AI đang giúp các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản giảm thiểu hàng tồn kho
Các cửa hàng tiện lợi và siêu thị của Nhật Bản đang áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích dữ liệu để giảm giá cho các sản phẩm dễ hư hỏng, hạn chế hàng tồn kho...
Nhằm nỗ lực tăng doanh số bán hàng và giảm lãng phí thực phẩm, ngày càng nhiều cửa hàng tiện lợi và siêu thị của Nhật Bản cho phép AI phân tích dữ liệu để quyết định áp dụng giảm giá cho những sản phẩm dễ hư hỏng.
Tại một chi nhánh của chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson ở phường Shinjuku, Tokyo (Nhật Bản), một máy tính trong cửa hàng quyết định sản phẩm nào nên được giảm giá và giảm bao nhiêu. Sau đó, người quản lý sẽ in thẻ giá và dán chúng lên các sản phẩm. Những chiếc bánh mì đủ loại sẽ được bày bán trên kệ, nhưng chỉ một chiếc gần hết hạn được giảm giá.
Năm 2015, Lawson Inc, một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản đã giới thiệu hệ thống AI tư vấn cho các quản lý cửa hàng và nhân viên có kinh nghiệm về quản lý sản phẩm tại tất cả các cửa hàng.
Để tính toán mức giá hợp lý nhất, phần mềm sẽ xem xét doanh số bán hàng, thời gian giao hàng và điều kiện thời tiết địa phương để đề xuất mức giá phù hợp, giúp sản phẩm có cơ hội được bán cao nhất.
Hệ thống này đã giúp cải thiện kết quả kinh doanh của tập đoàn. Vào năm 2021, tại sáu quận bao gồm vùng Tohoku phía đông bắc Nhật Bản, tổng lợi nhuận trên mỗi cửa hàng tăng 0,6%, trong đó chi phí phát sinh từ các sản phẩm lãng phí giảm 2,5%.
Kể từ đó, hệ thống đã được mở rộng hơn, với 162 cửa hàng Lawson ở thủ đô Tokyo áp dụng hệ thống từ tháng 6 đến tháng 9/2022. Công ty này dự định sẽ bắt đầu triển khai hệ thống trên toàn quốc vào năm 2023.
Chuỗi siêu thị lớn Aeon Retail Co cũng đã phát triển một hệ thống AI định giá, được triển khai tại khoảng 350 cửa hàng vào cuối tháng 9/2022. Hệ thống này giúp phân tích hiệu suất bán hàng trong mỗi cửa hàng và làm việc để định giá các sản phẩm do cửa hàng chuẩn bị ở mức đảm bảo chúng được bán trước thời gian đóng cửa.
Tại chi nhánh Funabashi của Aeon ở tỉnh Chiba, nhân viên sử dụng một thiết bị cầm tay để quét mã vạch của các sản phẩm còn lại trên các kệ hàng lúc 5 giờ chiều mỗi ngày. Khi kiểm tra món trứng cuộn kiểu Nhật trị giá 200 yên, thiết bị hiển thị số "18" - có nghĩa là, vào lúc 5 giờ chiều, nếu còn 18 quả trứng cuộn, có lẽ họ sẽ bán hết trước giờ đóng cửa buổi chiều.
Tuy nhiên tại thời điểm đó, trên kệ hàng có tới 24 quả trứng nên nhân viên đã nhập "24 trứng cuộn" và gửi dữ liệu đến hệ thống định giá. Ngay lập tức, hệ thống này đã tính toán chiết khấu 10% cho mặt hàng và đưa ra thẻ giá 180 yên.
Một quản lý cấp cao tại Aeon Retail đã chia sẻ: "Sự ra đời của hệ thống này dường như là một bước phát triển đáng hoan nghênh. Nó đã chấm dứt thói quen giảm giá lớn ngay trước thời điểm đóng cửa".