Bộ Giao thông vận tải lên tiếng sau những bức xúc về trạm BOT “chia cắt” Quảng Trị
Trạm BOT Quảng Trị đặt tại Km763+800 trên Quốc lộ 1A gần 10 năm tiếp tục gây nhiều bức xúc cho người dân vì vị trí đặt trạm bất hợp lý, gây chia cắt tỉnh. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cho rằng hai phương án di dời trạm thu phí về phía Nam cuối tỉnh hay dùng ngân sách trung ương mua lại trạm BOT đều không khả thi...
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, về những bất cập của trạm BOT Quảng Trị tại Km763+800 Quốc lộ 1 do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh làm chủ đầu tư.
VỊ TRÍ ĐẶT TRẠM BOT BẤT HỢP LÝ
Theo Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, trạm BOT Quảng Trị tại Km763+800 Quốc lộ 1 có vị trí nằm giữa tuyến đường độc đạo Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Trị, tại cửa ngõ phía Nam vào thành phố Đông Hà là trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Trị và nằm giữa hai đô thị lớn của tỉnh là thành phố Đông Hà và khu di tích đặc biệt quốc gia Thành Cổ Quảng Trị - thị xã Quảng Trị; đồng thời, chia cắt trung tâm của 3 đơn vị hành chính cấp huyện, giữa huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng.
Hàng ngày các phương tiện của các tổ chức, cá nhân ở các địa phương này thường xuyên qua lại trạm BOT để vào trung tâm hành chính của tỉnh và các phương tiện trên địa bàn thành phố Đông Hà đi vào phía trạm đều phải đi qua trạm BOT, đặc biệt sau khi đoạn tuyến BOT từ thị trấn Gio Linh đi thành phố Đông Hà đưa vào hoạt động, mặc dù người dân chỉ sử dụng chưa đến một nửa chiều dài tuyến đường BOT nhưng phải trả dịch vụ cho cả tuyến. Điều này gây bức xúc cho người dân trong suốt thời gian qua.
Mặt khác, trong quá trình đầu tư hệ thống giao thông phục vụ kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, các tuyến giao thông đấu nối với đoạn tuyến BOT trên Quốc lộ 1 đều không nhận được sự đồng thuận của Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư.
"Lý do việc đấu nối sẽ làm phân lưu lượng xe qua trạm BOT, làm ảnh hưởng đến phương án tài chính được ký kết giữa Bộ Giao thông vận tải với nhà đầu tư BOT", Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nêu rõ.
Thế nhưng, vì không được chấp thuận đấu nối gây rất nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực, đặc biệt của 4 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông tại địa phương.
"Kể từ khi có trạm BOT, nhân dân, cử tri trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rất bức xúc thường xuyên kiến nghị về sự bất hợp lý về vị trí đặt trạm", Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị thẳng thắn nêu quan điểm.
Để giải quyết bức xúc kéo dài, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ hai phương án.
Thứ nhất, di dời trạm về phía nam cuối tỉnh.
Thứ hai, Nhà nước hỗ trợ ngân sách Trung ương mua lại trạm BOT của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đến nay cả hai phương án trên vẫn chưa được xem xét giải quyết.
Do đó, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét chia sẻ với khó khăn của tỉnh Quảng Trị và sự mong chờ của cử tri Quảng Trị hàng chục năm nay.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ trưởng quan tâm đề xuất Chính phủ, Quốc hội sớm có phương án tháo gỡ khó khăn cho Quảng Trị để địa phương có điều kiện phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự, ổn định đời sống nhân dân ở vùng quê truyền thống cách mạng có nhiều hy sinh, mất mát, đang còn vô vàn khó khăn thiệt thòi.
HAI PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ ĐỀU BẤT KHẢ THI
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Bộ Giao thông vận tải cho biết trạm thu phí tại Km763+800 Quốc lộ 1 được xây dựng để thu phí hoàn vốn cho hai dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn từ thành phố Đông Hà đến thị xã Quảng Trị và dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km741+170 - Km756+705, tỉnh Quảng Trị.
