Biến thể BA.5 xâm nhập Việt Nam, kịch bản chống dịch có gì thay đổi?

Phúc Minh
Chia sẻ

Biến thể phụ BA.5 của Omicron hiện đã xâm nhập vào Việt Nam. Bộ Y tế cho biết, tùy tình hình dịch bệnh sẽ có những điều chỉnh phù hợp, song không cực đoan…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, tại cuộc họp báo về công tác y tế, Bộ Y tế cho biết biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron đã được phát hiện tại Việt Nam.

TIẾP TỤC TIÊM VACCINE COVID-19 MŨI NHẮC LẠI

Theo GS TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện nay thế giới vẫn đang tiếp tục đánh giá về tính lây lan của hai biến thể phụ mới BA.4, BA.5. Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy hai biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2.

Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cũng nhận định, biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây. Đồng thời khuyến cáo các quốc gia cần duy trì biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, mũi nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.

Dù hiện chưa có bằng chứng cụ thể về khả năng gây bệnh nặng, song theo ông Lân, kết quả một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện tăng nặng tại khu vực châu Phi, tuy nhiên để có bức tranh tổng thể cần thêm nghiên cứu tại châu Âu, Mỹ. “Bộ Y tế tiếp tục giám sát để có điều chỉnh các biện pháp chống dịch an toàn, hiệu quả”, GS TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân, nhất là những nhóm có nguy cơ cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vaccine phòng Covid-19 nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch chống lại các biến thể mới của dịch bệnh.

Cũng tại dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Bộ Y tế cũng đưa ra 2 tình huống trong phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19. Trong đó, với tình huống chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, nhưng cộng đồng đã có miễn dịch hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.

Còn với trường hợp xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế, thì các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Việc này nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như: Giám sát phát hiện; kiểm soát ra vào vùng có dịch; cách ly/theo dõi sức khỏe...

ĐÁNH GIÁ ĐÚNG NGUY CƠ, KHÔNG THÁI QUÁ DẪN ĐẾN CỰC ĐOAN

Trao đổi về vấn đề này, PGS TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định rằng dịch Covid-19 vẫn rất khó dự báo nên cần thiết phải đưa ra các kịch bản khác nhau.

Theo chuyên gia, cần có giám sát và đánh giá nguy cơ, bởi lẽ đánh giá nguy cơ đúng thì mới đáp ứng đúng. “Đánh giá nguy cơ không đúng thì không phòng chống được dịch nhưng cũng không nên đánh giá nguy cơ thái quá dẫn đến cấm đoán, không làm ăn kinh tế được và ảnh hưởng đến an sinh xã hội”, PGS TS Trần Đắc Phu cho biết.

Nghị quyết số 128 của Chính phủ Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” vẫn rất phù hợp với chiến lược chống dịch của Việt Nam. “Chúng ta nới lỏng nhưng không buông trôi thả lỏng. Nới lỏng đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ, phải chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro. Chẳng hạn, cho trẻ đi học nhưng rủi ro ở cấp nào thì quản lý ở cấp đó thôi, không vì thế mà bắt cả trường nghỉ học, không phải vì một nhà mà phong tỏa toàn bộ khu phố”, ông Phu nêu ví dụ.

Nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng cũng khẳng định hiện nay dù xuất hiện các biến chủng mới nhưng vẫn không có gì thay đổi về biện pháp phòng bệnh, vẫn là lây qua hình thức giọt bắn, do đó việc dự phòng cá nhân và vấn đề vaccine vẫn là quan trọng trong phòng chống dịch.

“Dù vậy, cũng cần linh hoạt trong dự phòng cá nhân, tôi nói như việc đeo khẩu trang trong môi trường kín rất cần; hay giữa người đang có triệu chứng Covid-19 khi tiếp xúc với người không nhiễm bệnh; nhân viên y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh có nguy cơ cao. Nhưng khi đi tập thể dục vẫn bắt đeo khẩu trang có nên không? Hay có thể chuyển từ đeo khẩu trang y tế sang khẩu trang vải, nếu không một ngày bao nhiêu khẩu trang y tế thải ra môi trường”, ông Phu nêu quan điểm.

Từ những thực tế này, ông Phu cho rằng các biện pháp chống dịch cần linh hoạt, cần sửa đổi các quy định có sự cấm đoán trong các văn bản trước đây để chính quyền, người dân thực hiện tốt hơn.

Nhấn mạnh vaccine vẫn là giải pháp hữu hiệu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng khẳng định vaccine để giúp người bệnh không bị chuyển nặng, không tử vong và quá tải bệnh viện.

“Y tế phải luôn nhìn nhận được sức chống đỡ ở mức nào khi có biến thể xuất hiện, hay khi hiệu lực vaccine không còn. Tiêm vaccine phải xác định cho đối tượng, thời gian nào, đặc biệt lưu ý đối tượng có nguy cơ, người già, có bệnh nền. Những người chưa tiêm đủ liều cơ bản do trước đây chống chỉ định thì hiện nay phải tiêm vét cho họ, vì đây cũng là những đối tượng nguy cơ cao”, ông Phu nói.

Cũng cho rằng vaccine vẫn đóng vai trò quan trọng, TS. BS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, hiệu quả của vaccine trên số tử vong, từ một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp y khoa hàng đầu thế giới NEJM cho thấy hiệu quả của vaccine sau tiêm mũi 3 chỉ kéo dài trong vòng 3 tháng. Sau thời gian này, hiệu quả của vaccine giảm rất rõ rệt, nhất là với biến chủng Omicron. Ở tháng thứ 3 sau tiêm thì hiệu quả bảo vệ chỉ 51%, sau đó giảm dần, thậm chí có nghiên cứu chỉ còn 10-20%.

Do đó, theo ông Dương, thời điểm hiện nay việc tiêm nhắc lại mũi 4 rất cần thiết, đặc biệt ưu tiên tiêm chủng cho người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc các khu công nghiệp. Sau những đối tượng này, cần mở rộng các đối tượng khác.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con