130 quốc gia ủng hộ đề xuất áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu
Mỹ hiện đề xuất áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất 15%. Nếu được áp dụng rộng rãi, thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt tình trạng nhiều doanh nghiệp toàn cầu đổ tới những thiên đường thuế...
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 1/7 cho biết đã có 130 quốc gia đồng ý với đề xuất áp thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu của Mỹ, một phần trong cuộc đàm phán nhằm cải cách các quy định thuế trên toàn cầu.
Theo CNBC, nhóm các nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong danh sách 130 quốc gia trên. Trong khi đó, Ireland, Hungary - những nơi áp dụng thuế doanh nghiệp thấp để thu hút đầu tư - phản đối đề xuất.
Cuộc đàm phán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 1/7 diễn ra với sự tham gia của 139 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự kiến vào tháng 10 tới, các bên tham gia sẽ tiếp tục đàm phán đề hoàn thiện các chi tiết trong kế hoạch cải cách thuế và hướng tới hoàn thiện vào năm 2023.
Nội dung liên quan tới kế hoạch thuế này cũng dự kiến được thảo luận tại hội nghị giữa bộ trưởng tài chính và thống đống ngân hàng trung ương của các nước G20 tại Venice, Italy trong tháng này.
Nếu được áp dụng rộng rãi, thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt tình trạng nhiều doanh nghiệp toàn cầu đổ tới những thiên đường thuế như Ireland, British Virgin Islands đặt trụ sở, trong khi hoạt động, khách hàng và nhân viên của họ ở khắp nơi trên thế giới.
“Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã tham gia cuộc đua cạnh tranh về thuế bằng cách giảm thuế doanh nghiệp với hy vọng các quốc gia khác cũng làm điều tương tự, nhưng đã thất bại. Kết quả là một ‘cuộc đua xuống đáy’ diễn ra trên toàn cầu: Nước nào có thể hạ thuế doanh nghiệp nhiều hơn và nhanh hơn? Chẳng có quốc gia nào thắng trong cuộc đua này cả”, bà Yellen nói về đề xuất cải cách thuế.
“Thỏa thuận ngày hôm nay với sự tham gia của 130 quốc gia đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu là một dấu hiệu rõ ràng rằng ‘cuộc đua xuống đáy'” sắp chấm dứt”, bà Yellen khẳng định.
Theo kế hoạch cải cách thuế này, các doanh nghiệp sẽ bị áp thuế của nơi họ hoạt động kinh doanh, chứ không phải theo nơi họ đặt trụ sở như hiện nay.
Các công việc cơ bản liên quan tới kế hoạch cải cách thuế đã được OECD triển khai từ mùa thu năm ngoái. Theo OECD, việc điều chỉnh cách thức phân bổ quyền đánh thuế sẽ giúp phân bổ lại khoảng 100 tỷ USD mỗi năm; còn thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểutoàn cầu, cộng thêm các quy định hiện có của Mỹ, sẽ giúp các chính phủ trên toàn cầu tăng thu ngân sách thêm tới 100 tỷ USD mỗi năm.
Trong thông báo ngày 1/7, bà Yellen không tiết lộ về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu thực tế sẽ được áp dụng. Hiện tại, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đề xuất áp mức thuế ít nhất 15%.
Thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là một phần quan trọng trong kế hoạch mà Tổng thống Biden gọi là “chính sách ngoại giao dành cho tầng lớp trung lưu”. Chiến lược này nhằm đảm bảo rằng quá trình toàn cầu hóa, thương mại, nhân quyền và quân đội đều có thể được khai thác để mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ, chứ không chỉ các tỷ phú và tập đoàn đa quốc gia.