Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường: 4 phương pháp định giá đất sẽ bao trùm tất cả trường hợp đất đai hiện nay
Tùy theo trường hợp, địa phương sẽ quyết định về định giá đất cụ thể, trong đó đảm bảo phòng chống tham nhũng, tiêu cực và sát nhất với với thị trường và đảm bảo được công bằng...
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 21/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thông tin đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Từ đó, cơ quan soạn thảo đã tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý xây dựng dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 gồm 16 chương, 263 Điều.
Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo đã cố gắng phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Để đảm bảo tính thống nhất và tránh chồng chéo giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các dự thảo Luật khác, xác định nguyên tắc đối với các luật được ban hành trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, Bộ sẽ rà soát luật nào có quy định mâu thuẫn, xung đột thì quy định cụ thể về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ngay tại dự thảo luật, bảo đảm có hiệu lực đồng bộ và tính khả thi.
Đối với các luật đã có trong chương trình xây dựng pháp luật như Luật Giá, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Công chứng, Luật Đấu thầu… sẽ được rà soát, thống nhất quy định với Luật Đất đai.
"Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, rà soát quy định về tài chính đất, giá đất, đánh giá đầy đủ tác động nghiên cứu kỹ lưỡng chi phí đất đai là chi phí đầu vào quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, chính sách tài chính đất đai; đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư, đảm bảo đất đai là nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.
Trước nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc liên quan đến nguyên tắc, phương pháp định giá đất, áp dụng bảng giá đất và giá đất cụ thể và phương pháp tính định giá đất, Bộ trưởng cho biết dự thảo Luật Đất đai bỏ khung giá đất và sẽ thực hiện bảng giá đất hàng năm.
Sau khi Luật Đất đai có hiệu lực sẽ xây dựng bảng giá đất hàng năm lần đầu tiên và dự kiến sẽ xong trước ngày 31/12/2025. Theo đó sẽ dùng các phương pháp để xây dựng bảng giá đất sát và đúng. Việc xây dựng bảng giá đất lần đầu tiên sẽ khó khăn, mất thời gian nhưng sau đó hàng năm sẽ cập nhật sự thay đổi về giá đất.
Về phương pháp tính định giá đất, dự thảo Luật đưa ra 4 phương pháp: so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập và hệ số điều chỉnh.
Lý giải việc đưa ra 4 phương pháp, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, 4 phương pháp này sẽ bao trùm tất cả những trường hợp của đất đai hiện nay. Về định giá đất cụ thể thì tùy theo trường hợp, địa phương (UBND tỉnh) sẽ quyết định thực hiện phương pháp nào, trong đó đảm bảo phòng chống tham nhũng, tiêu cực và sát nhất với với thị trường và đảm bảo công bằng.
Đối với thực hiện đấu giá đấu thầu, giao đất, cho thuê đất theo thỏa thuận thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, ông Khánh cho biết sẽ ưu tiên việc đấu giá đất. Đồng thời, nghiên cứu quy định về việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định về những dự án trọng điểm, những dự án quan trọng, dự án vì sự cần thiết của địa phương.
Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong Luật Đất đai sẽ cố gắng đưa các điều khoản bảo đảm cho người dân có đất bị thu hồi có được nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Trong đó, để có cuộc sống bằng và hơn nơi ở cũ không phải chỉ về điều kiện sống về hạ tầng mà chọn vị trí của tái định cư, chọn vị trí vừa ở và vừa sản xuất rất quan trọng, phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, phù hợp với tính cộng đồng, phù hợp với dân tộc. Như vậy, chính quyền địa phương phải quyết định được việc tái định cư như thế nào; cùng với đó, bảo đảm sinh kế của nhân dân và về lâu dài cần tiếp tục đào tạo, hỗ trợ lao động.
Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phải có tính đồng bộ trong quy hoạch. Do đó phải công khai, minh bạch cho Nhân dân được theo dõi, được sử dụng, được khai thác và được giám sát. Về giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng cho biết Luật Đất đai sẽ cố gắng để quy định thu hồi đất của những đơn vị, tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp không hiệu quả để tập trung đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Liên quan đến giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp, Bộ trưởng nêu rõ, phương châm khuyến khích giải quyết việc tranh chấp từ cơ sở, không để lên cấp cao hơn và người người công dân có quyền chọn lựa chọn.