10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2024: Tin tặc tấn công, khối ngoại bán ròng kỷ lục lọt top

Tuệ Lâm
Chia sẻ

Thông tư 68, khối ngoại bán ròng kỷ lục...lọt top 10 sự kiện chứng khoán năm 2024 do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán bình chọn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáng nay 28/12, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2024. Đây là hoạt động thường niên, được tổ chức kể từ khi Câu lạc bộ được thành lập từ năm 2007.

10 sự kiện chứng khoán năm 2024 gồm:

1. Thông tư 68 chính thức ban hành, gỡ nút thắt quan trọng, tiến gần hơn với nâng hạng

Ngày 18/9/2024, Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung 4 thông tư đã chính thức được Bộ Tài chính ban hành. Cùng với việc công bố lộ trình cụ thể áp dụng công bố thông tin bằng tiếng Anh, điểm nhấn nổi bật nhất của Thông tư 68 chính là việc cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được đặt lệnh mua cổ phiếu mà không cần đủ 100% tiền (non-freefunding).

Thông tư 68 nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực của thị trường, cũng như nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức xếp hạng thị trường khi đã tháo gỡ nút thắt quan trọng, đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi thứ cấp của FTSE Russell.

Có hiệu lực từ 2/11, đến nay, qua ghi nhận thực tế, việc áp dụng non-freefunding tại các công ty chứng khoán cơ bản được đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu và tăng sự hài lòng dành cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Điều này tạo kỳ vọng tích cực cho việc hoàn thành mục tiêu nâng hạng trong năm 2025 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra.

2. Thị trường chứng khoán chịu tác động từ nhiều yếu tố ngoại biên

Năm 2024 thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng gần 12% trên VN-Index nhưng phần lớn mức tăng này đạt được ngay trong quý 1. Cả 3 quý còn lại thị trường gần như chỉ dao động với nhiều lần không vượt qua được ngưỡng 1300 điểm. Diễn biến thị trường kém tích cực này tương phản với mức tăng trưởng kinh tế vĩ mô vẫn rất ấn tượng khi GDP quý 3/2024 tăng 7,4% và lũy kế 9 tháng tăng 6,82%. Lợi nhuận doanh nghiệp toàn thị trường quý 3 tăng 18,8% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng tăng 14% cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ các tác động bên ngoài, trong đó đà tăng giá của đồng USD khiến tỷ giá trong nước tăng mạnh và Ngân hàng nhà nước phải nhiều đợt phát hành tín phiếu và bán USD can thiệp. Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ cũng đem lại nhiều bất định trong hoạt động thương mại toàn cầu.

3. Tin tặc tấn công hệ thống của công ty chứng khoán VNDirect, PVOIL

Ngày 24/3/2024 hệ thống công nghệ thông tin của Công ty chứng khoán VNDirect bị tin tặc tấn công và mã hóa dữ liệu, khiến hệ thống giao dịch bị ngắt kết nối với các Sở giao dịch và phải đến ngày 1/4 mới có thể khôi phục, gây nhiều thiệt hại cho uy tín doanh nghiệp cũng như tạo rủi ro cho nhà đầu tư sử dụng tài khoản ở công ty này.

Ngay sau đó, ngày 2/4/2024 đến lượt hệ thống của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) cũng bị tấn công mã hóa dữ liệu ảnh hưởng tới nhiều hoạt động nghiệp vụ, trong đó có hệ thống phát hành hóa đơn điện tử, website và các ứng dụng khác.

Các cuộc tấn công này là hồi chuông cảnh báo doanh nghiệp cần tăng cường đảm bảo an toàn thông tin trong bối cảnh các hoạt động, dịch vụ đã được số hóa mức độ cao.

4. Làn sóng tăng vốn của các công ty chứng khoán

Trong năm 2024, nhiều công ty chứng khoán tiếp tục phát hành thành công tăng vốn thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có thể kể đến những cái tên nổi bật như: SSI, VCI, VIX, VND, LPBS… Thống kê trong năm 2024 đã có khoảng 22 công ty chứng khoán phát hành tăng vốn thông qua các hình thức như phát hành cho cổ đông hiện hữu, cho cán bộ công nhân viên, và cho đối tác chiến lược.

