Big Tech: Chi tiêu 100 tỷ USD cho AI trong 6 tháng đầu năm chỉ là “khởi đầu của cuộc cách mạng mới”
Cổ phiếu công nghệ biến động mạnh khi Microsoft, Meta, Amazon và Google báo cáo mức tăng đáng kể trong đầu tư vào AI…
Hầu hết Big Tech đã tăng chi tiêu vốn lên 50%, đạt hơn 100 tỷ USD trong năm nay, giữa bối cảnh chạy đua xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) bất chấp sự hoài nghi ngày càng tăng từ các chuyên gia Phố Wall về lợi nhuận từ các khoản đầu tư chưa từng có trong lịch sử, theo Financial Times.
Microsoft, Alphabet, Amazon và Meta đều tiết lộ mức tăng chi tiêu đáng kể trong nửa đầu năm, tổng cộng khoảng 106 tỷ USD, tại báo cáo thu nhập quý II/2024. Các nhà lãnh đạo dường như quyết định bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo từ thị trường chứng khoán, sẵn sàng cam kết tăng thêm đầu tư trong 18 tháng tới.
“Vào thời điểm hiện tại, tôi thà mạo hiểm xây dựng năng lực đi trước thời đại còn hơn bắt đầu quá muộn”, Giám đốc Điều hành Meta Mark Zuckerberg bày tỏ, đồng thời dự đoán chi tiêu vốn của hãng có thể đạt tới 40 tỷ USD tính đến cuối năm 2024.
ĐẦU TƯ MẠNH TAY, LỢI NHUẬN XA VỜI
Chiến lược trên cho thấy khoản đầu tư liên quan đến AI của Big Tech có thể tăng gấp đôi trong giai đoạn nửa cuối năm. Nhóm nhà phân tích đến từ Dell'Oro Group kỳ vọng các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trung tâm dữ liệu, có thể thu hút 1 nghìn tỷ USD tài trợ trong vòng 5 năm tới. Mặc dù vậy, cho đến nay, đa số doanh nghiệp vẫn chưa thuyết phục được nhà đầu tư rằng công chúng sẵn sàng chi nhiều tiền cho sản phẩm và dịch vụ AI.
“Big Tech đang đặt cược vào các khoản chi lớn”, ông Jim Tierney, Giám đốc Tăng trưởng phụ trách thị trường Hoa Kỳ tại AllianceBernstein, nhận định. “Các nhà đầu tư vẫn chưa hình dung được về mô hình kinh doanh và lợi nhuận. Big Tech luôn đưa ra lời hứa suông như 'tin tưởng chúng tôi' khi nhắc đến con số tổng chi tiêu”.
Vòng báo cáo thu nhập mới nhất của Big Tech đã làm rung chuyển thị trường Phố Wall. Điển hình nhất, cổ phiếu của một số nhà sản xuất bán dẫn, bao gồm cả gã khổng lồ chip AI hàng đầu Nvidia, ghi nhận biến động mạnh khi các nhà đầu tư trở nên nhạy cảm hơn trong bối cảnh lần lượt Big Tech tiết lộ về kế hoạch chi tiêu.
Trong khi đó, Intel, công ty vẫn chưa thu được gì nhiều từ các dự án cơ sở hạ tầng AI do thiếu sản phẩm cạnh tranh, đã mất hơn ¼ giá trị tài sản vào cuối tuần trước sau khi công bố cắt giảm việc làm hàng loạt.
QUYẾT TÂM ĐẶT CƯỢC “NGÔI SAO HY VỌNG” VÀO AI
Tuy nhiên, ngay cả khi cổ phiếu Google, Microsoft và Amazon bị bán tháo ngay sau báo cáo thu nhập, các nhà lãnh đạo Big Tech vẫn không hề có động thái “quay xe” với hành động chi tiêu điên cuồng cho AI.
CEO Zuckerberg ước tính lượng sức mạnh tính toán cần thiết để đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn tiếp theo sẽ "gần gấp 10 lần" so với phiên bản tiền nhiệm. Vị tỷ phú thừa nhận rằng sẽ mất "nhiều năm" trước khi một số tính năng AI của công ty, bao gồm chatbot Meta AI, có thể "tự mình" kiếm được tiền.
