Big Tech "dốc hầu bao" cam kết đầu tư thu hút nhân tài trẻ tại Đông Nam Á
Một số công ty như Microsoft, Apple hay Amazon Web Services mới đây đã cam kết đầu tư những khoản tiền khổng lồ tại khu vực Đông Nam Á…
Trong những tuần gần đây, nhiều gã khổng lồ công nghệ liên tục "gõ cửa" Đông Nam Á. Chuyến thăm cấp cao của các Giám đốc Điều hành đi kèm với những lời hứa hẹn về số tiền đầu tư đáng kinh ngạc, theo The Business Times.
Apple và Microsoft đều cử Giám đốc Điều hành tham quan khu vực, gặp gỡ quan chức cấp cao và công bố các khoản đầu tư lớn ở nhiều quốc gia khác nhau.
Apple cho biết công ty sẽ chi 250 triệu USD nhằm mở rộng khuôn viên tại Singapore. Đầu tháng này, Amazon Web Services cam kết bổ sung 12 tỷ USD Singapore cho cơ sở hạ tầng đám mây hiện có ở nước này. Trong khi đó, Microsoft cam kết đầu tư 1,7 tỷ USD vào Indonesia, 2,2 tỷ USD vào Malaysia và xây dựng trung tâm dữ liệu khu vực mới tại Thái Lan.
CƠ HỘI THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI
Giới quan sát cho biết chuyến thăm và cam kết đầu tư là một phần trong nỗ lực thu hút tầng lớp trung lưu trong khu vực. Đồng thời, nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á phát triển nhanh chóng cũng là một trong những lý do bởi lực lượng dân số trẻ am hiểu công nghệ.
"Không những doanh nghiệp công nghệ có thể tham gia sớm vào thị trường kỹ thuật số tương lai, mà các trung tâm công nghệ mới nổi như Jakarta, Singapore và Thành phố Hồ Chí Minh còn có cơ hội thúc đẩy đổi mới và phát triển nhân tài", ông Leslie Joseph, nhà phân tích chính tại Forrester nhận định.
Đa số khoản đầu tư từ Big Tech tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI) và một số trung tâm dữ liệu khu vực. Theo báo cáo của công ty tư vấn Kearney, AI có tiềm năng đóng góp gần 1 nghìn tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Đông Nam Á năm 2030. Khu vực có dân số hơn 660 triệu người và tổng GDP đạt trên 3,6 nghìn tỷ USD.
Tại Đông Nam Á, chính phủ và các doanh nghiệp đều đang ứng dụng Al trong hoạt động, dịch vụ. Theo khảo sát của Accenture, 98% Giám đốc Điều hành trong khu vực bị hấp dẫn bởi mô hình Al và 99% tin rằng công nghệ sẽ thúc đẩy đổi mới và sáng tạo.
DẪN ĐẦU XU HƯỚNG
Bà Ng Wee Wei, Giám đốc Điều hành cấp cao, lãnh đạo đơn vị thị trường Đông Nam Á tại Accenture đánh giá: “Chính phủ Singapore đang dẫn đầu cuộc đua này, trong khi một số quốc gia khác như Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng theo đuổi chiến lược AI của riêng họ”.
Ông Hanno Stegmann, Giám đốc Điều hành và đối tác tại BCG X, nhận định bằng cách đầu tư mạnh vào Đông Nam Á, những gã khổng lồ công nghệ trên thế giới đang cho thấy rằng họ "không chỉ nói suông".
Các chính phủ tại Đông Nam Á đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số, mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số, cũng tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào công nghệ và đổi mới. Giám đốc Stegmann cho biết những nỗ lực này có thể giúp Đông Nam Á “đi tắt đón đầu” quy trình được hỗ trợ hoàn toàn bởi AI.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý, có rất nhiều trở ngại mà khu vực phải vượt qua trong hành trình phát triển AI, trong đó nhân tài và quy định, chính sách là những thách thức lớn nhất.
Khu vực Đông Nam Á hiện đang đối mặt với khoảng cách trình độ trong lĩnh vực AI. Vậy nên, các công ty và quốc gia sẽ không thể triển khai và tận dụng AI một cách hiệu quả.
Ông Stegmann chia sẻ: “Khoảng cách trình độ là một thách thức lớn. Trong nghiên cứu gần đây, chúng tôi phát hiện các nhà quản lý cấp trung thiếu hụt kỹ năng chuyên môn và sự tự tin khi sử dụng AI”.
Về quy định, nhà phân tích cho rằng với các quốc gia ở Đông Nam Á đang ở giai đoạn phát triển khác nhau về khung chính sách xung quanh luật dữ liệu và đạo đức AI, sự khác biệt này có thể cản trở luồng dữ liệu tự do và tỷ lệ áp dụng AI.
Các nhà hoạch định chính sách phải cân bằng tốt giữa luật thúc đẩy đổi mới và giải quyết vô số rủi ro đi kèm theo cách nhất quán trên toàn khu vực, nhà phân tích Joseph nói.
RỦI RO KHI CHUYỂN ĐỔI GIẢI PHÁP SỬ DỤNG AI
Bên cạnh thách thức, khu vực Đông Nam Á vẫn có nhiều tiềm năng phát triển AI. Ông Mohan Jayaraman tin rằng Đông Nam Á hoàn toàn có thể "bỏ qua" một số giai đoạn trong việc áp dụng AI, giống như cách khu vực đã làm đối với tỷ lệ sử dụng điện thoại di động.
Quá trình có thể được thúc đẩy bởi sự chấp thuận mạnh mẽ từ người tiêu dùng, các khoản đầu tư của doanh nghiệp và quy định, chính sách pháp lý phù hợp.
Lực lượng lao động tương đối trẻ cùng tỷ lệ sử dụng thiết bị công nghệ cao trên toàn khu vực mang đến lợi thế nhân khẩu học quan trọng để áp dụng công nghệ nhanh chóng.
Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành và đối tác tại BCG X cũng chỉ ra, luôn có những rủi ro khi các công ty thực hiện “bước nhảy vọt” chuyển đổi giải pháp sử dụng AI. Vì vậy, trước tiên, cần thay đổi hoạt động quản lý trong tổ chức để đảm bảo nhân viên được trang bị những kỹ năng, tư duy phù hợp để tận dụng tối đa công nghệ”.