Các hãng dầu lửa lớn “hốt bạc” từ cơn sốt giá dầu

An Huy
Chia sẻ

Các hãng dầu lửa lớn đang hưởng dòng tiền mặt lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây nhờ giá dầu leo thang mạnh...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, các công ty nay chủ trương dùng lợi nhuận để hoàn tiền cho cổ đông, thay vì đầu tư khai thác các mỏ dầu mới, tờ Wall Street Journal cho hay.

Hôm thứ Sáu vừa rồi, hai “đại gia” dầu lửa Mỹ Exxon Mobil và Chevron công bố kết quả kinh doanh quý 3 với mức lãi lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, Exxon báo lãi 6,8 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2017, và cho biết sẽ chi 10 tỷ USD cho chương trình mua lại cổ phiếu bắt đầu từ năm tới. Chevron báo lãi 6 tỷ USD, đánh dấu quý tốt nhất từ 2013, đồng thời tiết lộ đạt dòng tiền mặt tự do 6,7 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay.

Ngành công nghiệp dầu lửa đang hưởng lợi từ cơn sốt giá dầu, với giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường Mỹ đã vượt mốc 80 USD/thùng trong tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên kể từ năm 2014, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự báo, trong khi sản lượng khai thác dầu tăng không kịp.

DÙNG TIỀN ĐỂ TRẢ LẠI CHO CỔ ĐÔNG, THAY VÌ KHAI THÁC MỎ DẦU MỚI

Giới đầu tư và phân tích đang theo dõi liệu ngành công nghiệp dầu lửa có dùng nguồn lợi nhuận dồi dào này để gia tăng năng lực sản xuất nhân lúc giá dầu cao và nhu cầu tiêu thụ gia tăng, đảo ngược sự thắt lưng buộc bụng trong thời gian đại dịch.

Sau nhiều năm lợi nhuận ảm đạm, các nhà đầu tư muốn tìm kiếm từ các hãng dầu lửa lời cam kết về hạn chế tăng trưởng, thay vào đó tập trung vào việc hoàn tiền cho cổ đông. Một số nhà đầu tư muốn công ty đa dạng hoá lĩnh vực hoạt động và dịch chuyển sang phát triển mảng năng lượng tái sinh, để phù hợp với xu thế nhiều quốc gia dịch chuyển sang các nguồn năng lượng sạch để chống biến đổi khí hậu.

Đứng trước mong muốn như vậy của cổ đông, hầu hết các công ty dầu lửa hiện nay đều có chiến lược hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, song song với cam kết hoàn tiền cho cổ đông.

Hôm thứ Tư tuần trước, Exxon tuyên bố tăng cổ tức quý 3, đánh dấu lần tăng cổ tức đầu tiên kể từ năm 2019. Ngày thứ Sáu, hãng cho biết đã tạo được 12 tỷ USD tiền mặt từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cheveron ngày thứ Sáu cho biết đầu tư cố định của công ty đã giảm 22% trong năm nay, và công ty đã trả 2,6 tỷ USD cổ tức, giảm nợ 5,6 tỷ USD, và mua lại 625 triệu USD cổ phiếu trong quý 3.

“Dòng tiền mặt tự do đã thừa để trang trải cổ tức và giảm nợ thêm được 4 tỷ USD”, CEO Darren Woods của Exxon tiết lộ.

Tương tự, các hãng dầu lửa châu Âu cũng gặt hái lợi nhuận lớn, nhưng cho biết sẽ tiếp tục dùng số tiền này để đầu tư cho các dự án năng lượng tái sinh và hoàn tiền cho nhà đầu tư, thay vì mở rộng khai thác dầu khí.

Cũng trong tuần trước, hãng TotalEnergies báo lãi 4,6 tỷ USD và cho biết dòng tiền mạnh từ lĩnh vực năng lượng hoá thạch cho phép hãng đẩy mạnh đầu tư vào mảng năng lượng tái sinh và phát điện.

Hãng Royal Dutch Shell - công ty đang bị một cổ đông lớn là Third Point LLC gây sức ép đòi tách thành hai công ty - báo lỗ 447 triệu USD trong quý 3, sau khi phải đánh tụt giá trị tài sản 5,2 tỷ USD ở mảng phái sinh hàng hoá cơ bản. Tuy nhiên, hãng dầu lửa Anh-Hà Lan này cho biết đã tạo được dòng tiền tự do 16 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay, và sẽ chi 7 tỷ USD để trả cổ tức cho cổ đông từ số tiền 9,5 tỷ USD thu được từ đợt bán mỏ dầu đá phiến ở vùng Permian cho hãng ConocoPhillips hồi tháng 9.

