Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Không có chủ trương "siết" hoặc hạn chế trái phiếu doanh nghiệp
Trước những lo lắng của đại biểu quốc hội về rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước trấn an: chỉ có Tân Hoàng Minh chưa trả được nợ, còn lại các doanh nghiệp khác khi đến hạn đều trả được nợ. Như vậy, dòng tiền trái phiếu doanh nghiệp vẫn trung chuyển bình thường...
Tại phiên chất vấn chiều 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: Phải chăng thời gian qua đã có sự buông lỏng quản lý đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, những cảnh báo của Bộ Tài chính về thị trường này không có hiệu quả? Đại biểu cho rằng, trong thời gian tới cần có các giải pháp quản lý thích hợp để không làm phát sinh hậu quả tiêu cực như nhiều năm trước đây.
Giải trình, làm rõ ý kiến tranh của các vị đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, từ trước đến nay, ngoại trừ trường hợp Tân Hoàng Minh chưa trả được nợ, còn lại các doanh nghiệp khác khi đến hạn đều trả được nợ. Như vậy, dòng trái phiếu doanh nghiệp vẫn trung chuyển bình thường.
Theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính là cơ quan hành pháp nên mọi hoạt động quản lý, điều hành phải căn cứ vào Luật Chứng khoán và Nghị định 153. Do đó, phần trái phiếu phát hành riêng lẻ, cơ quan nhà nước gần như không cấp phép và không quản lý. Luật Chứng khoán đã quy định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, doanh nghiệp phát hànhh trái phiếu theo nguyên tắc tự vay tự trả.
Trong Luật Chứng khoán không đưa ra điều kiện phát hành, cần phải doanh nghiệp có lãi hay cần có tài sản đảm bảo, do đó trong Nghị định 153 cũng không thể quy định được điều kiện phát hành. Từ những phân tích trên, Bộ trưởng nêu rõ, thực hiện đúng quy định của pháp luật nên trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, nhưng phải phát hành đúng trình tự và quy định của pháp luật
Theo trên, hiện nay không có chủ trương siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp. Bởi trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn rất hiệu quả cùng với các ngân hàng thương mại để huy động vốn cho các doanh nghiệp, đóng góp vào sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc huy động này phải đúng pháp luật, phải minh bạch và không được lợi dụng việc huy động này để sử dụng tiền sai mục đích, đưa tiền này vào bất động sản hay các mục đích khác mà không đóng góp cho nền kinh tế. Hiện nay quy mô trái phiếu doanh nghiệp khoảng 15% GDP, tức là đang ở trong khoảng cho phép.
Bộ trưởng cho biết, so với các nước xung quanh, trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam huy động đang ở mức thấp nhất và đang có dư địa để thực hiện.
Phát biểu điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc so sánh quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp nước ta với các quốc gia khác trên thế giới sẽ khập khiễng, bởi lịch sử thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở các nước đã có từ rất lâu đời, còn ở Việt Nam còn sơ khai.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong thời gian tới cần rà soát lại chính sách pháp luật để có những giải pháp xử lý bất cập, hướng tới hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực này; đồng thời làm rõ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được triển khai cụ thể ra sao để đảm bảo tính hiệu quả cao.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo, giải trình rõ hơn về trách nhiệm kiểm tra, giám sát của bộ, ngành trong lĩnh vực quản lý.