Trong quá trình thực hiện, việc xác định vị trí được Bộ Giao thông vận tải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Bộ Tài chính thống nhất.
Mức thu phí, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí được thực hiện theo Thông tư số 95/2015/TT-BTC ngày 19/6/2015 của Bộ Tài chính.
"Hình thức thu phí hở (theo lượt) có bất cập, hạn chế là chỉ có thể đảm bảo tính công bằng một cách tương đối. Ở khu vực lân cận, gần trạm thu phí khi sử dụng quãng đường ngắn, đi qua trạm vẫn phải trả phí, trong khi đó, phương tiện đi quãng đường dài hơn nhưng không qua trạm cũng không phải trả phí. Việc thu phí chỉ bảo đảm công bằng khi áp dụng hình thức thu phí kín, người sử dụng chi trả trên số km thực đi như đối với đường cao tốc", Bộ Giao thông vận tải phân tích.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải đàm phán với nhà đầu tư, đề xuất Bộ Tài chính chấp thuận giảm giá phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 135/2016/TT-BTC ngày 08/9/2016 thay thế Thông tư số 95/2015/TTBTC ngày 19/6/2015 điều chỉnh giảm mức phí đối với các phương tiện vận tải loại 4 và loại 54.
"Đến nay, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án cấp thẻ giảm giá vé cho 15.919/21.401 phương tiện các loại và đang tiếp tục cấp thẻ giảm giá vé cho các chủ phương tiện đủ điều kiện".
(Bộ Giao thông vận tải).
Ngoài ra, để khắc phục bất cập, hạn chế về hình thức thu phí hở, theo đề xuất của tỉnh Quảng Trị, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận giảm giá đối với phương tiện của các chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú, các tổ chức doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn.
Còn về bất cập trong đấu nối các tuyến giao thông với đoạn tuyến BOT trên Quốc lộ 1, thực hiện chủ trương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 sửa đổi Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo đó, đối với các vị trí đấu nối vào quốc lộ trong phạm vi dự án đầu tư theo phương thức PPP bảo đảm yêu cầu theo quy định tại Thông tư số 39 và hồ sơ do Sở Giao thông vận tải trình, có ý kiến thống nhất của nhà đầu tư.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt các điểm đấu nối, công bố và tổ chức thực hiện.
Do vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị căn cứ nhu cầu kết nối các tuyến đường của địa phương với Quốc lộ 1 để xem xét từng vị trí cụ thể, thống nhất với nhà đầu tư và quyết định theo thẩm quyền.
Phản hồi về phương án di dời trạm thu phí về phía Nam cuối tỉnh, Bộ Giao thông vận tải cho rằng trạm thu phí khi đó sẽ nằm ngoài phạm vi dự án, không tuân thủ quy định về vị trí đặt trạm, đồng thời, không khả thi về phương án tài chính.
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước rất khó khăn, thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, Bộ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị kêu gọi đầu tư thành công hai dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 nêu trên.
Các dự án sau hoàn thành tạo trục liên hoàn, đồng bộ toàn tuyến Quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng.
"Kể từ thời điểm thu phí hai dự án đến nay, người dân và các phương tiện lưu thông qua trạm thu phí luôn chấp hành tốt quy định, không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.
"Qua rà soát, hai dự án nêu trên chưa đáp ứng các yêu cầu để đưa vào danh sách xử lý bất cập", Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, quan điểm chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như ý kiến các bộ, ngành đó là phải thực hiện theo hợp đồng dự án ký, chỉ đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, bất cập các trạm thu phí liên quan đến nghĩa vụ của nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục đánh giá tác động đối với các dự án BOT khi đưa các dự án đường cao tốc vào khai thác, để có giải pháp xử lý kịp thời.
Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn rất khó khăn như hiện nay, việc thu hút mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bộ Giao thông vận tải mong Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng chia sẻ khó khăn của ngành giao thông vận tải trong giai đoạn hiện nay.