Áp lực giảm giá tiếp tục đè nặng
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang gây áp lực rất lớn lên các chỉ số sau khi VN-Index thủng đáy ngắn hạn đầu tháng 10. Riêng “bộ tứ” VIC, VHM, VNM, VCB sáng nay đã khiến chỉ số bốc hơi hơn 3,6 điểm trong tổng mức giảm 9,14 điểm. Số cổ phiếu giảm giá vẫn đang nhiều gấp gần 4 lần số tăng...
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang gây áp lực rất lớn lên các chỉ số sau khi VN-Index thủng đáy ngắn hạn đầu tháng 10. Riêng “bộ tứ” VIC, VHM, VNM, VCB sáng nay đã khiến chỉ số bốc hơi hơn 3,6 điểm trong tổng mức giảm 9,14 điểm. Số cổ phiếu giảm giá vẫn đang nhiều gấp gần 4 lần số tăng.
Điểm tích cực là sáng nay thanh khoản đã sụt giảm khoảng 10% trên hai sàn, riêng HoSE giảm 9%. Hiện về mặt kỹ thuật VN-Index đã chính thức thủng đáy và rủi ro tìm đáy sâu hơn nên nhu cầu bán cắt lỗ gia tăng là bình thường. Thanh khoản giảm và tốc độ giao dịch chậm cho thấy nhu cầu cắt lỗ vẫn chưa gia tăng đột biến.
VN-Index chốt phiên sáng giảm 0,83% so với tham chiếu, độ rộng còn 97 mã tăng/374 mã giảm, trong đó 178 mã giảm trên 1%, bao gồm 115 mã giảm trên 2%. Đây là biên độ giảm khá mạnh, cho thấy sức ép tâm lý rất mạnh. Chiều nay sẽ có thêm một lượng cổ phiếu thua lỗ mới về tài khoản và sức ép bán có khả năng gia tăng hơn nữa.
VN30-Index đang giảm 1% với 6 mã tăng/22 mã giảm. Nhóm 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index đều là các mã thuộc rổ blue-chips này. Dẫn đầu là VIC giảm 2,51%, VNM giảm 2,71%, VCB giảm 0,7% và VHM giảm 1,39%. Trong top 10 vốn hóa của chỉ số, sót lại đúng 2 mã tăng là BID tăng 0,5% và FPT tăng 0,11%.
Lực cầu bắt đáy vẫn xuất hiện trong sáng nay nhưng chưa tạo nên thay đổi gì đáng kể. Có lẽ bên mua vẫn đang chờ đợi diễn biến mới buổi chiều vì hôm qua tình thế cũng tương tự khi lượng cổ phiếu mới về bán rất mạnh. VN-Index chạm đáy lúc 10h48 giảm 14,64 điểm tương đương -1,33%. Mức đáy của chỉ số đạt 1.088,76 điểm, tương đương với đáy thấp nhất chiều qua trước khi có cầu bắt đáy nâng giá lên. Hiện tại lực cầu bắt đáy cũng đã hành động ở mức độ yếu, chưa thay đổi được bao nhiêu. Thống kê ở HoSE mới có gần 44% số cổ phiếu phát sinh giao dịch phục hồi hơn 1% kể từ đáy. Ngoài ra cũng chỉ có khoảng 40 mã phục hồi đủ mạnh để vượt qua tham chiếu.
Sức ép giảm giá lớn nhất vẫn đang tập trung vào nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản. Thị trường có 5 mã thanh khoản trên 200 tỷ sáng nay thì SSI giảm 2,54%, VND giảm 2,73%, DIG giảm 1,47%. Kết quả kinh doanh tích cực xuất hiện ở một số cổ phiếu cũng không đủ để nâng đỡ giá. MWG, GEX, STB, HPG, KBC, DGC, VCG, HSG là các cổ phiếu khác thanh khoản rất lớn và giá giảm sâu.
Trong số 97 cổ phiếu đi ngược chiều sáng nay, 30 mã tăng trên 1% và phần lớn là thanh khoản nhỏ. Nổi bật có HDC tăng 3,57% thanh khoản 58,9 tỷ; DXG tăng 3,23% thanh khoản 127,3 tỷ; KDC tăng 1,9% với 38,4 tỷ; CII tăng 1,66% với 58 tỷ; LPB tăng 1,07% với 24,7 tỷ.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay tăng giải ngân nhưng bán ra cũng nhiều hơn. Cụ thể, khối này mua vào 782,2 tỷ đồng trên HoSE, tăng 46% so với sáng hôm qua và bán ra 748,6 tỷ, tăng 77%. Mức ròng nhỏ chỉ đạt 33,6 tỷ. FPT được mua nổi bật với 82,1 tỷ đồng ròng và HPG +20,3 tỷ. Phía bán có VNM -42,5 tỷ, SSI -30,9 tỷ, VCI -22,7 tỷ, STB -22,2 tỷ, MWG -21,3 tỷ.
Hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh với lợi thế đang nghiêng về bên Short. Chiều nay thị trường sẽ có thêm lượng cổ phiếu mới về tài khoản và cơ hội tăng là tương đối nhỏ. Lực cầu bắt đáy vẫn đang chờ ở giá vùng giá thấp là chính. Do đó thanh khoản sẽ tăng nếu nhà đầu tư bán hạ giá nhiều hơn.