22 nhà máy chế biến mủ cao su của Việt Nam đã được cấp chứng chỉ quốc tế
Quản lý rừng bền vững và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm là những khái niệm mới đối với ngành sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cao su...
Hội thảo quốc tế về chia sẻ một số kết quả, kinh nghiệm của doanh nghiệp và cao su tiều điền đã đạt chứng chỉ quốc tế về quản lý bền vững rừng cao su và chuỗi hành trình sản phẩm, đồng thời xây dựng kết nối với thị trường, đã thu hút được gần 250 đại biểu từ nhiều quốc gia: Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, Indonedia, Pháp, Đức, Italia, Thuỵ Sỹ… Sự kiện diễn ra ngày 22/09/2021 theo hình thức trực tuyến do Chương trình Xác nhận chứng nhận rừng quốc tế (PEFC) tổ chức.
Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm và tham dự từ các công ty sản xuất ô tô, sản xuất lốp xe hơi lớn trong khu vực, thành viên các tổ chức Quốc tế về phát triển cao su thiên nhiên bền vững và đại diện các tổ chức phi chính phủ về các vấn đề môi trường, xã hội.
Ông Richard Laity, Quản lý khu vực Đông Nam Á của PEFC cho biết, cao su thiên nhiên là nguyên liệu thiết yếu để tạo ra hơn 40.000 loại sản phẩm và nằm trong chuỗi cung ứng trị giá 300 tỷ USD hàng năm.
Bên cạnh cao su đại điền, sản phẩm cao su còn được canh tác và thu hoạch bởi sự nỗ lực của hàng triệu tiểu điền đang cố gắng đạt được và duy trì sinh kế bền vững. Khoảng 85% sản lượng cao su được khai thác bởi các hộ tiểu điền trong khu vực Đông Nam Á.
"Sản xuất loại cao su này một cách bền vững là điều cần thiết đối với sức khỏe lâu dài của các khu rừng trên thế giới - đặc biệt là các khu rừng ở Đông Nam Á”, ông Richard Laity nhấn mạnh.
Theo ông Richard Laity, PEFC là hệ thống chứng chỉ rừng lớn nhất trên thế giới và là lựa chọn của các chủ rừng nhỏ, với hơn 300 triệu ha trên 49 hệ thống quốc gia đạt tiêu chuẩn bền vững của PEFC. Có trụ sở chính tại Geneva (Thụy Sĩ), PEFC được công nhận về vai trò cung cấp đánh giá độc lập, chứng thực và công nhận các hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. PEFC có mối quan hệ rộng rãi với các bên liên quan khắp Đông Nam Á, đây là nơi sản xuất phần lớn cao su thiên nhiên trên thế giới.
Quản lý rừng bền vững và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm là những khái niệm mới đối với ngành sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cao su.
Thông qua các dự án thí điểm mà PEFC và các thành viên của các quốc gia thực hiện với các tổ chức, doanh nghiệp, nhóm hộ tiểu điền trong khu vực Đông Nam Á đã chứng minh việc thực hiện chứng chỉ này là hoàn toàn khả thi và cần thiết đối với ngành cao su.
Bên cạnh loại hình chứng nhận đơn cho các chủ rừng là các công ty, nhờ hợp tác với những cao su tiểu điền ở tất cả các quy mô, PEFC đã áp dụng thành công loại hình Chứng nhận theo nhóm, cho phép các tiểu điền phối hợp và triển khai các biện pháp quản lý bền vững cùng nhau.
"Kinh nghiệm từ những người tham gia các dự án thí điểm đã mang lại giá trị quý giá cho ngành cao su trong việc thực hiện chứng nhận PEFC”, ông Richard Laity khẳng định.
Tại hội thảo, các đại biểu từ nhiều quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia… đã chia sẻ những thông tin chi tiết về những thành công từ các dự án thí điểm mà PEFC đã triển khai trong ngành cao su.
Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay diện tích cao su của cả nước đạt khoảng 1 triệu ha, với gần 70% diện tích đang cho thu hoạch mủ. Doanh nghiệp nhà nước mà chủ yếu là các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) hiện đang nắm giữ khoảng 38,4% trong tổng diện tích, các hộ gia đình nắm giữ 51,9% và phần còn lại (9,7%) là phần diện tích của các công ty tư nhân.
Hàng năm, lượng cung cao su thiên nhiên từ Việt Nam đạt khoảng 1,1 triệu tấn, trong đó lượng cung từ các hộ tiểu điền chiếm khoảng 60%. Lượng cung còn lại (33% trong tổng lượng cung) là từ các công ty cao su nhà nước và từ công ty tư nhân.
Tại Việt Nam, Cơ quan thành viên quốc gia của PEFC-VFCS (Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam) được vận hành dưới sự quản lý của Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã kết nối và hướng dẫn VRG tạo điều kiện hỗ trợ cho các thành viên trong tập đoàn, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và đăng ký thực hiện chứng chỉ rừng.
PEFC đã thí điểm chứng nhận sản phẩm cao su thiên nhiên và gỗ cao su cho cả đại điền và tiểu điền ở Việt Nam. Bên cạnh loại hình chứng nhận đơn cho các chủ rừng là các công ty, nhờ hợp tác với những cao su tiểu điền ở tất cả các quy mô, PEFC đã áp dụng thành công loại hình chứng nhận theo nhóm, cho phép các hộ tiểu điền phối hợp và triển khai các biện pháp quản lý bền vững cùng nhau.
Ông Diệp Xuân Trường, thành viên Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững thuộc VRG thông tin, đến tháng 8/2021, đã có trên 54.500 ha cao su của 12 công ty thành viên VRG được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM và 22 nhà máy chế biến mủ cao su được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC.
Tổng sản lượng mủ cao su có chứng chỉ ước tính đạt hơn 60.000 tấn, và hơn 300.000 m3 gỗ cao su đạt chứng chỉ VFCS/PEFC. VRG dự kiến đến cuối năm 2021 có trên 268.000ha cao su tại Việt Nam hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững, trong đó, khoảng 100.000ha có chứng chỉ VFCS/PEFC-FM và khoảng 38 nhà máy chế biến có chứng chỉ PEFC-CoC…
Sản phẩm cao su đạt chứng chỉ PEFC của VRG được nhiều thị trường mới đón nhận và giá thành sản phẩm bán ra cũng cao hơn. Chứng chỉ PEFC mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cả về mặt quản lý sản xuất và thị trường tiêu thụ.