Bộ Giao thông Vận tải bị doanh nghiệp chê nhất khi thực hiện thủ tục quản lý chất lượng hàng hoá
Dù được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá đã có những cải cách lớn trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu nhưng vẫn còn những “khoảng tối”...
Tại hội thảo trực tuyến “Công bố báo cáo Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020” ngày 15/7, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, những thành tích về xuất nhập khẩu hàng hoá đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy những nỗ lực phi thường của các doanh nghiệp Việt Nam trước khó khăn của dịch bệnh.
Đồng thời, kết quả này cũng phản ánh sự nỗ lực của ngành hải quan, Bộ tài chính và các bộ ngành trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu. Điều đó cũng cho thấy độ mở rất cao, gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế thế giới của nền kinh tế Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2020 đạt tới 545 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2019. 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 316 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Báo cáo khảo sát của VCCI cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận sự cố gắng của cơ quan nhà nước trong 6 tháng qua. Thông tin từ 3.700 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, báo cáo phản ánh nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2020 so với những năm trước đây.
Lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa bao gồm 3 thủ tục chính: Thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương, thủ tục công bố hợp quy và thủ tục kiểm tra chất lượng. Về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa, tỷ lệ doanh nghiệp gặp thuận lợi cao nhất khi tuân thủ thủ tục này, theo đánh giá của các doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải là tồi nhất (17,1%), Bộ Công Thương đạt cao nhất (41,6%), kế đến là Bộ Khoa học và Công nghệ (28,4%).
Cùng đó tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ hoặc tương đối dễ trong thực hiện thủ tục của các bộ, ngành đều có sự cải thiện theo thời gian. Trong đó, chuyển biến nhiều nhất là tại Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Bộ Công Thương cũng nằm trong top 3 bộ dẫn đầu về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục công bố hợp quy trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa.
Kết quả khảo sát năm 2020 tổng hợp đánh giá của doanh nghiệp về mức độ thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu trong năm vừa qua, đồng thời phản ánh các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tới các bộ, ngành sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập khẩu.
Chủ tịch Vũ Tiến Lộc chỉ ra những mặt tích cực nổi bật đáng mừng như thông tin về chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn. Doanh nghiệp đánh giá cao hơn về chất lượng thông tin do cơ quan hải quan cung cấp. Doanh nghiệp hài lòng hơn với sự hỗ trợ, giải đáp của các cơ quan liên quan khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin. Mức độ phổ biến của việc chi trả chi phí ngoài quy định trong việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu cũng đã giảm bớt...
Dù vậy, lãnh đạo VCCI cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế mà cơ quan hải quan và các bộ ngành cần cải thiện hơn nữa trong thời gian tới để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan hải quan cung cấp thông tin, hướng dẫn giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp được chú trọng hơn, thực hiện hiệu quả hơn với đội ngũ tư vấn chuyên trách, cập nhật thông tin thường xuyên hơn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng kỳ vọng các thủ tục được thực hiện qua mạng internet một cách đầy đủ chứ không phải vừa làm trên mạng đồng thời làm cả trên giấy như hiện nay.
Đồng thời, cơ quan hải quan cần có cơ chế kết nối, chia sẻ chung về lịch sử kiểm tra thực tế hàng hoá của doanh nghiệp để tránh trùng lặp. Doanh nghiệp đề nghị cơ quan hải quan cần hỗ trợ hiệu quả hơn các thủ tục xác định mã HS và tham vấn trị giá hải quan.
Mặt khác, cơ quan hải quan cần minh bạch trong xử lý cán bộ vi phạm. Cơ chế hiệu quả, thực chất để doanh nghiệp kiến nghị, khiếu nại hành vi sách nhiễu gây phiền hà của cán bộ hải quan.
Đối với cơ quan kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp mong muốn được cắt giảm thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc kiểm tra trùng lặp, áp dụng triệt để giải quyết các thủ tục hành chính. Cần áp dụng thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro để giảm chi phí cho doanh nghiệp…
Việc tăng cường chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý kiểm tra chuyên ngành với cơ quan hải quan cần được cải thiện, đặc biệt như chia sẻ dữ liệu thủ tục hành chính, phối hợp giải đáp vướng mắc, những hướng dẫn về quy trình thủ tục nghiệp vụ. Đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển hẳn sang giải quyết theo phương thức trực tuyến. Tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.
“Tất cả kiến nghị của doanh nghiệp đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu chi phí bất hợp lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong chuỗi thủ tục xuất nhập khẩu”, ông Lộc nhấn mạnh.