Các gia tộc giàu nhất châu Á đua nhau rót vốn vào startup công nghệ

Ngọc Trang
Chia sẻ

Tại Đông Nam Á, nhiều gia đình tài phiệt đang đẩy mạnh đầu tư vào các startup công nghệ - sự chuyển hướng nhằm ứng phó trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp từ bán lẻ, du lịch cho tới sản xuất...

Tỷ phú Dhanin Chearavanont, Chủ tịch CP Group - Ảnh: Bloomberg
Tỷ phú Dhanin Chearavanont, Chủ tịch CP Group - Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, các tổng công ty, tập đoàn gia đình và nhiều quỹ đầu tư khác của các tỷ phú từ Dhanin Chearavanont của Thái Lan cho tới Lance Gokongwei của Philippines đang rót hàng trăm triệu USD vào các công ty triển vọng hoặc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm. Việc hợp tác với các quỹ đầu tư mạo hiểm của Thung lũng Silicon cũng ngày càng phổ biến tại Đông Nam Á.

Các đế chế bán lẻ truyền thống đang dần dịch chuyển sang thế giới thương mại điện tử và số hóa mới, mở đường cho các nguồn doanh thu mới sau khi hoạt động kinh doanh chính bị tê liệt vì các lệnh hạn chế phòng dịch. Xu hướng đầu tư này càng trở nên cần thiết với các đế chế đang được điều hành bởi thế hệ thứ hai và thứ ba của các gia đình tài phiệt.

“Dòng tiền sôi động từ các gia đình giàu có ở Đông Nam Á vào công nghệ càng phổ biến nhờ thành công của nhiều startup công nghệ thời gian gần đây”, Vishal Harnal, đối tác quản lý tại 500 Startups Southeast Asia – nhà đầu tư sớm vào Grab và Carousell, cho biết. “Ngày càng nhiều gia đình tài phiệt theo đuổi xu hướng này và đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh cuộc đua đó”.

Theo Bloomberg, nhiều tập đoàn kinh tế lâu đời, vốn là sức mạnh của các nền kinh tế Đông Nam Á suốt nhiều thập kỷ, đang đối mặt với những thách thức lớn khi các chính phủ vẫn phải vật lộn để kiềm chế dịch bệnh. Ngân hàng Phát triển châu Á tháng trước đã hạ triển vọng tăng trưởng năm 2021 của khu vực này xuống 3,1% do “các nền kinh tế đang phát triển châu Á vẫn dễ bị tổn thương trước đại dịch”.

Dù Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch và bán lẻ Đông Nam Á, khu vực này vẫn sở hữu những thị trường internet tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo một nghiên cứu của Cento Ventures, trong nửa đầu năm 2021, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã thực hiện kỷ lục 393 thương vụ đầu tư, huy động 4,4 tỷ USD để rót vốn vào các startup trên khắp Đông Nam Á.

Dẫn đầu “đường đua” là Charoen Pokphand Group (CP Group), tập đoàn 100 năm tuổi của Thái Lan với hoạt động kinh doanh trải dài từ nông nghiệp, bán lẻ cho tới viễn thông. Chủ tịch cấp cao của tập đoàn này là ông Dhanin Chearavanont, người giàu nhất Thái Lan.

Các đế chế bán lẻ truyền thống đang dần dịch chuyển sang thế giới thương mại điện tử và số hóa mới - Ảnh: Bloomberg
Các đế chế bán lẻ truyền thống đang dần dịch chuyển sang thế giới thương mại điện tử và số hóa mới - Ảnh: Bloomberg

Tháng trước, CP Group dẫn đầu vòng gọi vốn series C của startup Ascend Money. Đây là startup cũng được hãng công nghệ tài chính Ant Group của Trung Quốc rót vốn và là startup công nghệ tài chính đầu tiên của Thái Lan được định giá trên 1 tỷ USD (còn gọi là startup "kỳ lân"). Cùng tháng, CP Group cũng hợp tác với ngân hàng Siam Commercial Bank thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 800 triệu USD để rót vốn vào các công nghệ mới nổi.

“CP Group đang tích cực đổi mới và khám phá những công nghệ tiên tiến như robot, logistics, đám mây và nhiều công nghệ kỹ thuật số khác”, Yue Jun Jiang, Giám đốc công nghệ của CP Group cho biết. "Đông Nam Á đang bước vào kỷ nguyên vàng chuyển đổi, nơi các tập đoàn đang nâng cấp với nhiều công nghệ tiên tiến và mô hình kinh doanh mới, và đại dịch càng thúc đẩy quá trình số hóa hơn nữa".

Tại Indonesia, vào tháng 9, quỹ đầu tư mạo hiểm Intudo Ventures đã huy động được 115 triệu USD để đầu tư vào nền kinh tế số khu vực. Nhà đầu tư của quỹ này gồm hơn 30 gia đình tài phiệt và các tập đoàn của họ.

Plug & Play Tech Center – quỹ đầu tư Mỹ đã rót vốn vào hơn 20 startup "kỳ lân" bao gồm PayPal Holdings, gần đây đã “bắt tay” với hàng chục đối tác Đông Nam Á, trong đó chủ yếi là những tập đoàn thuộc sở hữu của các gia đình tài phiệt như đế chế Aboitiz Power Corp. của Philippines, CP Group của Thái Lan và Astra International của Indonesia.

Thậm chí nhiều tập đoàn quốc doanh cũng không muốn bị bỏ lại phía sau. Công ty dầu khí của Chính phủ Thái Lan PTT Pcl đã ký thỏa thuận hợp tác với Plug & Play. Đầu tháng này, PTT Pcl cũng hợp tác với 500 Startups thành lập một quỹ 25 triệu USD để đầu tư vào các startup mới nổi tại Thái Lan và khắp Đông Nam Á nhằm gia tăng hiện diện trong khu vực.

True Corp., nhà mạng di động lớn thứ 2 tại Thái Lan, thuộc CP Group, đang dự kiến đầu tư 17 triệu USD để xây dựng công viên công nghệ lớn nhất Đông Nam Á, nơi đặt các quỹ đầu tư nội địa và quốc tế cũng như đặt chi nhánh của các hãng công nghệ khổng lồ như Google, Mitsubishi…

Theo Vinnie Lauria, đối tác sáng lập tại Golden Gate Ventures, có trụ sở tại Singapore, những khoản đầu tư như trên sẽ giúp đẩy nhanh chu kỳ đổi mới và xây dựng một hệ sinh thái công nghệ tại các thị trường đang phát triển như Thái Lan.

“Tôi rất ấn tượng người đứng đầu của các đế chế gia đình. Họ đang đi đúng hướng trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp bằng công nghệ", Lauria nhận xét.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con