2 startup Việt Nam lọt top 10 startup GenAI Đông Nam Á nhận được vốn đầu tư lớn nhất
Hệ sinh thái gọi vốn cho GenAI tại Đông Nam Á vẫn ở giai đoạn đầu, nhưng đã cho thấy tiềm năng tăng trưởng đầy hứa hẹn. Khảo sát cho thấy ⅔ các startup GenAI trẻ đã gọi được vốn ...
Cảnh quan khởi nghiệp AI tạo sinh (Generative AI - GenAI) tại Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia thuộc ASEAN, đang chứng kiến sự bùng nổ ấn tượng bất chấp “mùa đông khởi nghiệp” toàn cầu.
HỆ SINH THÁI GỌI VỐN CHO GENAI TẠI ĐÔNG NAM Á
Hệ sinh thái gọi vốn cho GenAI tại Đông Nam Á vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng đã cho thấy tiềm năng tăng trưởng đầy hứa hẹn. Một cuộc khảo sát gần đây về các startup GenAI tại ASEAN cho thấy ⅔ các startup GenAI trẻ đã gọi được vốn giai đoạn đầu.
17% đã nhận được vốn đầu tư thiên thần (thường từ 1.000 USD đến 25.000 USD mỗi nhà đầu tư thiên thần. 18% startup GenAI đã gọi được vốn pre-seed thường từ 100.000 USD đến 300.000 USD. Ngoài ra, 23% đã có được vốn seed, thường từ 250.000 đến 1 triệu USD và có 32% các startup GenAI vẫn tự thân vận động.
Mặc dù tổng số vốn đầu tư khởi nghiệp tại ASEAN đã chạm mức thấp nhất trong 5 năm vào quý 1 năm 2024, với 1,4 tỷ USD đã được huy động qua 177 vòng gọi vốn, nhưng một số startup GenAI vẫn thành công trong việc huy động vốn lớn và tạo được sức hút.
TOP 10 STARTUP GENAI CÓ VỐN ĐẦU TƯ LỚN NHẤT TẠI ĐÔNG NAM Á
Tổ chức GenAI Fund mới đây đã đưa ra danh sách 10 startup GenAI có vốn đầu tư lớn nhất tại ASEAN, dựa trên nghiên cứu sâu rộng, bao gồm hơn 700 công ty khởi nghiệp trên khắp khu vực ASEAN. Danh sách này thể hiện sự đa dạng của các ứng dụng AI trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.
Trong số 10 startup GenAI này 2 startup của Việt Nam, đó là AI Hay và Reforged Labs. Singapore là quốc gia có số lượng startup GenAI gọi được vốn nhiều nhất với 6 đại diện. Ngoài ra, Thái Lan có 1 startup, Philippines có 1 startup.
Các startup này ứng dụng GenAI trong đa dạng các ngành nghề như ứng dụng AI tạo sinh để nâng cao sự tương tác khách hàng thông qua chatbot và voicebot; cung cấp giải pháp AI hội thoại cấp doanh nghiệp để nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng cường hiệu quả hoạt động; tự động hóa quá trình trích xuất và báo cáo dữ liệu tài chính để đơn giản hóa quy trình kế toán; sử dụng AI để dự đoán xu hướng tiêu dùng và tối ưu hóa phát triển sản phẩm trong ngành thực phẩm và đồ uống….
Những startup này là minh chứng cho tinh thần sáng tạo và tiềm năng của GenAI tại Đông Nam Á, thu hút lượng vốn đầu tư lớn dù trong bối cảnh môi trường đầu tư gặp nhiều thách thức.
3 ĐIỀU QUAN TRỌNG CÁC NHÀ ĐẦU TƯ CẦN CÓ TỪ CÁC STARTUP GENAI
Đối với các startup GenAI tại ASEAN đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, báo cáo của GenAI Fund đã đưa ra ba thông tin quan trọng rút ra từ nghiên cứu và các cuộc trò chuyện với các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) trong khu vực:
Thứ nhất, việc xây dựng hàng rào bảo vệ vững chắc rất cần thiết. Các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) luôn lo ngại về nguy cơ các startup thuộc tầng ứng dụng bị lu mờ bởi các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hoặc các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech).