Hãng BP PLC của Anh sẽ công bố kết quả kinh doanh trong tuần này.

Năm nay, giá dầu thế giới đã tăng 60%, nhưng 50 trong số các công ty dầu lửa lớn nhất thế giới chỉ tăng ngân sách hàng năm thêm 1%, theo dữ liệu từ công ty tài chính Raymond James. Theo dự báo ban đầu mà Raymond James đưa ra, chi tiêu của các công ty dầu khí này sẽ đạt mức 271 tỷ USD, nhưng đến hiện tại, con số dự báo mới cũng chỉ tăng nhích lên mức 275 tỷ USD.

Theo ông Mark Stoeckle, CEO của Adams Funds, trong những thời kỳ giá dầu tăng mạnh trước đây, các công ty dầu khí phuơng Tây thường đẩy mạnh hoạt động khoan tìm dầu, chi nhiều hơn dòng tiền thu về với mục đích đẩy giá trị công ty lên cao hơn, chấp nhận hy sinh lợi nhuận. Tuy nhiên, từ trước đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư đã bắt đầu tháo chạy khỏi cổ phiếu dầu khí, gửi đến các công ty này một thông điệp rằng cách duy nhất để thu hút họ quay trở lại là mức tăng trưởng vừa phải nhưng cổ tức phải hấp dẫn – theo ông Stoeckle. Chu kỳ giá dầu hiện nay là “bài kiểm tra” đầu tiên về kỷ luật mới này về vốn.

MỨC ĐẦU TƯ ÍT ỎI VÀO NĂNG LƯỢNG TÁI SINH

Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các hãng dầu khí đều có vẻ tuân thủ mong muốn của nhà đầu tư, nhưng câu hỏi đặt ra là ngoài việc hoàn tiền cho nhà đầu tư, các công ty này sẽ chi tiêu như thế nào. Không giống như các hãng dầu khí châu Âu, các hãng của Mỹ gần như chưa đầu tư vào năng lượng tái sinh.

CEO Mike Wirth của Chevron đã nhiều lần nói rằng công ty này sẽ không đầu tư vào điện gió hay điện mặt trời vì ông không cho rằng những lĩnh vực này có thể mang lại lợi nhuận lớn. Thay vào đó, Chevron sẽ hoàn tiền cho nhà đầu tư và “để họ tự trồng cây” nếu họ muốn – ông Wirth nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 9.

Cả Chevron và Exxon đều thành lập bộ phận kinh doanh carbon thấp trong năm nay, chủ yếu tập trung vào xăng sinh học, sản xuất hydrogen, thu hồi carbon và các công nghệ khác. Chevron đã tăng gấp 3 lần mức đầu tư cho bộ phận này trong tháng 9 vừa qua, cho biết sẽ chi 10 tỷ USD trong thời gian từ nay đến năm 2028. Exxon cũng tăng đầu tư cho mảng carbon thấp, cho biết sẽ rót 15 tỷ USD vào các dự án này trong thời gian từ 2022-2027.

Tuy nhiên, việc tăng đầu tư “xanh” này vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với những gì mà các công ty dầu khí đang chi vào các dự án năng lượng hoá thạch, và chưa rõ liệu mảng carbon thấp sẽ mang lại lợi nhuận ra sao trong tương lai gần. Nhiều trong số những công nghệ mà các công ty này đang đầu tư vào cần phải có thêm trợ cấp từ chính phủ mới có thể mang lại hiệu quả kinh tế.

Không phải ai cũng cho rằng việc các công ty dầu khí thắt chặt chi tiêu là tốt. Trong một phiên điều trần vào tuần trước, một số nghị sỹ Cộng hoà kêu gọi các CEO Wirth và Woods cùng các nhà điều hành từ Shell và BP tăng sản lượng khai thác dầu để giải toả áp lực giá năng lượng.

Exxon vẫn nói rằng hãng giữ mức sản lượng đi ngang. Hôm thứ Sáu, hãng cho biết sản lượng quý 3 tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng của Chevron cũng tăng nhẹ. Hãng này cho biết mức sản lượng quý 3 tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái và sẽ từ nay đến hết năm 2025, sản lượng của hãng sẽ tăng 3% mỗi năm. Tuy nhiên, Giám đốc tài chính Pierre Breber của Chevron nói rằng hãng sẽ không đầu tư vào dự án khai thác dầu quy mô lớn nào trong những năm tới.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con