Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Giá xe xe bán tải có thể tăng mạnh thời gian tới
Theo Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô pick-up chở người lên tương đương với nhóm xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, thay vì mức thuế chỉ bằng 15 - 25% như quy định hiện hành.
Luật thuế TTĐB hiện hành quy định xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng (xe ô tô pick-up cabin kép, xe VAN có hai hàng ghế trở lên...) áp dụng thuế suất thuế TTĐB từ 15-25% tùy theo dung tích xi-lanh, thấp hơn rất nhiều so với mức thuế suất thuế TTĐB áp dụng đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ chạy bằng xăng, dầu (35-150%).
Theo Bộ Tài chính, theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ số QCVN 41:2019/BGTVT, loại xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép khi tham gia giao thông được áp dụng các hệ thống báo hiệu đường bộ như ô tô con, không bị hạn chế về thời gian được phép lưu thông trong đô thị, được phép lưu thông vào làn đường dành cho ô tô con.
Hiện một số nước áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô pick up chở hàng cabin kép ở mức thấp hơn mức thuế suất đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ (Campuchia thấp hơn 30%; Thái Lan thấp hơn khoảng 17%...).
Để góp phần đảm bảo quản lý nhà nước đối với ô tô bán tải chở hàng có cabin kép và điều tiết hạn chế sử dụng phương tiện giao thông tại các thành phố lớn, lệ phí trước bạ đối với ô tô bán tải chở hàng cabin kép cũng đã được điều chỉnh tăng theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ, theo đó, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô bán tải chở hàng cabin kép bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với xe ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, mục tiêu trong đề xuất mới là góp phần hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là ở các thành phố lớn, góp phần bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, góp phần đảm bảo việc sử dụng xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng theo đúng mục tiêu, thiết kế xe, tránh lợi dụng chính sách, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Thực tế, các dòng xe bán tải trên thị trường hiện nay đều được áp thuế tùy theo dung tích động cơ, trong đó mẫu xe có dung tích xi lanh từ 2.5L trở xuống sẽ bị áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15%; xe dung tích 2.5L đến 3.0L sẽ được áp thuế 20% và trên 3.0L sẽ được áp thuế 25%.
Với đề xuất của Bộ Tài chính, mẫu xe bán tải 2.5L trở xuống sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 60% của xe dưới 9 chỗ ngồi cùng dung tích, tương đương mức thuế là 30%.
Nếu mức thuế này được triển khai, chắc chắn giá xe các loại bán tải ở Việt Nam sẽ tăng vọt. Trong bối cảnh thị trường gặp rất nhiều khó khăn hiện nay, đây rõ ràng là một tin không vui với nhiều hãng đang phân phối ô tô bán tải tại Việt Nam.
Tuy nhiên, liên quan đến mục đích sử dụng xe, Bộ Tài chính cho rằng cũng cần phải nghiên cứu mức thuế suất thuế TTĐB đối với các loại xe này cho phù hợp với quy định của chính sách thuế, phí và lệ phí hiện hành.
Đối với xe ô tô pick-up chở người theo Tiêu chuẩn Việt Nam được xếp vào nhóm xe ô tô con, Bộ cho biết cần quy định rõ loại xe này áp dụng thuế suất cùng với nhóm xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Đối với loại xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng thì vẫn được áp dụng thuế suất bằng 60% so với ô tô con.
Hiện ở Việt Nam đang có các mẫu bán tải là: Ford Ranger, Mitsubishi Triton, Toyota Hilux, Isuzu D-Max và Nissan Navara.