Ant Group kết nối Alipay+ với ví di động trên khắp châu Á
0 ví di động hàng đầu châu Á hiện có thể được sử dụng tại Trung Quốc, sau khi gã khổng lồ công nghệ tài chính Trung Quốc Ant Group giới thiệu chương trình “Alipay+-in-China” (A+China)...

Đại dịch đã đẩy nhanh cuộc cách mạng thanh toán kỹ thuật số. Năm 2021, thị phần giao dịch tại điểm bán hàng (POS) toàn cầu của ví di động vượt 13 nghìn tỷ USD, tương đương 28,6% giá trị giao dịch POS toàn cầu. Đến năm 2025, con số này dự kiến sẽ tăng lên 38,6%.
ALIPAY+ KHÁC ALIPAY NHƯ THẾ NÀO?
Không giống như Alipay, Alipay+ không phải là ví di động hay ứng dụng ngân hàng. Alipay+ hợp tác với các tổ chức thanh toán và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trên toàn thế giới với ví di động ở nước ngoài của Ant Group cho phép quá trình thanh toán trở nên liền mạch trên khắp Trung Quốc đại lục. Chương trình mở rộng hệ sinh thái thanh toán di động xuyên biên giới Alipay+, cấp quyền truy cập vào mạng lưới thương mại rộng lớn ở Trung Quốc và bao phủ dân số hơn 175 triệu người.
Bên cạnh thanh toán, Alipay+ còn cho phép các nhà bán lẻ cung cấp cho người dùng những ưu đãi và giảm giá hấp dẫn, giúp họ thu hút và giữ chân người tiêu dùng trên toàn thế giới. Cụ thể, người dùng có thể truy cập các ưu đãi khuyến mại thông qua Alipay+ Rewards, một nền tảng tiếp thị kỹ thuật số xuyên biên giới tích hợp có sẵn trên các ứng dụng ví được chọn.
Kể từ ngày 19/9/2023, Ant Group đã đưa 7 ví điện tử và ứng dụng thanh toán mới từ Châu Á vào chương trình A+China. Bảy ví điện tử này bao gồm: mPay (Ma Cao), Hipay (Mông Cổ), Changi Pay (Singapo), OCBC (Singapo), Naver Pay (Hàn Quốc), Toss Pay (Hàn Quốc), True Money (Thái Lan). Người dùng các ứng dụng này tại Trung Quốc hiện có thể dễ dàng sử dụng ví điện tử ưa thích của mình để thực hiện thanh toán di động trong mạng lưới thương mại Alipay rộng lớn của Trung Quốc.
SÁNG KIẾN CỦA ALIPAY NHẬN NHIỀU LỜI KHEN
Được biết, trước khi Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu khai mạc, chương trình A+China đã được triển khai để đáp ứng nhu cầu của du khách đến thăm Trung Quốc. Theo đó, khách du lịch có tùy chọn liên kết thẻ ngân hàng quốc tế của họ với phiên bản quốc tế cập nhật của Alipay. Điều này cho phép họ thực hiện các dịch vụ thanh toán di động và tiện ích kỹ thuật số thuận tiện khi ở Trung Quốc.
Sáng kiến này đã đạt được thành công đáng chú ý, với tổng khoản thanh toán được thực hiện tại Trung Quốc bởi ba ví A+China thí điểm—Kakao Pay, Touch ’n Go eWallet và AlipayHK, đã tăng trưởng gấp 47 lần trong 6 tháng. Phần lớn các giao dịch thuộc danh mục thực phẩm và đồ uống, bán lẻ và vận tải.
Won-Keun Shin, Giám đốc điều hành của Kakao Pay, nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng kiến này đối với người dùng Hàn Quốc. “Thật bất tiện cho cả người bán và người dùng khi mang theo tiền mặt khi đi du lịch đến Trung Quốc, nơi thanh toán di động rất phổ biến. Tuy nhiên, với việc Alipay+ hiện chấp nhận Kakao Pay tại các cửa hàng trên khắp Trung Quốc, số lượng người Hàn Quốc sử dụng ví thanh toán dự kiến sẽ tăng lên đáng kể”, ông Shin nói.
Ví kỹ thuật số nhằm mục đích thúc đẩy hơn nữa các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới toàn cầu, cho phép người dùng thanh toán bằng Kakao Pay mọi lúc mọi nơi.
Bên ngoài Trung Quốc, Alipay+ đang hợp tác với hơn 20 đối tác thanh toán di động trên khắp châu Á, bao phủ hơn 1,4 tỷ tài khoản người tiêu dùng và 5 triệu người bán tại 56 thị trường. Theo Kr Asia, Chương trình A+China sẽ giúp Ant Group mở rộng dịch vụ Alipay+ để thâm nhập vào mạng lưới thương mại khổng lồ của Trung Quốc, bao gồm hàng chục triệu địa điểm bán hàng. Nỗ lực này của gã khổng lồ được hỗ trợ bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cùng các đối tác ví điện tử, tổ chức thẻ quốc tế và các tổ chức tài chính khác ở Trung Quốc.
ANT GROUP HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU MỞ RỘNG TẠI ĐÔNG NAM Á

Trong khi Trung Quốc dẫn đầu khu vực về sử dụng ví kỹ thuật số thì phần còn lại của châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á cũng đang trở thành thị trường thanh toán di động phát triển nhanh nhất thế giới.
Eric Jing, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Ant Group, bày tỏ lòng biết ơn về sự hợp tác với các đơn vị Đông Nam Á để biến chương trình A+China thành hiện thực. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác này trong việc nâng cao sự thuận tiện cho khách du lịch và thúc đẩy thương mại xuyên biên giới tại Trung Quốc.
Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Chủ tịch Ant Group: “Chúng tôi mong muốn được phục vụ nhiều đối tác hơn nữa trên khắp thế giới để giải quyết những khó khăn của họ bằng các công nghệ và sản phẩm tiên tiến, đặc biệt là Đông Nam Á, một khu vực rộng lớn với dân số đông đảo, tốc độ đô thị hóa nhanh, người dân có hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật số nhưng lại không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng”.
Ngoài ra, Douglas Feagin, Phó chủ tịch cấp cao của Ant Group và người đứng đầu dịch vụ thanh toán di động xuyên biên giới tại Alipay+, nhấn mạnh cam kết đầu tư vào công nghệ thanh toán và tiếp thị kỹ thuật số để hỗ trợ các đối tác và người bán đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Chương trình A+China đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong lĩnh vực thanh toán di động quốc tế. Bằng cách cho phép khách hàng quốc tế truy cập vào mạng lưới thương mại của Alipay tại Trung Quốc, sáng kiến này không chỉ giúp tăng cường sự thuận tiện cho khách du lịch đến quốc gia này mà còn là động lực để tăng cường thương mại xuyên biên giới tại nhiều quốc gia khác. Khi thanh toán kỹ thuật số tiếp tục phát triển, sự cống hiến của Ant Group cho đổi mới và hợp tác đã giúp Ant Group trở thành nhân tố chủ chốt trong việc định hình tương lai của bối cảnh thanh toán di động.