Bỏ ngỏ thị trường tái chế chất thải công nghiệp khổng lồ
Chất thải rắn từ sinh hoạt tại Việt Nam rất lớn, sản lượng tới 80.000 tấn/ngày
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách về nền kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thiếu công nghệ, thiếu nguồn lực đầu tư cho ngành công nghiệp tái chế chất thải, trong khi đó, Việt Nam chưa hình thành thị trường liên kết để thúc đẩy tái chế, tuần hoàn chất thải công nghiệp.
Tại hội thảo "Nền kinh tế tuần hoàn và cơ hội hợp tác Việt Nam – Hà Lan" ngày 27/9, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt.
Bất cập công nghệ, chính sách
Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp, hàng năm, lượng chất thải như tro, xỉ, bã thạch cao (GYP) hoạt động sản xuất thép, nhiệt điện than và sản xuất phân bón DAP lên đến gần 16 triệu tấn; chất thải sinh hoạt đô thị khoảng 25 triệu tấn; chất thải và phụ phẩm nông nghiệp khoảng 43 triệu tấn... Song phần lớn lượng chất thải này chưa được tận thu, sử dụng làm nguyên, nhiên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác trong khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng triệu tấn giấy, nhựa và sắt thép phế liệu phục vụ sản xuất trong nước.
Ông Hoàng Quyết Tiến, Công ty Cổ phần An Sinh cũng cho rằng, chất thải rắn từ sinh hoạt tại Việt Nam rất lớn, sản lượng tới 80.000 tấn/ngày. Riêng tại Tp.Hà Nội, khoảng 7.000 tấn/ngày; Tp.HCM 8.000 tấn/ngày; mức độ phát sinh hàng năm 13-15%... Đây là nguồn nguyên liệu tái chế tiềm năng, nhưng Việt Nam hiện chưa có chế tài phân loại chất thải rắn tại nguồn. Chất thải rắn vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp ủ yếm khí là chính... nên gây ô nhiễm nguồn nước, không khí. Số ít sử dụng công nghệ đốt thiêu gây phát thải khí độc hại ra môi trường.
Theo ông Phạm Trọng Thực, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, thách thức trong việc hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là đối với việc tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp: các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý chất thải công nghiệp, sử dụng chất thải công nghiệp làm vật liệu xây dựng, sản phẩm thương mại thiếu và chưa đồng bộ. Khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm từ chất thải công nghiệp (gạch không nung, thạch cao nhân tạo...). Mặt khác, công nghệ và quy mô tái chế chất thải còn lạc hậu, gây ô nhiễm. Đồng thời, thiếu vốn đầu tư cho ngành công nghiệp tái chế chất thải.
Trong tái chế tro xỉ nhà máy nhiệt điện than, ông Nguyễn Thanh Tùng, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 cho biết, do công nghệ đốt tại một số nhà máy đã cũ, hàm lượng mất khi nung trong tro xỉ cao làm ảnh hưởng tới khả năng sử dụng cho sản xuất vật liệu xây dựng. Hơn nữa, trong cơ chế chính sách vẫn thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn để phân loại tro xỉ dùng cho các ứng dụng tiêu thụ nhiều như vật liệu san lấp, đắp nền đường...
Tro xỉ tại một số nhà máy nhiệt điện hiện đã được phân tích và xác nhận là chất thải rắn thông thường, nhưng theo QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại thì tro bay của các nhà máy thuộc đối tượng "có khả năng" là chất thải nguy hại. Đây là rào cản pháp lý gây hiệu ứng tâm lý trong ứng xử của cơ quan quản lý, người dân đối với tro, xỉ nhiệt điện.
Hà Lan sẵn sàng chuyển giao công nghệ
Theo ông Thực, Việt Nam đã có Luật Bảo vệ môi trường qui định thu hồi xử lý rác thải sau sản xuất và khuyến khích tái chế. Bên cạnh đó có Chiến lược tăng trưởng xanh năm 2012, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến 2030 tầm nhìn 2050. Đồng thời, Chính phủ có những ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai để xây dựng cơ sở tái chế chất thải. Ưu tiên hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công nghiệp...
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường sử dụng năng lượng sinh khối và khí sinh học; xây dựng mô hình sản xuất kết hợp xử lý chất thải, sinh năng lượng. Đặc biệt, ưu tiên tái chế, sử dụng phụ phẩm và phế phẩm từ các ngành thuỷ sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày... trong chuỗi sản xuất; thúc đẩy sản xuất năng lượng từ chất thải đô thị.
Với tro, xỉ nhiệt điện, ông Tùng đề xuất, cần nghiên cứu, đầu tư các công nghệ hiện đại để xử lý nâng cao chất lượng tro xỉ, cải thiện quá trình đốt than, tăng khả năng tái sử dụng... Nhà nước sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan tới thu gom, vận chuyển và tái sử dụng tro xỉ từ nhiệt điện than. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng về chất lượng và hiệu quả sử dụng vật liệu xây dựng không nung, phát triển thị trường vật liệu xây dựng từ tro, xỉ... Mặt khác, cần có các chính sách, cơ chế ưu đãi về tiếp cận vốn, ưu đãi thuế... đối với các doanh nghiệp xử lý, tiêu thụ tro xỉ.
Trước các thách thức với nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho biết, Hà Lan đã thành công trong nhiều chương trình, dự án nghiên cứu và triển khai thu gom, tái sử dụng chất thải các loại rác thải làm nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất. Do đó, với kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực của mình, Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai.
Ông Therus Gieling, Đại diện Tổ chức GC International đồng tình, khó khăn lớn nhất là khi lượng rác thải phát sinh ngày càng lớn thì khả năng thu gom, tái sử dụng lại chưa tương xứng. Đặc biệt là việc chưa thực hiện phân loại rác thải từ nguồn, thiếu công nghệ, nguồn lực... để thu gom, tái sử dụng rác thải. GC International sẵn sàng hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm để hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.