Bộ Giao thông vận tải giải ngân 10.700 tỷ đồng trong quý 1, nhiều dự án dự kiến vượt tiến độ
Tính đến hết quý 1/2024, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 10.700 tỷ đồng, đạt 19,2% kế hoạch. Trong quý đầu năm, Bộ khởi công 07 dự án, nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dự kiến vượt tiến độ...
Thông tin tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2024 của Bộ Giao thông vận tải chiều qua cho thấy công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục ghi nhiều kết quả nổi bật.
Lãnh đạo Bộ thường xuyên làm việc với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ chính trị của ngành.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra hiện trường, chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo chất lượng, tiến độ các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.
"Đến nay, Bộ Giao thông vận tải giao chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án, lũy kế đến hết tháng 3/2024 giải ngân khoảng 10.700 tỷ đồng, đạt 19,2% kế hoạch".
(Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải).
Công tác quyết toán dự án hoàn thành được thực hiện quyết liệt, thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán 03 dự án với tổng giá trị 779 tỷ đồng.
Trong quý 1/2024, Bộ Giao thông vận tải hoàn thành 04 dự án, hạng mục công trình bao gồm: dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2C đoạn Km217+150 - Km247+100, tỉnh Tuyên Quang; hạng mục “Xây dựng 02 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch” thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 thành phố Hà Nội; dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam, phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự án Quốc lộ 37 Hải Phòng giai đoạn 1.
Một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3-6 tháng.
Cùng với đó, công tác chuẩn bị đầu tư được đẩy nhanh, phê duyệt chủ trương đầu tư 65/66 dự án, phê duyệt dự án đầu tư 55/65 dự án.
Bộ Giao thông vận tải cũng tổ chức khởi công 07 dự án gồm: đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.; dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ để tổ chức lại giao thông.
Cùng với đó, khởi công dự án nâng cấp đoạn Km18 - Km80, Quốc lộ 4B Lạng Sơn; dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia - giai đoạn 1, Khu vực phía Nam.
Bộ Giao thông vận tải cũng trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải hoàn thành báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án hạ tầng giao thông, đang tích cực hoàn thiện các trình tự, thủ tục để có thể khai thác cát biển trên vùng biển Sóc Trăng ngay trong tháng 4/2024. Bộ Giao thông vận tải thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm đến các địa phương liên quan để mở rộng triển khai tại các các dự án của địa phương.
Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành báo cáo Chính phủ về chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2024 có trọng tâm, trọng điểm, có tổng kinh phí gần 20.0000 tỷ đồng với mục tiêu duy trì tình trạng ổn định của kết cấu hạ tầng, phục vụ an toàn, thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Qua theo dõi, đánh giá, các dự án, công trình giao thông vận tải hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2023 đã phát huy ngay hiệu quả, giúp thúc đẩy hoạt động vận tải, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện đời sống người dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội quý 1/2024.
Điển hình như việc sân bay Điện Biên đưa vào khai thác giúp các loại máy bay tầm trung được cất hạ cánh trực tiếp và có thể khai thác những đường bay dài đến TP. Hồ Chí Minh và các nước trong khu vực, vừa góp phần kết nối giao thông, thu hút đầu tư các tỉnh Tây Bắc vừa tăng cường đảm bảo quốc phòng an ninh của khu vực.
Việc đưa luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải vào khai thác giúp đón được tàu lớn 200.000 DWT, không phải phụ thuộc thủy triều, giúp giảm thời gian chờ, giảm nhiều chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, sản lượng hàng hóa 2 tháng đầu năm qua cảng tăng khoảng 55% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, với hơn 450 km đường bộ cao tốc mới đưa vào sử dụng và được xem xét đánh giá, triển khai nâng tốc độ 8 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư đủ điều kiện với vận tốc 90 km/h giúp tiết giảm thời gian đi lại nhiều giờ giữa các vùng, miền, giúp giảm chi phí vận tải, giảm tai nạn giao thông, thúc đẩy giao thương hàng hóa, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân.