Bộ Tài chính đã chuyển công an điều tra một số vụ lợi dụng chứng khoán để rửa tiền
Thông qua vấn đề kiểm tra đã phát hiện ra nhiều vi phạm, không những trong lĩnh vực chứng khoán mà kể cả lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền, đã chuyển cho cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm
Sức khỏe của hệ thống tài chính và tình trạng thị trường chứng khoán, trái phiếu làm nóng nghị trường phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15. Trả lời câu hỏi của đại biểu về liệu thị trường chứng khoán đã có bong bóng hay chưa? Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc không đề cập thẳng thắn nhưng cho biết, thị trường vừa qua đã có bước phát triển rất tốt.
Tăng trưởng bình quân của thị trường trong giai đoạn từ năm 2016-2021 khoảng 26%, đến cuối năm 2021 thị trường chứng khoán cũng như thị trường cổ phiếu quy mô đã đạt được 7.774 tỷ, tức là đạt được 92,5% GDP của năm 2021, thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp khoảng 15%, tức là khoảng 1.374.000 tỷ. Có thể nói là một thị trường được đánh giá tốt.
Trong lịch sử của phát triển kinh tế thế giới thì các quốc gia tiên tiến hiện nay đã có trên 500 năm về thị trường chứng khoán còn chúng ta bắt đầu từ năm 2000 đến giờ là khoảng 22 năm cũng đang rất non trẻ, nhưng từ đấy cũng đã thể hiện sức mạnh của thị trường chứng khoán và sức mạnh của doanh nghiệp. Người ta nói là thị trường chứng khoán giống như hàn thử biểu của nền kinh tế, thể hiện sức mạnh của nền kinh tế.
Bộ Tài chính đã tiến hành cảnh báo cho người dân, doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư, đồng thời trình với Chính phủ sửa lại Nghị định 153 và tăng cường các giải pháp, các biện pháp để thực hiện vấn đề minh bạch đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt là đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua xảy ra một số hiện tượng về thao túng chứng khoán, như thao túng cổ phiếu hay đưa thông tin sai lệch, lừa dối khách hàng, đầu cơ trái phiếu... Đây là hành vi của cá nhân đưa thông tin sai sự thật, sinh ra nhiều tài khoản để lôi kéo khách hàng rồi sau đấy đột ngột bán đi, khi bán không báo với cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp thì phiếu doanh nghiệp đưa thông tin sai lệch, dùng công ty này để phát hành cho công ty kia rồi lại dùng công ty kia để hợp đồng đầu tư vốn với nhà đầu tư tiếp thì những việc này chính là vi phạm trật tự kinh tế và vi phạm Luật Chứng khoán, vi phạm các nghị định liên quan. Phải xử lý nghiêm.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã có những giải pháp tăng cường công tác kiểm tra và đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi các nghiệp vụ về phát sinh, đồng thời bắt công khai và theo dõi quá trình lên xuống đột ngột đối với các cổ phiếu và các cổ phiếu. Với trái phiếu riêng lẻ sẽ thiết lập một sàn riêng để theo dõi. Cùng với giải pháp về hoàn thiện Nghị định 153 và tiếp tới sẽ đề nghị với Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán.
"Chúng tôi sẽ có những giải pháp để hoàn thiện pháp luật và đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, bắt đầu từ những dòng tiền bất thường, những giao dịch bất thường thì sẽ được kiểm tra và xử lý. Thông qua vấn đề kiểm tra chúng tôi cũng đã phát hiện ra nhiều vi phạm, không những trong lĩnh vực chứng khoán mà kể cả lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền, chúng tôi cũng đã chuyển cho cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý những trường hợp tung tin đồn nhảm hoặc đưa những thông tin sai lệch để ảnh hưởng đến các lợi ích của các nhà đầu tư khác và làm đảo lộn trật tự kinh tế trên lĩnh vực chứng khoán.