia có cái nhìn tích cực hơn
Phiên cuối tuần thị trường phục hồi trong khi các thị trường chứng khoán quốc tế đỏ lửa đã giúp các chuyên gia có cái nhìn tích cực hơn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần điều chỉnh đầu tiên sau Tết Nguyên đán, trùng hợp với thời điểm các thị trường quốc tế đạt đỉnh và điều chỉnh. Mặc dù vậy nếu so sánh thì VN-Index tuần qua chỉ giảm 0,4%, nhẹ hơn rất nhiều so với các chỉ số quốc tế. Các chuyên gia thống nhất đánh giá rủi ro từ diễn biến của các thị trường bên ngoài sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trong nước.
Lý do là thị trường trong nước từ khá lâu đã tách biệt đáng kể với thị trường quốc tế. Nguyên nhân khiến chứng khoán quốc tế quay đầu giảm là biến động lợi suất trái phiếu. Tuy nhiên đó không phải là yếu tố đáng lo ngại tại Việt Nam. Lạm phát năm nay ít có khả năng vượt quá mục tiêu 4%, chính sách lãi suất thấp vẫn sẽ duy trì cả năm để hỗ trợ nền kinh tế.
Các yếu tố trong nước được trông đợi sẽ vẫn tạo ảnh hưởng chính đến thị trường, hơn là các yếu tố từ bên ngoài. Kết quả kinh doanh quý 1/2021 và những thông tin từ đại hội cổ đông tới đây vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường trong nhịp điều chỉnh nếu xảy ra.
Các chuyên gia cũng không cho rằng thị trường sẽ điều chỉnh sâu. Mức kỹ thuật sâu nhất được đề cập là 1.100 điểm đối với VN-Index.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Cuối cùng thì VN-Index vẫn lỡ hẹn vượt đỉnh 1.200 trong tháng 2. Nếu không tăng thêm được thì khả năng cao thị trường sẽ điều chỉnh để lấy đà. Theo anh chị mức điều chỉnh có thể sâu đến đâu?
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Tuần vừa qua, chỉ số Vnindex giảm nhẹ 0,43% trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu điều chỉnh ở vùng đỉnh lịch sử. Khép lại tháng 2 mặc dù chưa vượt đỉnh 1.200 điểm nhưng thị trường trong nước vẫn có mức tăng 10,6% và đứng đầu thế giới.
Về kỹ thuật, thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục kể từ cuối tháng 1 và đang hình thành vùng tích lũy ở 7 phiên vừa qua. Do vậy, trong kịch bản thị trường không duy trì được trạng thái đi ngang và có điều chỉnh thì vùng hỗ trợ có thể ở 1.100 – 1.120 điểm, tương ứng với 1/2 nhịp nảy này vừa qua.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi thị trường nếu có chỉnh tiếp thì khả năng rất cao sẽ dừng lại ở mốc quanh 1.125 điểm tương đương với vùng đỉnh ngắn hạn cũ cũng là ngưỡng Fibonacci 61.8.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tôi cho rằng ngưỡng 1.150 điểm đang giữ vai trò khá tốt trong việc hỗ trợ đà hồi phục của chỉ số trong thời gian gần đây. Đây được kỳ vọng là hỗ trợ ngắn hạn của thị trường. Trong trường hợp mức điểm này bị xuyên thủng, hỗ trợ tiếp theo nằm tại 1.100 điểm.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Nhìn chung, tôi tiếp tục duy trì quan điểm lạc quan vào khả năng vượt đỉnh 1.200 của VN-Index trong 1 vài tuần tới khi xét đến bối cảnh vĩ mô thuận lợi, cũng như mức định giá tương đối hấp dẫn của thị trường ở thời điểm hiện tại.
Dù vậy, trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin hỗ trợ, nhiều khả năng thị trường sẽ biến động lình xình tăng/giảm đan xen ở vùng giá hiện tại trong ngắn hạn. Trong kịch bản thị trường chứng khoán toàn cầu diễn biến tiêu cực, các nhịp điều chỉnh sâu hoàn toàn có thể xuất hiện và việc chỉ số VN-Index chớm giảm xuống dưới mốc 1.100 điểm là hoàn toàn khả thi.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi cho rằng việc thị trường tăng trở lại và lưỡng lự tại khu vực đỉnh cũ 1.180 điểm là điều khá bình thường. Diễn biến hồi phục ở tuần giao dịch trước đang nhen nhóm niềm hy vọng thị trường sẽ sớm quay lại vùng đỉnh cũ 1.180 – 1.200 điểm. Mốc điều chỉnh hỗ trợ cũng của thị trường hiện nay là ở vùng 1.140 – 1.145 điểm. Tạm thời VN-Index đang khó có thể giảm qua ngưỡng hỗ trợ mạnh này.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Biến động trên thị trường chứng khoán quốc tế đang trở thành mối quan tâm lớn và có ảnh hưởng tâm lý không nhỏ. Cách đây vài tuần, anh chị cũng đánh giá khả năng thị trường quốc tế đạt đỉnh và điều chỉnh. Với các diễn biến cập nhật tuần qua, anh chị đánh giá rủ ro này như thế nào đối với thị trường Việt Nam?