Với gần 2,5 tỷ chứng khoán được chào bán, phát hành, các công ty chứng khoán đã huy động thêm gần 25.000 tỷ đồng để củng cố tiềm lực vốn cho kinh doanh.

5. Xét xử nhiều đại án trong lĩnh vực chứng khoán

Năm 2024 chứng kiến một loạt các đại án lớn được đưa ra xét xử, trong đó, đáng chú ý là 3 đại án lớn trong lĩnh vực chứng khoán. Trong vụ án Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh được xác định là chủ mưu trong việc phát hành trái phiếu, huy động, chiếm đoạt của trên 6.600 nhà đầu tư, với tổng số tiền hơn 8.600 tỷ đồng và sử dụng không đúng mục đích phát hành.

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị xác định chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỷ đồng.

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC, chủ mưu là ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Với các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết đã chiếm đoạt, thu lời bất chính hơn 4.300 tỷ đồng.

6. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục

Năm 2024 chứng kiến làn sóng bán ròng kỷ lục của nhóm nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu Việt Nam. Thống kê đến giữa tháng 12/2024, tổng giá trị bán ròng đã lên tới gần 90.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần năm 2023. Nguyên nhân chính khiến dòng vốn ngoại chảy ngược mạnh mẽ là cơ hội đầu tư trên nhiều thị trường tài sản khác hấp dẫn hơn. Đồng USD tăng giá mạnh và xu hướng bảo hộ được dự báo sẽ tăng hiệu quả của các doanh nghiệp tại thị trường Mỹ.

7. Quốc hội thông qua Luật chứng khoán sửa đổi

Ngày 29/11/2024, Quốc hội chính thức thông qua một luật sửa đổi 9 luật thuộc lĩnh vực Tài chính, trong đó có Luật Chứng khoán sửa đổi. Luật Chứng khoán được sửa đổi theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán. 

Bên cạnh đó, để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường, Luật hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

8. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi tích cực

Tính đến ngày 25/12, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 455 nghìn tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2023. Trong đó, tổng giá trị quy mô phát hành trái phiếu ra công chúng là 46,4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang nhận được nhiều kỳ vọng sẽ phát triển tốt hơn trong năm 2025 nhờ kinh tế vĩ mô tăng trưởng và các sửa đổi trong Luật Chứng khoán mới sẽ giúp tăng cường tính minh bạch cho thị trường và cải thiện dần chất lượng trái phiếu, hoạt động phát hành ra thị trường.

9. Số doanh nghiệp lên sàn thấp kỷ lục

Với 2 doanh nghiệp chuyển cổ phiếu từ sàn UPCoM sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (mã cổ phiếu PTX, CAR) và 8 doanh nghiệp lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (mã cổ phiếu RYG, DSE, MCM, HNA, QNP, TCI, NAB, VTP), năm 2024, toàn thị trường niêm yết Việt Nam có vỏn vẹn 10 doanh nghiệp niêm yết mới.

Con số này đặt trong bối cảnh Việt Nam có trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết để quảng bá uy tín, thương hiệu và tiếp cận kênh huy động vốn này đang quá nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam.

10. Thị trường trái phiếu chính phủ chứng minh sự hiệu quả sau 15 năm vận hành

Năm 2024, thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt đánh dấu cột mốc 15 năm kể từ ngày khai trương năm 2009. Sau 15 năm, thị trường này đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả cho ngân sách nhà nước.

Trong giai đoạn 2009 - 2024, kênh phát hành trái phiếu chính phủ đã huy động được trên 3,25 triệu tỷ đồng cho ngân sách, bình quân đạt khoảng 220 nghìn tỷ đồng/năm, gấp khoảng 5 lần so với giai đoạn 2000 - 2008. Quy mô dư nợ trái phiếu Chính phủ đã đạt trên 2,35 triệu tỷ đồng, tương đương 23% GDP, gấp 18 lần so với năm 2009.

Thị trường thứ cấp từng bước phát triển theo chiều sâu, thanh khoản trái phiếu tăng mạnh, từ mức khiêm tốn là 365 tỷ đồng/phiên vào năm 2009 đã tăng lên khoảng 11.200 tỷ đồng/phiên vào năm 2024.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con