Bí quyết giúp các quốc gia phát huy tiềm năng từ AI
Các quốc gia đều đang tìm cách nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu thông qua việc áp dụng và đổi mới AI. Tuy nhiên, con đường này đầy phức tạp, đòi hỏi phải đưa ra quyết định nhanh nhạy và xây dựng các chiến lược toàn diện…
Trí tuệ nhân tạo (AI) từ lâu đã được ca ngợi là công nghệ mang tính cách mạng, được kỳ vọng là yếu tố thúc đẩy nhanh chóng các tiến bộ trong mọi lĩnh vực trong nền kinh tế và xã hội của các quốc gia. Tuy nhiên, hiện thực hóa tiềm năng này không hề đơn giản.
Mục tiêu ấy đòi hỏi nguồn lực đáng kể, cùng với ý chí chính trị và sự hợp tác giữa nhiều bên liên quan để phát triển AI một cách có trách nhiệm và công bằng, đồng thời, đảm bảo sự tiếp nhận rộng rãi của công nghệ này, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
CHIA RẼ TOÀN CẦU VỀ AI
Các quốc gia trên toàn thế giới đang tích cực tiếp cận AI, ngay cả khi các năng lực dài hạn của công nghệ này vẫn chưa chắc chắn. Việc xây dựng hệ sinh thái có khả năng thích ứng với AI và chuẩn bị cho những gián đoạn do AI gây ra đòi hỏi một chiến lược toàn diện nhưng linh hoạt.
Theo WEF, bức tranh toàn cầu về AI có thể chia thành ba nhóm rõ rệt: một số ít quốc gia dẫn đầu với mức độ trưởng thành và đổi mới AI cao; những quốc gia đang nỗ lực trở thành lãnh đạo khu vực về AI; và một phần lớn thế giới vẫn đứng ngoài cuộc cách mạng AI.
Trên quy mô toàn cầu, những thách thức vẫn tồn tại. Việc các ngành công nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và cá nhân chấp nhận sử dụng các công cụ và dịch vụ AI là một rào cản lớn trong việc nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, mức tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng của các trung tâm dữ liệu và phần cứng kỹ thuật số làm dấy lên lo ngại về tác động môi trường của AI trên toàn cầu.
Các quốc gia cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài và chuyên môn về AI, làm giảm khả năng đổi mới và triển khai các giải pháp AI hiệu quả.
Tại các nước thuộc Nam bán cầu, tiếp cận hạn chế cơ sở hạ tầng AI cùng thiếu hụt năng lực tính toán tiên tiến, dữ liệu chất lượng cao và kỹ năng AI khiến các quốc gia này khó thu được những lợi ích kinh tế và xã hội mà AI có thể mang lại. Khoảng cách AI toàn cầu ngày càng gia tăng có nguy cơ tạo ra thêm sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội, đồng thời, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh quốc tế.
Vậy các quốc gia cần làm gì để khai thác lợi ích toàn diện của AI?
XÁC ĐỊNH THAM VỌNG QUỐC GIA VỀ AI
Theo đuổi mức độ trưởng thành của AI không chỉ đơn thuần là nỗ lực công nghệ, mà còn là mệnh lệnh chiến lược nhằm thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng trong tất cả lĩnh vực kinh tế, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và gia tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Hành trình này cần sự phối hợp của các bên liên quan và sự ra đời của các chính sách cùng các khoản đầu tư hỗ trợ sự phát triển, triển khai, áp dụng và điều chỉnh AI.
Các chiến lược quốc gia là công cụ quan trọng, thể hiện cam kết dài hạn với AI và cung cấp khuôn khổ để phát triển các chính sách và sáng kiến liên ngành nhằm khai thác cơ hội AI, đồng thời, dự đoán trước những gián đoạn có thể xảy ra.
Các chiến lược này cần phù hợp với các ưu tiên kinh tế và xã hội địa phương. Theo WEF, chính phủ nên áp dụng cách tiếp cận từ dưới lên, chủ động thu hút người dùng cuối để xác định những thách thức quan trọng nhất mà AI có thể giải quyết.
Tùy thuộc vào năng lực hiện tại về AI, các quốc gia có thể ưu tiên đầu tư vào việc đảm bảo khả năng tiếp cận đổi mới và cơ sở hạ tầng AI hoặc phát triển các chính sách thúc đẩy áp dụng AI trong các lĩnh vực chiến lược như y tế, giáo dục, tài chính, nông nghiệp và năng lượng.
XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI AI BỀN VỮNG
Hệ sinh thái AI phát triển đòi hỏi nguồn lực đáng kể, bao gồm cơ sở hạ tầng số và AI vật lý, vốn con người, vốn tài chính, cùng khả năng tiếp cận dữ liệu chất lượng cao và đa dạng. Không có cách tiếp cận chung nào phù hợp với tất cả thị trường trong việc ưu tiên những yếu tố cốt lõi này.
Theo đó, các quốc gia có thể tập trung đầu tư và phát triển năng lực cho các ngành sử dụng AI tạo ra tác động lớn. Đồng thời, các sáng kiến chính sách có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các thách thức phát triển một cách hiệu quả.
Sự tham gia của khu vực tư nhân là yếu tố quan trọng trong bối cảnh này, giúp tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo.
Tiếp cận cơ sở hạ tầng AI bền vững cũng là yếu tố cần thiết để thúc đẩy đổi mới ở địa phương. Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực này không phải lúc nào cũng khả thi đối với nhiều quốc gia do những thách thức trong việc tiếp cận nguồn nước và năng lượng cần thiết để duy trì mức tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng của các trung tâm dữ liệu.
Trong trường hợp đó, các quốc gia này có thể xem xét phát triển chiến lược cơ sở hạ tầng số và AI chuyên biệt để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời, tìm kiếm các giải pháp đổi mới nhằm mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo giá rẻ, kết nối internet tốc độ cao và cơ sở hạ tầng công nghệ số.
Việc phát triển nguồn nhân lực cũng rất quan trọng. Chính phủ nên hợp tác với các trường đại học và khu vực tư nhân để thiết lập các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng ở mọi giai đoạn phát triển AI nhằm xây dựng và duy trì lực lượng nhân tài đa dạng cho hệ sinh thái AI, đồng thời thúc đẩy đổi mới.
Phát triển nghề nghiệp liên tục có thể giúp người lao động thích ứng với những gián đoạn do AI gây ra trên thị trường lao động và xây dựng lòng tin vào công nghệ này.
Ngoài ra, việc triển khai và mở rộng các công nghệ AI sáng tạo ở địa phương đòi hỏi sự đầu tư tài chính đáng kể từ cả khu vực công và tư vào các công ty khởi nghiệp cũng như doanh nghiệp đã có.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư tư nhân khác đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các hoạt động mở rộng của các công ty khởi nghiệp, từ đó giúp các doanh nghiệp này có được sự chấp nhận từ thị trường. Do đó, các chiến lược quốc gia cần tích hợp các ưu đãi rõ ràng để thu hút đầu tư.
Giải quyết các thách thức xã hội hoặc kinh tế thông qua AI đòi hỏi phải tạo ra các ứng dụng và dịch vụ được thiết kế phù hợp với nhu cầu địa phương. Các kho dữ liệu tập trung và sáng kiến dữ liệu mở có thể tăng tốc phát triển các giải pháp AI tùy chỉnh cho các mục đích này.
Sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ và các tổ chức tư nhân là yếu tố quan trọng giúp duy trì khả năng tiếp cận dữ liệu, đồng thời, tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quyền riêng tư và an ninh.
TẬN DỤNG HỢP TÁC KHU VỰC VÀ TOÀN CẦU
Chuỗi giá trị AI vốn mang tính toàn cầu, và những thách thức trong việc đạt được sự trưởng thành của AI thường được chia sẻ trên các khu vực địa lý.
Hợp tác toàn cầu và đa bên tiếp tục giúp thúc đẩy đổi mới, phát triển và triển khai AI có trách nhiệm, cũng như quản lý các tác động gián đoạn của AI trên toàn thế giới.
Hợp tác khu vực giữa chính phủ và các tổ chức tư nhân trong chia sẻ thách thức chung tạo cơ hội thử nghiệm các giải pháp thí điểm có thể được mở rộng toàn cầu. Ví dụ, các hợp tác này có thể dẫn đến các giải pháp mới nhằm đáp ứng các thách thức năng lượng AI hiện tại và tương lai, hoặc thúc đẩy chuỗi giá trị hạ tầng AI bền vững.
Tất cả các quốc gia đều đang tìm cách nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu thông qua việc áp dụng và đổi mới AI. Tuy nhiên, con đường này đầy phức tạp, đòi hỏi phải đưa ra quyết định nhanh nhạy và xây dựng các chiến lược toàn diện.