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Diễn biến tăng mạnh của lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm phản ánh kỳ vọng lạm phát gia tăng của giới đầu tư toàn cầu, trong bối cảnh giá các loại hàng hóa đồng loạt tăng mạnh (giá dầu, giá đồng…) đã khiến thị trường Mỹ và chứng khoán toàn cầu trải qua các phiên lao dốc trong tuần qua và ít nhiều đã có tác động đến thị trường Việt Nam.
Dù vậy, có 2 điểm chúng ta nên lưu ý: i) Bên cạnh diễn biến tăng của giá cả các loại hàng hóa, chưa có nhiều cơ sở để kết luận lạm phát đang có xu hướng quay trở lại ở các nước phát triển trong bối cảnh bản thân chủ tịch FED, ông Powell, đã phát đi tín hiệu hài lòng với diễn biến lạm phát ở thời điểm hiện tại và sẽ không vội hành động trước những thay đổi ngắn hạn của giá hàng hóa hay lãi suất trái phiếu Chính phủ;
ii) Dù giá xăng gần đây tăng mạnh, các tính toán sơ bộ cho thấy ít có khả năng lạm phát Việt Nam năm nay sẽ vượt mốc mục tiêu 4% của Chính phủ, qua đó thúc đẩy Ngân hàng nhà nước thu hẹp chính sách tiền tệ. Nhiều khả năng chính sách lãi suất thấp sẽ tiếp tục được duy trì xuyên suốt trong năm nay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Như vậy, dù lạm phát là yếu tố rủi ro cần theo dõi chặt chẽ, tôi không cho rằng đây là yếu tố quá đáng lo ngại và có thể đảo chiều xu hướng tăng của thị trường cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Mối quan hệ liên thị trường luôn là điều khiến các nhà đầu tư, các "trader" trên thế giới quan tâm. Chứng khoán Mỹ hay bất kỳ thị trường khu vực lớn nào trên thế giới điều chỉnh cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến diễn biến thị trường Việt Nam luôn trong phiên ngày hôm đó. Việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt khiến thị trường cổ phiếu Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn và động thái bán tháo ở các cổ phiếu công nghệ gây ra sự lo lắng đối với các nhà đầu tư nội.
Nhưng tôi vẫn lưu ý các nhà đầu tư rằng, lý do khiến thị trường Việt Nam biến động trong ngắn hạn nếu không đến từ các sự kiện, những chính sách mới từ chính quyền Mỹ… thì cũng bị ảnh hưởng bởi những thông tin, sự kiện địa chính trị khác. Việc lo sợ về những sự kiến, tác động quốc tế sẽ không giúp chúng ta nhiều trong hoạt động đầu tư và cuối cùng chúng ta vẫn sẽ phải quan tâm đến diễn biến, phân tích cơ bản của các cơ hội hay cổ phiếu riêng lẻ. Thị trường sẽ còn biến động lên xuống trong ngắn hạn và việc của chúng ta là tìm ra được các cơ hội đầu tư tốt hơn là cố gắng dự báo, diễn biến thị trường.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi giai đoạn vừa qua thị trường Việt Nam đi rất khác thị trường quốc tế. Điều đó thể hiện rõ khi thị trường Việt Nam phiên cuối tuần lấy được đà hồi phục và đóng cửa ở mức xanh trong khi thị trường thế giới nhiều chỉ số giảm quanh 3%. Theo tôi giai đoạn tới thị trường Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đi theo một cách riêng và hiện tại theo kỹ thuật thì ngắn hạn thị trường chưa có dấu hiệu rủi ro lớn.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Rủi ro đối với thị trường trong nước lúc này là biến động trên thị trường chứng khoán quốc tế và thị trường hàng hóa. Tuy vậy, với tín hiệu ngược dòng ở phiên cuối tuần, rủi ro từ biến động trên thị trường chứng khoán quốc tế đang giảm dần. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đánh giá thị trường chứng khoán Đông Nam Á vẫn là nơi trú ẩn tốt nhất trong bối cảnh các tài sản rủi ro nhưng chứng khoán toàn cầu đang chịu tác động từ lợi suất trái phiếu tăng. Tuần vừa qua, trong khi chỉ số chứng khoán toàn cầu (MSCI ACWI) giảm 1,87% thì chứng khoán Đông Nam Á (MSCI AC ASEAN) vẫn tăng nhẹ 0,5%.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Việc các thị trường quốc tế giảm mạnh trong thời gian qua bắt nguồn từ diễn biến tăng mạnh của lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Mỹ, kéo theo lo ngại về nguy cơ lạm phát. Trên thực tế, nhiều thị trường châu Á đã chứng kiến phiên giảm mạnh vào cuối tuần qua. Tuy vậy, nhà đầu tư Việt Nam vẫn khá bình tĩnh trước diễn biến này, chỉ số chỉ giảm mạnh đầu phiên trước khi hồi phục và đóng cửa ở mức cao nhất ngày. Do đó, tôi vẫn cho rằng diễn biến thị trường chủ yếu phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố trong nước, diễn biến các thị trường quốc tế có tác động không đáng kể.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường đang trong giai đoạn trống vắng thông tin, thanh khoản cũng tương đối thấp so với giai đoạn tháng 1. Theo anh chị giai đoạn điều chỉnh tích lũy có thể kéo dài đến khi nào?
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi không cho rằng giai đoạn này là giai đoạn thiếu hay là "khoảng trống thông tin" mà ngược lại nhiều thông tin về triển vọng kết quả kinh doanh quý I/2021, các cuộc họp đại hội cổ đông sẽ được thông báo, các kế hoạch trả cổ tức cũng sẽ được thông báo trên các phương tiện báo chí truyền thông. Thị trường có thể cần thêm có thể tối đa 1 tuần điều chỉnh tích lũy trước khi quay trở lại xu hướng tăng.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Thanh khoản toàn thị trường tháng 2 còn 16.300 tỷ đồng/phiên sau khi đạt đỉnh ở tháng 1 với 20.424 tỷ đồng. Việc thanh khoản giảm trong tháng 2 là bình thường do thị trường trong nhịp hồi về mức đỉnh cũ, do vậy nhà đầu tư vẫn thận trọng chờ tín hiệu thị trường kết thúc nhịp điều chỉnh mới gia tăng tỷ trọng.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang trong giai đoạn trống vắng thông tin hỗ trợ nên việc hình thành vùng tích lũy để lấy đà vượt đỉnh cũng được xem là kịch bản tích cực cho thị trường lúc này. Thời gian tích lũy đến đâu cũng rất khó xác định, về cơ bản thị trường đã có đỉnh ngắn hạn cả về chỉ số và dòng tiền. Do vậy, chỉ khi nào có sự đồng thuận từ dòng tiền hoặc có thêm thông tin hỗ trợ mới, có thể thị trường sẽ kết thúc trạng thái tích lũy.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Việc chỉ số liên tục có những biến động lớn trong phiên khiến tâm lý ngại rủi ro xuất hiện với đa số các nhà đầu tư. Cùng với việc thị trường đang ở vùng trũng thông tin, họ đang có xu hướng chờ đợi các doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 để đánh giá triển vọng và tính khả thi trong việc thực hiện, từ đó tự tin hơn trong việc xuống tiền. Đó có thể là thời điểm thích hợp để thị trường bùng nổ trở lại.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Nhịp hồi phục từ đáy 1.000 điểm diễn ra khá nhanh và mạnh nên hiện tại thị trường có giai đoạn chỉnh nhẹ tích lũy là điều hết sức bình thường và rất tốt để thị trường chinh phục lên đỉnh cao hơn. Hiện tại theo tôi thị trường nhịp này sẽ sideway trong khoảng 1.5-2.5 tuần.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Nếu không xuất hiện các động lực tăng giá mới, tôi thiên về kịch bản thị trường sẽ đi ngang tích lũy cho đến cuối tháng 3 khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 bắt đầu tác động đến thị trường. Với việc mùa báo cáo lợi nhuận quý 4 vừa qua cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tôi kỳ vọng báo cáo quý 1 tới đây sẽ tiếp tục là yếu tố mang tính hỗ trợ mạnh.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tuần trước anh chị duy trì tỷ trọng cổ phiếu cân bằng, tuần này có tăng giảm tỷ trọng hay không? Nếu điều chỉnh là cơ hội để mua, anh chị đang quan tâm đến những cổ phiếu nào?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Giai đoạn vừa rồi tôi có chốt lời 1 phần các cổ phiếu nắm giữ khi gặp vùng kháng cự mạnh, hiện tại các cổ phiếu đó đã chỉnh về vùng hỗ trợ tốt nên tôi có mua lại và gia tăng thêm tỷ trọng. Giai đoạn này tôi hướng tới các cổ phiếu có nền cơ bản tốt như dòng dầu khí, dòng bán lẻ, chứng khoán.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Tôi chưa tăng tỷ trọng và vẫn giữ ở mức cân bằng. Trong trường hợp cơ cấu hoặc gia tăng tỷ trọng, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế sẽ được chú ý như: vật liệu xây dựng, hàng không, dầu khí, ngân hàng, chứng khoán...
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi tiếp tục duy trì tỷ trọng ở mức trung bình cao và chưa có kế hoạch thay đổi ở thời điểm hiện tại.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi vẫn đang giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục cổ phiếu và có thể nâng tiếp tỷ trọng cổ phiếu trong tuần giao dịch tới khi thị trường tăng tốt. Một số cổ phiếu đáng quan tâm đó là HPG, HSG, KDC, FPT, TNG, LCG, S99.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tôi vẫn giữ nguyên tỷ trọng so với tuần vừa qua. Trong trường hợp thị trường điều chỉnh, cơ hội sẽ xuất hiện tại nhóm cổ phiếu ngân hàng với triển vọng tăng trưởng trong năm 2021 và một số nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công như thép, xi măng, đá, xây dựng hạ tầng...