Để giải quyết vấn đề này, các startup cần thể hiện một chiến lược phòng thủ rõ ràng. Chiến lược này có thể bao gồm việc tập trung vào các thị trường ngách, mà 79% các startup được khảo sát đã sử dụng.
Bên cạnh đó, thực hiện các chu kỳ đổi mới nhanh chóng (68%), tận dụng các nguồn dữ liệu độc quyền (43%), phát triển các thuật toán độc quyền (37%), và xây dựng thương hiệu mạnh (23%) là những yếu tố quan trọng để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.
Để thu hút vốn đầu tư từ các nhà VC, các công ty AI cần thể hiện sự vượt trội về sản phẩm và chiến lược tiếp cận thị trường (GTM), nghĩa là khách hàng phải yêu thích sản phẩm vì nó giải quyết vấn đề của họ theo cách không có công ty nào khác có thể làm được.
Thứ hai là chứng minh sức hút và tăng trưởng bền vững. Các nhà đầu tư đang tìm kiếm những tín hiệu rõ ràng về mức độ chấp nhận sản phẩm, sự tương tác của người dùng và lộ trình dẫn đến lợi nhuận, ngay cả ở giai đoạn đầu. Cuộc khảo sát cho thấy 39% các startup GenAI đã có doanh thu định kỳ, trong khi 23% đã triển khai các dự án thử nghiệm (pilot) hoặc chứng minh khái niệm (POC) có trả phí.
Đặc biệt, 16% các startup đã có lợi nhuận, điều này ấn tượng đối với một lĩnh vực còn mới mẻ như GenAI. Đối với các startup GenAI B2B, việc chứng minh có người dùng trả phí hoặc các dự án POC thành công là yếu tố then chốt. Theo Lightspeed Ventures, điều quan trọng nhất là phải có một lộ trình khả thi để đạt được 100 triệu USD lợi nhuận ròng.
Thứ ba, việc giải quyết những thách thức cụ thể trong từng ngành là chiến lược mà các startup GenAI nên cân nhắc. Thay vì phát triển các giải pháp theo chiều ngang, có thể dẫn đến cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn công nghệ lớn, các startup nên tập trung vào cung cấp các giải pháp chuyên biệt và tinh tế, phù hợp với từng ngành dọc và các chức năng cụ thể trong ngành.
Các nhà đầu tư VC như DO Ventures nhấn mạnh rằng việc “giải quyết các thách thức cụ thể trong ngành và hiểu sâu nhu cầu của khách hàng trong một trường hợp sử dụng hoặc ngành dọc” là điều rất quan trọng. Cách tiếp cận này không chỉ giúp startup xây dựng một hàng rào bảo vệ vững chắc mà còn phù hợp với xu hướng mở rộng thị trường.
Startup cũng nên cân nhắc cách tiếp cận nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là những tầng lớp trung lưu mới nổi và các doanh nghiệp nhỏ, những đối tượng vẫn chưa được phục vụ đúng mức. Điều này sẽ giúp tăng cường sức hút và sự bền vững cho sự phát triển lâu dài.
Tương lai gọi vốn của các startup GenAI tại Đông Nam Á đang mang đến nhiều cơ hội và thách thức đặc thù. Mặc dù nguồn vốn trong khu vực có thể thận trọng hơn so với các thị trường khác, nhưng ngày càng có sự công nhận về tiềm năng của công nghệ GenAI trong việc giải quyết các vấn đề địa phương và khu vực.
Bằng cách tập trung vào các yếu tố cốt lõi như xây dựng chiến lược phòng thủ, chứng minh sức hút và tăng trưởng bền vững, và giải quyết các thách thức cụ thể trong từng ngành, các startup GenAI có thể định vị mình tốt hơn để thu hút đầu tư và thành công lâu dài trong thị trường Đông Nam Á.