Bộ trưởng Xây dựng phản hồi loạt ý kiến của đại biểu Quốc hội về Luật Nhà ở (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã giải trình, làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm như thời hạn sở hữu chung cư, điều kiện cho phép mua nhà với người nước ngoài, chính sách phát triển nhà ở xã hội...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cuối phiên thảo luận, góp ý cho dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng ngày 19/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã thay mặt cơ quan soạn thảo đã làm rõ hơn về một số vấn đề lớn được nhiều đại biểu quan tâm.
LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI) VÀ LUẬT KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN (SỬA ĐỔI) KHÔNG CHỒNG CHÉO
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm về tính đồng bộ của dự thảo Luật Nhà ở với các dự án luật có liên quan. Cụ thể, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng hiện nay, một số nội dung trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dễ dẫn đến chồng chéo với những dự án luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Đại biểu dẫn một số ví dụ như “hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (Điều 38), về quỹ đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư (Điều 52), về nhà ở xã hội (Điều 80), về chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư (khoản 1 Điều 66), đối với dự án xây dựng nhà ở Điều 82 về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (mục 3 Chương V)”…
Phản hồi về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết dù phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cùng đề cập tới loại công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp, nhưng Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp mà có phần diện tích nhà ở.
Trong khi đó, dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) điều chỉnh các nội dung liên quan đến các hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó có cả nhà ở và các công trình khác. Do đó, phạm vi điều chỉnh của 2 dự thảo luật không có sự chồng lấn.
“Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các chính sách phát triển nhà ở nói chung, gồm phát triển các loại nhà ở, như: Nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư. Đối với nội dung liên quan đến hoạt động xây dựng thì đã dẫn chiếu sang pháp luật về xây dựng, do đó, trên thực tế việc áp dụng lúc Luật Nhà ở và Luật Xây dựng là không có sự chồng lấn”, Bộ trưởng nêu rõ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo, bảo đảm phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật rõ ràng, không chồng chéo với các pháp luật khác có liên quan
KHÔNG QUY ĐỊNH VỀ SỞ HỮU CHUNG CƯ CÓ THỜI HẠN
Thứ hai, về chính sách sở hữu nhà ở. Một số đại biểu đề nghị phải có quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Về nội dung này, Bộ trưởng cho biết trong tờ trình trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất 2 phương án: Phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn và phương án không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Trong đó đã có báo cáo cụ thể các cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và đã đánh giá tác động kỹ lưỡng, phân tích các ưu điểm, hạn chế của từng phương án.
Trên cơ sở đó, tại Tờ trình số 68 trình Quốc hội, Chính phủ đã quyết định báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
“Tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và còn có những ý kiến chưa thống nhất. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến”, Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, dự thảo luật đã có bổ sung làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.
Về ý kiến của các đại biểu đề nghị xem xét quy định điều kiện số lượng loại nhà ở người nước ngoài được sở hữu, tránh ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà ở của công dân trong nước cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết đây là những ý kiến liên quan đến chính sách về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã được quy định từ năm 2008 nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, góp phần khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) kế thừa các quy định của Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có quy định điều kiện được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam của người nước ngoài.
Bộ trưởng cho biết, thống kê cho thấy từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay, số lượng nhà ở người nước ngoài mua và sở hữu tại Việt Nam không lớn.
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở năm 2014 và nay là dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đã quy định chặt chẽ về loại nhà, khu vực được mua, số lượng nhà ở được phép mua và sở hữu. “Do đó, quy định này sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở khác của Nhà nước như chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
LÀM RÕ THÊM CÁC QUY ĐỊNH ĐỂ ĐẨY NHANH CẢI TẠO CHUNG CƯ CŨ
Thứ ba, về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm tới việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
"Hiện nay, cải tạo khu chung cư cũ không đơn giản tý nào, nó có nguyên nhân sâu xa của nó. Tôi cho rằng chính xuất phát ở chỗ chúng ta đang quy định nhà chung cư cũ đó là được sở hữu vĩnh viễn, sở hữu không thời hạn, chính vì sở hữu không thời hạn, cho nên người ta có quyền người ta không đồng ý là chúng ta không thể phá dỡ được", đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nói. Ông là một trong nhiều đại biểu có ý kiến về nội dung này tại phiên thảo luận.
Liên quan tới nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã dành một chương để quy định về chính sách cải tạo, xây dựng nhằm phá dỡ các chung cư hư hỏng nghiêm trọng, bảo vệ an toàn cho người và tài sản của cư dân tại các khu nhà này, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ hơn các nội dung có liên quan như ý kiến của đại biểu Quốc hội để đảm bảo tính khả thi, thúc đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
CHỦ ĐẦU TƯ NHÀ Ở XÃ HỘI CÓ LỢI NHUẬN LỚN HƠN SO VỚI QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH
Về chính sách phát triển nhà ở xã hội, cụ thể là quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho biết mỗi địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội khác nhau, nguồn ngân sách khác nhau.
Do đó, việc để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ trích từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn là phù hợp với thực tế cũng như pháp luật có liên quan, như pháp luật về ngân sách, pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.
Còn về quy định trong dự thảo luận dành quỹ đất 20% tại Luật Nhà ở hiện hành có nhiều bất cập và chưa phù hợp với thực tiễn như đã trình bày tại Báo cáo tổng kết thi hành luật.
Bộ trưởng lấy ví dụ về nhu cầu nhà ở xã hội tại địa phương, đặc điểm vùng miền, địa hình, loại hình dự án có thể ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan, thậm chí lãng phí nguồn lực đất đai. Vì vậy, dự thảo luật sửa đổi nội dung quy định này là phù hợp, nhằm tháo gỡ những bất cập nêu trên.
Liên quan đến ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, Bộ trưuỏng cho biết cơ việc xác định cụ thể về tỷ lệ quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội phải được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.
“Quy định về lợi nhuận định mức 10% chỉ đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ bất cập hiện nay là lợi nhuận định mức được tính chung cho toàn bộ dự án. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đã quy định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội có tính đến các chi phí hợp lý, hợp lệ khác của doanh nghiệp là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp", Bộ trưởng nêu rõ.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng được hưởng ưu đãi phần diện tích kinh doanh dịch vụ thương mại và chủ đầu tư được hưởng toàn bộ lợi nhuận của phần diện tích này, như vậy về tổng thể chủ đầu tư có thể có lợi nhuận lớn hơn 10% lợi nhuận định mức của cả dự án như quy định tại Luật Nhà ở hiện hành.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc định cho biết ngay sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến.
Sau hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật và báo cáo tiếp thu giải trình để trình Quốc hội xem xét, tiếp tục thảo luận để thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.