Bộ Giao thông vận tải giải ngân gần 36.000 tỷ đồng, nhiều dự án vẫn khát vốn
Tính chung 8 tháng, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 35.975 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch đã được giao và cao hơn tỷ lệ chung cả nước. Không chỉ tăng tốc giải ngân giai đoạn nước rút cuối năm, cơ quan này còn kiến nghị bổ sung thêm gần 4.200 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án nhóm B đang khát vốn...
Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, tổng kế hoạch vốn năm 2024 Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao là 71.284 tỷ đồng, trong đó có 67.955 tỷ đồng kế hoạch 2024 vốn ngân sách trung ương. Bên cạnh đó, khoảng 3.329 tỷ đồng được kéo dài giải ngân từ năm 2023 sang năm 2024, với 2.711 tỷ đồng vốn phục hồi kinh tế và 618 tỷ đồng của một số dự án khác.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có các quyết định giao vốn, Bộ Giao thông vận tải đã phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch cho các chủ đầu tư để triển khai thực hiện và giải ngân, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Tính đến hết tháng 8/2024, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 35.975 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch đã được giao và cao hơn tỷ lệ chung cả nước (40,49%).
Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), nhiệm vụ giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024 sẽ tiềm ẩn thách thức khi một số dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, mỏ vật liệu xây dựng tại một số dự án đến nay chưa xử lý dứt điểm, điều kiện thời tiết bất lợi cuối năm.
Năm 2024 là năm bản lề trong thực hiện kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, trong khi khối lượng giải ngân từ nay đến cuối năm còn khá lớn, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án phải lên kế hoạch cụ thể, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao.
Để đảm bảo yêu cầu giải ngân hết nguồn vốn được phân bổ năm nay, Vụ Kế hoạch - Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư/ban quản lý dự án thực hiện nghiêm chỉ đạo liên quan đến công tác giải ngân vốn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm, kết nối vùng, liên vùng như: cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cầu Rạch Miễu, cầu Đại Ngãi... Đồng thời, tăng tốc tiến độ phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu sớm khởi công các dự án mới theo kế hoạch được phê duyệt.
Nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai các dự án nhóm B và dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đang đề nghị bổ sung tổng số gần 4.200 tỷ đồng vốn đầu tư công.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị bổ sung 2.954 tỷ đồng kế hoạch 2024 cho các dự án nhóm B đang thiếu vốn. Bên cạnh đó, khoảng 1.240 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương cũng đang được đề nghị bổ sung cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Với tổng nguồn bổ sung này, tổng kế hoạch giải ngân năm 2024 dự kiến của Bộ Giao thông vận tải khoảng 75.478 tỷ đồng.
Thực tế triển khai kế hoạch năm 2024 cho thấy đang có tình trạng thiếu vốn để thực hiện một số dự án nhóm B đã cơ bản giải ngân hết kế hoạch năm 2024 được giao, nhưng chưa thể bổ sung thêm kế hoạch.
Nguyên nhân do thiếu nguồn vốn và không còn khả năng điều hòa từ các dự án khác, đặc biệt không thể điều hòa từ các dự án quan trọng, trọng điểm do phải bảo đảm mức vốn tối thiểu bố trí theo quy định tại Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024.
Quyết định này yêu cầu bố trí tối thiểu 43.479 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia, đường bộ cao tốc, đường liên kết vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác.