Bao nhiêu quốc gia cần phát hành tiền giấy mới sau sự ra đi của Nữ hoàng Anh?
Từ năm 1960 đến nay, nữ hoàng Elizabeth II luôn giữ vị trí độc tôn trên mọi tờ tiền của Anh. Ngoài ra, những quốc gia có in hình Nữ hoàng Elizabeth II trên tiền tệ đều thuộc Khối thịnh vượng chung và các nước thuộc địa cũ của Anh…
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời và Vua Charles III lên ngôi kế vị, nước Anh sẽ có một sự thay đổi lớn đối với tiền tệ. Sắp tới, chân dung của Vua Charles III sẽ được in và đúc trên tiền xu và tiền giấy trong tương lai. Các loại tiền giấy và tiền xu cũ có in hình Nữ hoàng Elizabeth II sẽ từ từ bị loại bỏ khỏi lưu thông trong quá trình tiền giấy và tiền xu mới có hình Vua Charles được đưa vào thay thế.
Sự xuất hiện của Nữ hoàng trên tờ tiền không chỉ thể hiện sự uy quyền, sự quyền lực mà là một nghệ thuật chân dung, ẩn dấu đằng sau những hàm ý của từng thời kỳ mà bà được xuất hiện. Tờ tiền mệnh giá 20 đô la của Canada là tờ tiền đầu tiên in hình Nữ hoàng lên tiền giấy, khi đó bà mới 8 tuổi. Tờ tiền này được đánh giá là tiền có hình nữ Hoàng lâu nhất mà Vương quốc Anh đã cho in có hình ảnh Nữ hoàng. Khi đó công chúa Elizabeth đã được định vị sẽ kế vị cha mình – người khi đó vừa lên ngôi Vua George VI. Cũng là Canada, lúc Nữ hoàng 25 tuổi, đã phát hành tờ tiền Canada mệnh giá 1 đô la seri 1954, 1954 – 1987 có in chân dung bà.
Trên tờ tiền 1 pound của Jamaica là bức chân dung Nữ hoàng năm 26 tuổi. Lúc này bà đã chính thức là Nữ hoàng các xứ Anh và bảo hộ Anh toàn thế giới. Lúc này, Jamacia vẫn còn là thuộc địa của Anh, do đó họ cũng đổi tiền với hình bà trên đó. Tiếp theo là Australia, với tờ tiền giấy mệnh giá 1 đô la, in bức chân dung lúc bà 38 tuổi. Tuy vậy, đây là bức chân dung ít được công chúng thích nhất trong số các chân dung vẽ Nữ hoàng in trên các tờ tiền giấy, bởi trông bà có vẻ nghiêm khắc hơn so với vẻ đẹp mềm mại bình thường.
Theo thống kê năm 2020 của Guinness World Records, hình ảnh của Nữ hoàng Elizabeth II xuất hiện trên đồng tiền của 35 quốc gia và vùng lãnh thổ như là Canada, Bahamas, Belize, Bermuda, British Virgin Islands, Cayman Islands, Dominica, East Caribbean States, Jamaica, Turks Caicos, Falkland Islands, St. Helena, Tristan da Cunha, Nam Phi... Từ giờ, ở những quốc gia này, những tờ tiền in hình Nữ hoàng cũng sẽ phải được nới lỏng ra khỏi lưu hành và thay thế bằng những tờ tiền có hình Vua Charles III.
Còn tại Anh, đồng xu của Anh có hình Nữ hoàng Elizabeth II lần đầu tiên xuất hiện là vào năm 1953, một năm sau khi bà lên ngôi, theo nhà cung cấp tiền xu quốc gia, Royal Mint. Năm 1960, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành Nữ hoàng Anh đầu tiên có hình chân dung xuất hiện trên tiền giấy. Từ đó đến nay, Nữ hoàng Elizabeth II là bộ mặt của tiền tệ ở Anh. Có khoảng 4.7 tỷ tờ tiền của Ngân hàng Trung ương Anh đang được lưu hành, có giá trị lên tới 82 tỷ bảng.
Việc sản xuất tiền giấy hiện tại được công ty De La Rue phụ trách để đảm bảo về mặt chất lượng, chi phí sản xuất mỗi tờ tiền dao động từ 7 đến 8 pence (0,8-0,9 USD). Trong khi đó, Royal Mint đảm nhận việc đúc và phân phối tiền xu ở Vương quốc Anh nhưng không tiết lộ chính xác chi phí để tạo ra những đồng tiền cụ thể là bao nhiêu vì để phòng tránh sự cạnh tranh từ đối thủ.
Theo The Mirror, trong thời gian này, hai đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất và phát hành tiền của Vương quốc Anh sẽ gửi các đề xuất đến Thủ tướng và nhận được sự chấp thuận của hoàng gia. Các lựa chọn cuối cùng sau đó sẽ được chấp thuận bởi Thủ tướng và Nhà vua.
Thay đổi toàn bộ số tiền tệ của Anh với hình ảnh Vua Charles III được cho là cần một quá trình dài ít nhất 2 năm. Khi tờ tiền 50 bảng gần nhất được phát hành, Ngân hàng Anh đã mất 16 tháng để thu hồi và thay thế chúng. Tuy nhiên, những tờ tiền cũ sẽ vẫn có giá trị pháp lý bình thường. Điện Buckingham sẽ duyệt bức chân dung mới của Vua Charles III và hình ảnh này sẽ quay về hướng đối lập so với chân dung cũ của Nữ hoàng.
Theo ABC News, trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Anh xác nhận rằng tiền giấy có in hình Nữ hoàng Elizabeth II sẽ tiếp tục là đồng tiền hợp pháp trong thời gian tới. "Là quốc vương đầu tiên xuất hiện trên tiền giấy của Ngân hàng Anh, những bức chân dung mang tính biểu tượng của Nữ hoàng đồng nghĩa với một số công việc quan trọng nhất mà chúng tôi làm", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey cho biết. Dự kiến sẽ có thêm thông tin chi tiết về những thay đổi tiền tệ trong những ngày tới và Ngân hàng Trung ương Anh sẽ đưa ra thông báo sau khi khoảng thời gian 10 ngày quốc tang kết thúc.
Trong khi đó, ông Paul Badertscher, phát ngôn viên của Ngân hàng Canada cũng cho biết, quốc gia này không có kế hoạch thay đổi tiền giấy. Ông Badertscher nói: "Tờ tiền polymer 20 CND hiện tại dự định sẽ lưu hành trong nhiều năm tới. Không có yêu cầu lập pháp nào để thay đổi thiết kế trong một khoảng thời gian dưới thời Bộ trưởng Tài chính. Như mọi khi, Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm phê duyệt hình thức và chất liệu của bất kỳ tờ tiền mới nào, bao gồm cả chủ đề chân dung”.
Theo Ngân hàng Trung ương Úc, nước này có kế hoạch "không đổi tiền giấy Úc ngay lập tức" mà dự kiến sẽ phát hành tờ 5 AUD mới có hình Vua Charles III, do đó số tiền có in hình Nữ hoàng Anh sẽ vẫn được lưu hành. Tương tự, ở New Zealand, tờ 20 NZD cũng như các tờ tiền khác có hình Nữ hoàng Elizabeth II sẽ vẫn được sử dụng nhưng quốc gia này dự kiến sẽ phát hành tờ tiền thay thế bằng hình Vua Charles III vào một ngày nào đó chưa được ấn định.