Bộ Y tế thông tin về nguy cơ vaccine Covid-19 của AstraZeneca có thể gây đông máu
Bộ Y tế cho biết tác dụng phụ hiếm gặp có khả năng dẫn đến tình trạng đông máu khi tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca đã từng được cảnh báo. Người tiêm vaccine AstraZeneca phòng Covid-19 đã được tổ chức vài năm, hiện cũng đã hết tác dụng...
Liên quan đến thông tin vaccine AstraZeneca Covid-19 có thể dẫn đến nguy cơ đông máu, ngày 3/5, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh bệnh (Bộ Y tế), cho biết đây là tác dụng phụ đã được Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo khi tổ chức tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
Khi triển khai tiêm vaccine Covid-19 vào Việt Nam, ngành Y tế rất thận trọng. Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng, người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm.
Sau đó, tiếp tục điều chỉnh dần khi theo dõi thấy vaccine không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. Từ lúc ban đầu chỉ tiêm tại cơ sở y tế, sau đó hoạt động tiêm vaccine phòng Covid-19 đã được triển khai rộng hơn.
Theo ông Khuê, đến nay, hầu hết mọi người đã tiêm vaccine AstraZeneca Covid-19 được vài năm, hiện cũng đã hết tác dụng. Do đó, không cần quá lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu.
Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Việt Nam đã đặt mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Sau đó, Việt Nam cũng đã rải rác tiếp nhận vaccine AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.
Số vaccine này đã góp phần vào thành công trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 trong năm 2022. Hàng trăm triệu người đã được tiêm từ 2-4 liều vaccine Covid-19, bao gồm vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna…
Theo Bộ Y tế, đến giữa năm 2023, cả nước đã tiêm hơn 266,5 triệu mũi vaccine phòng Covid-19. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới.
Đến đầu năm 2024, Việt Nam hiện còn hơn 400.000 liều vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer, hạn dùng đến tháng 9/2024.
Theo hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, có 3 đối tượng ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 là người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên có bệnh lý nền (tiêm nhắc lại vào thời điểm 9-12 tháng sau mũi cuối cùng); phụ nữ mang thai và người chưa tiêm vaccine mũi nào.
Đại dịch Covid-19 ghi nhận các ca bệnh đầu tiên cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc, sau đó nhanh chóng lây lan và bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế, và đánh giá là đại dịch toàn thế giới ngày 11/3/2020.
Sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới xác nhận Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Thời điểm này thế giới ghi nhận trên 696 triệu trường hợp mắc tại 231 quốc gia, vùng lãnh thổ, hơn 6,9 triệu trường hợp tử vong.
Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn chống dịch với 4 đợt bùng phát dịch. Đến ngày 19/10/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT điều chỉnh bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2023; các hoạt động phòng, chống Covid-19 được thực hiện theo quy định đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.