Apple thay đổi chính sách của App Store sau lệnh của tòa án
Mới đây, Apple đã cập nhật chính sách App Store, cho phép nhà phát triển tại Hoa Kỳ chèn thêm nhiều lựa chọn liên kết thanh toán trên nền tảng…

Apple vừa điều chỉnh chính sách thanh toán trên App Store sau khi một tòa án liên bang tại Hoa Kỳ tuyên bố công ty vi phạm lệnh cấm trước đó, theo Tech Wire Asia.
Cụ thể, nhà phát triển ứng dụng tại Hoa Kỳ giờ đây có thể thêm liên kết trực tiếp đến hệ thống thanh toán bên thứ ba trong mọi ứng dụng iOS, cho phép người dùng thực hiện giao dịch ngoài hệ sinh thái Apple - điều từng bị cấm trước đây.
APPLE BỊ “TUÝT CÒI” VÌ LÁCH LUẬT
Động thái này diễn ra sau khi Thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers kết luận hồi cuối tháng 4/2025 rằng Apple không tuân thủ tinh thần lệnh cấm năm 2021, vốn được ban hành trong vụ kiện chống độc quyền do Epic Games khởi xướng. Trong đó, yêu cầu Apple cho phép nhà phát triển linh hoạt hơn trong việc hướng người dùng đến các phương thức thanh toán thay thế.
Tuy nhiên, theo tòa án, Apple đã đưa ra biện pháp mới, như thu phí hoa hồng 27% trên giao dịch ngoài hệ thống và chèn màn hình cảnh báo, khiến nhà phát triển bị ngăn cản trong việc dẫn người dùng ra khỏi hệ thống thanh toán App Store.
Apple cho biết hãng tuân thủ theo phán quyết mới nhưng khẳng định sẽ kháng cáo. Ngày 6/5/2025, công ty chính thức đệ đơn lên Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực số 9, bác bỏ cáo buộc rằng công ty coi thường tòa án và cho rằng các biện pháp thực hiện bấy lâu nay phù hợp với lệnh giới hạn ban đầu.
Tuy nhiên, Thẩm phán Gonzalez Rogers có quan điểm ngược lại. Trong phán quyết mới nhất, bà cáo buộc Apple cố tình làm suy yếu hiệu lực lệnh tòa và chuyển hồ sơ của công ty cùng một Giám đốc Điều hành cấp cao tới công tố viên liên bang để điều tra khả năng phạm tội hình sự. Bà chỉ ra các hành vi trì hoãn, lời khai gây hiểu nhầm và các động thái bị cho là nhằm “duy trì nguồn thu hàng tỷ USD công khai và thách thức chỉ thị của tòa”.
Vụ kiện bắt nguồn từ năm 2020, khi Epic Games đệ đơn kiện Apple, cho rằng việc Apple kiểm soát kênh phân phối ứng dụng và hệ thống thanh toán trên iOS là hành vi chống cạnh tranh. Dù tòa không xác định Apple là doanh nghiệp độc quyền, họ vẫn yêu cầu công ty nới lỏng quy định và cho phép nhà phát triển trao đổi với người dùng về tùy chọn thanh toán thay thế.
Apple từng phản hồi lệnh cấm bằng cách áp đặt điều khoản mới, buộc nhà phát triển trả hoa hồng 27% trên mọi giao dịch thực hiện ở liên kết ngoài, đồng thời hiển thị cảnh báo với người dùng khi rời App Store. Theo thẩm phán Gonzalez Rogers, hành động đó đi ngược lại mục tiêu khuyến khích cạnh tranh lành mạnh.
TẬN DỤNG THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH
Ảnh hưởng từ phán quyết đã nhanh chóng thay đổi App Store. Spotify là một trong những công ty lớn đầu tiên tận dụng thay đổi này. Ngày 3/5/2025, Spotify phát hành bản cập nhật ứng dụng iOS, cho phép người dùng liên kết đến trang web và thanh toán trực tiếp với công ty. Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Spotify gọi đây là bước tiến tích cực đối với nhà phát triển, nghệ sĩ và người tiêu dùng mong muốn sự minh bạch và có thêm lựa chọn.
CEO Epic Games, ông Tim Sweeney lên tiếng chúc mừng Spotify vì đã thực thi “quyền hợp pháp được tòa án công nhận” trong thương mại số mà không bị Apple can thiệp. Ông xem đây là cột mốc trong nỗ lực thúc đẩy hệ sinh thái bình đẳng hơn cho cộng đồng nhà phát triển.
