10 vị trí được chọn dự kiến xây dựng Khu Thương mại tự do Đà Nẵng

Ngô Anh Văn
Chia sẻ

Triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, các cấp, ngành, đơn vị liên quan của thành phố đang khẩn trương các công việc để thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng...

Khu đô thị Thuận Phước lấn Vịnh biển Đà Nẵng.
Khu đô thị Thuận Phước lấn Vịnh biển Đà Nẵng.

Tại Điều 13 Nghị quyết số 136/2024/QH15 cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước được thí điểm thành lập mô hình kinh tế này.

Một trong những nội dung quan trọng trong Dự thảo Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng là chọn các vị trí xây dựng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết sau thời gian phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương nghiên cứu, khảo sát, đến thời điểm này, đã xác định một số vị trí dự kiến xây dựng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng để trình các cấp xem xét, quyết định. Các vị trí xây dựng, hình thành khu thương mại tự do đã được báo cáo sơ bộ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi kiểm tra thực tế vào ngày 01/9/2024.

Do quỹ đất hạn chế, thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng Khu thương mại tự do phân tán với 10 vị trí được dự kiến xây dựng thành các khu chức năng: khu sản xuất, khu logistics và khu thương mại - dịch vụ.

10 VỊ TRÍ ĐỀ XUẤT

Cụ thể, vị trí 1 là khu vực sau cảng biển Liên Chiểu (phía đông cảng biển Liên Chiểu, phía tây Khu công nghiệp Liên Chiểu) thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) với diện tích khoảng 100ha với chức năng là khu logistics.

Vị trí 2 là phần đất với diện tích khoảng 100ha dọc theo đường tránh Nam Hải Vân (phía đông Khu công nghiệp Liên Chiểu) đoạn từ sông Cu Đê đến phía bắc trạm trung chuyển Nam Hải Vân thuộc địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc, dự kiến làm khu logistics.

Vị trí 3 là phần diện tích khoảng 400ha ở phía bắc sông Cu Đê thuộc địa bàn xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), được dự kiến làm khu sản xuất.

Vị trí 4 có tổng diện tích 559ha bao gồm Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có diện tích 259ha và phần diện tích khoảng 300ha mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thuộc xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) được dự kiến làm khu sản xuất.

Vị trí thứ 5 tại khu vực chân núi Bà Nà thuộc địa bàn xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) với diện tích khoảng 90ha được dự kiến làm khu thương mại - dịch vụ.

Vị trí 6 là khu vực hai bên đường Bà Nà - Suối Mơ, giáp hồ Trước Đông về phía Đông Bắc với diện tích khoảng 154ha thuộc xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), được dự kiến làm khu thương mại - dịch vụ.

Vị trí 7 cũng ở hai bên đường Bà Nà - Suối Mơ, giáp hồ Trước Đông về phía tây nam với diện tích khoảng 53ha thuộc xã Hòa Nhơn, dự kiến làm khu thương mại - dịch vụ.

Vị trí 8 thuộc khu vực được quy hoạch Khu công nghiệp Hòa Nhơn với diện tích khoảng 200ha, dự kiến làm khu logistics.

Vị trí 9 ở khu vực phía tây nam sân bay Đà Nẵng (giáp đường Trường Chinh) với diện tích khoảng 80ha, dự kiến được làm khu logistics.

Vị trí thứ 10 nằm ở khu vực dự kiến sẽ san lấp lấn vịnh dọc theo bờ biển đường Nguyễn Tất Thành ra Vịnh Đà Nẵng đoạn từ đường Nguyễn Sinh Sắc (thuộc quận Liên Chiểu) đến giáp Khu đô thị quốc tế Đa Phước (quận Thanh Khê) có diện tích khoảng 420ha được dự kiến với chức năng là khu thương mại - dịch vụ.

Riêng đối với vị trí thứ 10, trong chuyến thị sát thực tế các vị trí xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng vào ngày 01/9/2024 vừa qua, sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo thành phố dự kiến lựa chọn vị trí này là khu thương mại - dịch vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý về nguyên tắc đối với đề xuất của Đà Nẵng trong việc lấn biển tại khu vực dọc đường Nguyễn Tất Thành để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

NGHIÊN CỨU, TÍNH TOÁN KỸ CÁC YẾU TỐ

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo Đà Nẵng cần nghiên cứu, tính toán kỹ các vấn đề về nguồn nguyên vật liệu san lấp, về đánh giá tác động môi trường; diện tích đất sau khi lấn biển cần thực hiện đúng chức năng theo tiêu chí Khu thương mại tự do, những vị trí đẹp nhất dành cho sản xuất kinh doanh.

Trước đó, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và các ngành chức năng đã tổ chức khảo sát thực tế vị trí lấn biển nói trên. Trên cơ sở kết quả buổi khảo sát, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và độ sâu mực nước biển tại bản đồ Quy hoạch chi tiết cảng biển Đà Nẵng do Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cung cấp, bề mặt giới hạn cao độ chướng ngại vật hàng không được duyệt, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng đã khoanh vùng sơ bộ vị trí lấn biển, diện tích khoảng 420ha và dự kiến sơ bộ khối lượng vật liệu san nền tương ứng khoảng 41 triệu m3 để san lấp từ cao trình đáy biển (trung bình sâu 5m so với mực nước biển) đến mặt đường Nguyễn Tất Thành với cao trình trung bình khoảng 3,5m so với mực nước biển.

Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng cho biết thêm, liên quan đến vị trí lấn biển (vị trí 10), việc xác định phạm vi, ranh giới cụ thể đang được các cơ quan có chuyên môn thực hiện dựa trên kết quả khảo sát địa hình, thủy văn, hiện trạng khu vực; nghiên cứu tổng thể các nội dung về điều kiện tự nhiên, xã hội; đánh giá tác động của việc san lấp đến dòng chảy và địa chất vùng bờ biển hiện trạng; phương án kết nối hạ tầng giao thông và yêu cầu về chức năng, tính chất các hạng mục dự kiến thực hiện… sẽ được đề xuất cụ thể ở giai đoạn sau.

Như vậy, theo chức năng hoạt động, nhóm các vị trí dự kiến được xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng với Nhóm có thể hình thành các khu thương mại - dịch vụ (gồm có 4 vị trí: số 5, 6, 7 và 10) với tổng diện tích khoảng 717ha.

Nhóm có thể hình thành các khu sản xuất (gồm có 2 vị trí: số 3 và 4) với tổng diện tích khoảng 700ha, chưa tính diện tích Khu Công nghệ cao Đà Nẵng hiện trạng 259ha.

Nhóm có thể hình thành các khu logistics (gồm có 4 vị trí: số 1, 2, 8 và 9) với tổng diện tích khoảng 480ha.

Các vị trí nói trên đều ở cạnh các tuyến, đầu mối giao thông thuận tiện và có những điều kiện thuận lợi để có thể triển khai sớm (sau khi Đề án được thẩm định thông qua-PV) theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi kiểm tra thực tế vào ngày 01/9/2024.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con