Giám đốc Điều hành Google Sundar Pichai nhận định: “Trong xã hội chuyện động không ngừng ngày nay, rủi ro đầu tư không đủ vào AI cao hơn đáng kể so với đầu tư quá mức”.
Được biết, Alphabet báo cáo vào tuần trước rằng chi tiêu vốn tăng lên 90% trong hai quý đầu năm 2024, cán mốc 25 tỷ USD. Microsoft vừa công bố vào ngày 30/7 với mức chi tiêu tăng 78% lên 33 tỷ USD. Các khoản đầu tư của Amazon vào tài sản và thiết bị trong nửa đầu năm, bao gồm chi tiêu cho mạng lưới thương mại điện tử và hậu cần, tăng 27% lên 32,5 tỷ USD, theo công ty tiết lộ vào ngày 1/8.
Giám đốc Tài chính Amazon Brian Olsavsky kỳ vọng tổng chi tiêu vốn của hãng sẽ "tăng đáng kể" tính đến cuối năm 2024, chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng đám mây mới. Generative AI hiện là "tài sản trị giá hàng tỷ USD" đối với công ty, vị Giám đốc nói thêm.
Các Giám đốc Điều hành Google cũng chỉ ra doanh thu ổn định từ mảng quảng cáo, tăng 11% lên 64,6 tỷ USD riêng trong quý II, như bằng chứng cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty đủ khả năng gánh vác gánh nặng chi tiêu.
Các nhà đầu tư của Microsoft dường như yên tâm hơn sau khi Giám đốc Tài chính Amy Hood cho biết hệ thống trung tâm dữ liệu của công ty là tài sản dài hạn có thể "thu được lợi nhuận trong tối thiểu 15 năm và hơn thế nữa".
Giám đốc Hood khẳng định nếu nhu cầu về dịch vụ AI thấp hơn dự kiến, Microsoft có thể chuyển hướng từ trung tâm dữ liệu sang phần cứng AI cao cấp. Trong quý gần nhất, tăng trưởng mảng kinh doanh đám mây của công ty bị hạn chế do thiếu năng lực đáp ứng chứ không phải do nhu cầu khách hàng, đại diện Microsoft phát biểu.
“BONG BÓNG AI”
Phần lớn khoản đầu tư từ các gã khổng lồ công nghệ đang hướng đến kế hoạch mua đất và xây dựng trung tâm dữ liệu mới cho hoạt động điện toán đám mây. Một số khác cũng đang được chi cho mảng phần cứng bao gồm các cụm chip chuyên dụng, chủ yếu do Nvidia sản xuất, là thành phần cần thiết để đào tạo và vận hành mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hỗ trợ chatbot.
Mặt khác, các công ty khởi nghiệp như OpenAI, Anthropic, xAI của tỷ phú Elon Musk và Mistral đến từ Pháp đang cạnh tranh để tranh giành nguồn tài nguyên điện toán khan hiếm nhằm tạo ra LLM ngày càng tiên tiến hơn.
Biến động cổ phiếu vào tuần trước diễn ra sau đợt tăng giá lịch sử. Chỉ số Nasdaq 100 đã tăng khoảng 70% kể từ đầu năm 2023, thời điểm cơn sốt AI bắt đầu xuất hiện, đưa Apple, Microsoft, Nvidia, Alphabet và Amazon trở thành top công ty đại chúng lớn nhất thế giới.
“Tôi liên tưởng tới bong bóng viễn thông vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000”, ông Michael Hodel, chuyên gia phân tích tại Morningstar, đưa ra cảnh báo. “Hầu hết công ty tham gia vào quá trình xây dựng hồi đó đều đã phá sản. Thời kỳ bùng nổ AI có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, sự khác biệt chính là các ứng cử viên tham gia cuộc đua đều sở hữu hoạt động kinh doanh cốt lõi với lợi nhuận khổng lồ và nền tảng tài chính vững mạnh”.