Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Quảng cáo thuốc không phải "muốn đưa nội dung gì lên cũng được"
Nội dung quảng cáo thuốc phải đúng theo thông tin được Bộ Y tế cấp phép, bảo đảm quy định chứ không phải muốn đưa nội dung gì lên cũng được, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói tại phiên thảo luật về Luật Dược, chiều 26/6...
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin nội dung này khi giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, chiều 26/6.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Luật Dược, đã có những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn đời sống cần sửa đổi. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, những nội dung này càng trở nên cấp thiết hơn.
Về chính sách phát triển ngành dược, Bộ trưởng cho biết Luật Dược 2016 đã có các chính sách để đảm bảo tăng cường bảo đảm cung cấp đủ thuốc thiết yếu cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh.
Đến nay, qua triển khai thực hiện Luật Dược năm 2016, lĩnh vực công nghiệp dược đã có bước phát triển, với 167 cơ sở sản xuất từ năm 2016, tăng lên thành 238 cơ sở năm 2023.
Giá trị sản xuất thuốc tăng từ 20% lên gần 50% giá trị tiền thuốc sử dụng. Sản xuất thuốc trong nước cơ bản đáp ứng được nhu cầu thuốc thiết yếu, thuốc thông thường cho công tác phòng, chữa bệnh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, với mô hình bệnh tật thay đổi, và mục tiêu cao hơn cho ngành dược, để kịp thời giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, việc xây dựng các quy định để tập trung cho việc phát triển ngành dược, công nghiệp dược là nhu cầu thiết yếu.
Bộ trưởng cho rằng, trong giai đoạn năm 2016, ngành dược còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng tại thời điểm này, với các hệ thống chính sách ban hành và mục tiêu phát triển đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ định hướng, chúng ta đã có đủ điều kiện để phát triển ngành dược.
Hiện nay, đã có Chiến lược phát triển ngành dược định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, đã có những quy định pháp luật liên quan tới đấu thầu thuốc, các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Đặc biệt, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị năm 2023 về việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, là những điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp dược.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược lần này cũng đã có các quy định, chính sách ưu đãi để phát triển ngành dược liệu.
Cụ thể như việc chuyển giao công nghệ; sản xuất thuốc mới; thuốc biệt dược; thuốc sản phẩm công nghệ cao; vaccine; thuốc cổ truyền; nuôi trồng dược liệu…
Về loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết đây không phải quy định mới trong dự án luật lần này, mà đã được quy định trong Luật Dược 2016. Tuy nhiên, trong Luật năm 2016 chưa có nhiều điều khoản quy định cụ thể loại hình kinh doanh này.
"Thực tế, thời gian qua đã có nhiều chuỗi nhà thuốc phát triển, chính vì vậy lần sửa đổi Luật Dược này, Ban soạn thảo mong muốn quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức, điều kiện kinh doanh. Đồng thời, thống nhất cách thức quản lý, nâng cao tính chuyên môn hóa của hệ thống các cơ sở bán lẻ thuốc, cũng như phát huy tính ưu việt của chuỗi nhà thuốc; kiểm soát chất lượng thuốc, giá thuốc, dịch vụ đi kèm…", Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định liên quan đến điều kiện thẩm quyền, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chuỗi nhà thuốc, trách nhiệm nhà thuốc thuộc chuỗi…
Đối với phương thức kinh doanh thuốc thương mại điện tử, theo Bộ trưởng, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, trải qua dịch Covid-19… , việc kinh doanh, mua sắm trên internet, giao dịch điện tử ngày càng phổ biến.
Do đó, để kiểm soát được chất lượng thuốc khi mua bán theo phương thức thương mại điện tử, dự thảo luật cũng quy định chỉ cho phép các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh theo phương thức truyền thống, thì được phép kinh doanh thêm thương mại điện tử. Quy định này không phải cho các nhà thuốc mới.
"Trong dự thảo luật cũng chỉ cho phép các thuốc không kê đơn được phép kinh doanh trên thương mại điện tử để đảm bảo chất lượng", Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.
Về quyền và trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng bày tỏ thống nhất với nhiều ý kiến mà các đại biểu đã nêu. Đồng thời, nhấn mạnh dự thảo luật lần này mở ra một bước kinh doanh đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Qua đó, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư.
Liên quan đến vấn đề quảng cáo thuốc Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thuốc kê đơn không được quảng cáo. Còn thuốc không kê đơn thì được quảng cáo, nhưng phải đúng với giấy phép đã được Bộ Y tế cấp đối với sản phẩm đó.
Tuy nhiên, điều này cũng phát sinh thêm 1 thủ tục hành chính là "xác nhận nội dung quảng cáo". Trong khi đó, tại Quyết định số 1661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải rà soát, cắt bỏ thủ tục hành chính này.
"Nội dung quảng cáo thuốc phải đúng theo nội dung Bộ Y tế cấp phép, bảo đảm theo quy định chứ không phải muốn đưa nội dung gì lên cũng được", người đứng đầu ngành Y tế nói.
Đối với nội dung quản lý giá bán buôn thuốc toàn chặng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu, và nghiên cứu thêm để đạt được vấn đề quản lý giá theo Luật Giá, tránh việc tăng giá thuốc.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu để phối hợp cùng cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo Luật này trong thời gian tới, để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội trong Kỳ họp tới.