Nhiều chuyên gia so sánh phán quyết của tòa án Hoa Kỳ với Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu có hiệu lực từ năm 2024. DMA yêu cầu mọi nền tảng công nghệ lớn mở rộng khả năng cạnh tranh, trong đó có việc cho phép nhà phát triển tích hợp hệ thống thanh toán thay thế. Ông Sweeney nhận định khoản phí "15 – 30% phi lý" của Apple giờ đây đang đối mặt với thách thức pháp lý ở cả Hoa Kỳ và châu Âu.
Trong khi đó, giới phân tích trong ngành đang theo dõi sát sao những bước đi tiếp theo của Apple. Bà Carolina Milanesi, chuyên gia phân tích chính tại hãng nghiên cứu Creative Strategies, nhận định mặc dù mảng Dịch vụ, bao gồm App Store, là động lực doanh thu lớn của Apple, nhưng công ty có thể đang điều chỉnh lại chiến lược để cân bằng giữa áp lực pháp lý và mục tiêu phát triển dài hạn. Hiện tại, mảng Dịch vụ chiếm hơn 25% tổng doanh thu “Táo khuyết”.
Bà Milanesi cho biết thêm, App Store vẫn là nền tảng hấp dẫn đối với nhà phát triển nhỏ và vừa, những người không có đủ nguồn lực để tự vận hành hệ thống thanh toán hoặc hạ tầng ngoài bộ công cụ Apple. Đối với nhóm này, hệ sinh thái tích hợp của Apple mang lại lợi thế về độ phủ toàn cầu và sự tiện lợi trong triển khai.
Tuy nhiên, chính sách điều chỉnh của Apple không phải không có giới hạn. Dù công ty đã gỡ bỏ mức hoa hồng 27% và cập nhật lại nguyên tắc hướng dẫn, cơ chế giám sát và thực thi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Theo báo cáo từ Reuters và The Verge, vẫn chưa rõ Apple sẽ theo dõi và xử lý việc tuân thủ quy định mới như thế nào đối với từng nhóm ứng dụng khác nhau.
ÁP LỰC TRƯỚC THỀM WWDC CẬN KỀ
Thời điểm diễn ra tranh chấp pháp lý cũng khá nhạy cảm đối với Apple, khi công ty chuẩn bị tổ chức Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) vào tháng 6/2025. Quan hệ với cộng đồng lập trình viên được dự đoán sẽ là chủ đề trọng tâm tại sự kiện, nhất là trong bối cảnh Apple nỗ lực duy trì niềm tin của giới phát triển trước làn sóng giám sát ngày càng tăng từ tòa án và cơ quan quản lý.

Apple chưa đưa ra bình luận công khai về việc bị chuyển hồ sơ sang hình sự cũng như những chỉ trích của thẩm phán về hoạt động nội bộ công ty. Trong những tuyên bố trước đó, Apple thể hiện quan điểm không đồng tình, nhưng cam kết sẽ thay đổi theo yêu cầu trong khi vẫn tiếp tục theo đuổi kháng cáo.
Tác động rộng lớn từ vụ việc này có thể lan tỏa khắp ngành công nghệ. Nếu kháng cáo thất bại, Apple có thể buộc phải chấp nhận thêm nhiều nhượng bộ khác, có thể làm thay đổi cách sản phẩm số được phân phối và kiếm tiền trên iOS.
Trong lúc thủ tục pháp lý vẫn tiếp diễn, nhà phát triển hiện có nhiều không gian hơn để thử nghiệm mô hình kinh doanh từng bị Apple ngăn cản. Việc thử nghiệm mới này có tạo ra thay đổi mang tính lâu dài hay không còn phụ thuộc vào mức độ áp dụng thực tế, cũng như cách Apple thực thi quy định mới mà không tạo ra thêm rào cản nào khác.
Trước mắt, cuộc chiến pháp lý đang phản ánh xu thế toàn cầu ngày càng mạnh mẽ nhằm hạn chế sự chi phối của nền tảng công nghệ lớn và thúc đẩy môi trường cạnh tranh công bằng hơn trong lĩnh vực kỹ thuật số. Với sự tham gia của cả hệ thống tòa án Hoa Kỳ lẫn các nhà lập pháp quốc tế, thực tiễn lâu nay của Apple với App Store đang bị giám sát chặt chẽ hơn bao giờ hết.