Bắc Kạn triển khai đồng bộ các chính sách về giảm nghèo
Để hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, tỉnh Bắc Kạn đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn…
Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều hình thức, cách làm, mô hình phù hợp với điều kiện trên địa bàn.
ĐA DẠNG CÁC MÔ HÌNH GIẢM NGHÈO
Các mô hình giảm nghèo về hỗ trợ trợ sản xuất luôn được tỉnh chú trọng, góp phần phát huy nội lực của người dân, từ đó xây dựng và nhân rộng, tạo việc làm ổn định và đa dạng hoạt động thu nhập cho người nghèo.
Mô hình hộ gia đình của anh Hứa Văn Tuấn (thôn Nam Yên, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông) là một trong những mô hình đã phát huy hiệu quả như vậy. Được sự hỗ trợ của địa phương, năm 2014, gia đình anh Tuấn đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư mua cây giống trồng được 0,9 ha cây mỡ, và trồng thêm các loại cây lương thực, thực phẩm, rau màu khác.
Đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 gia đình Tuấn đã bắt đầu được khai thác mỡ rừng trồng, cùng với đó anh cũng đầu tư thêm dàn máy xẻ gỗ. Nhờ đó, trong năm 2022, mức thu nhập trung bình của gia đình anh Tuấn đạt 100 triệu đồng/năm, cùng với đó, còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều nhân công tại địa phương. Có thu nhập, việc làm ổn định, gia đình anh Tuấn đã được công nhận thoát nghèo bền vững.
Ngoài mô hình hộ gia đình, nhiều mô hình đoàn thể, địa phương về giảm nghèo cũng phát huy hiệu quả. Trong đó, mô hình của tập thể Hợp tác xã Giáo Hiệu (thôn Nà Hin, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm) đã vận động các thành viên trong hợp tác xã, nhất là hộ nghèo và cận nghèo, hộ gia đình dân tộc thiểu số tại vùng khó khăn tham gia liên kết sản xuất mới mô hình trồng nông sản.
Hợp tác xã hỗ trợ về vốn, giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu mua 100% sản lượng nông sản cho các hộ nghèo và cận nghèo tham gia mô hình. Kết quả, đến cuối năm 2022, qua rà soát đã có 14 hộ thoát nghèo và cận nghèo.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình, sáng kiến tại cộng đồng cũng được người dân triển khai, đem lại kết quả tích cực như mô hình “Hỗ trợ bò giống bản địa sinh sản tại tỉnh Bắc Kạn” của hội nông dân. Tham gia mô hình này, mỗi hộ gia đình hội viên thuộc diện hộ nghèo có khả năng và điều kiện phát triển chăn nuôi được nhận một con bò giống và 100kg cám. Họ cũng được tập huấn kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản, sau khi thành công sẽ luân chuyển bê con cho hộ khác…
CHÚ TRỌNG TẠO VIỆC LÀM, SINH KẾ
Trong năm 2022, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Thông qua đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia các mô hình, dự án phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, cải thiện thu nhập; hộ thoát nghèo được hỗ trợ các chính sách về vay vốn, phát triển sản xuất để cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Trước đó, tại hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh hồi cuối năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã nhấn mạnh, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người nghèo, sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh..., công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các địa phương trong tỉnh đã triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người nghèo; nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo số liệu sơ bộ rà soát, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh Bắc Kạn cuối năm 2022 là 20.354 hộ, chiếm tỷ lệ 24,82%, giảm 2,55%; số hộ cận nghèo là 7.684 hộ, chiếm tỷ lệ 9,06%, giảm 0,47%. Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của năm 2022 đã hoàn thành tốt so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 27,37% xuống còn 24,82%.
Năm 2022, tỉnh được phân bổ trên 207 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí sự nghiệp được giao, các cơ quan chuyên môn và Uỷ ban nhân dân các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện các dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững.
Đến hết năm 2025, Bắc Kạn đề ra mục tiêu giảm nghèo bền vững với tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 2%-2,5%, huyện nghèo giảm từ 4%-5% trở lên.