Các “mánh” lừa đảo phổ biến người mua xe ô tô cũ cần cảnh giác
Làm sao để tránh bị lừa khi mua xe ô tô cũ là câu hỏi nhiều người đang rất quan tâm trước nhiều vụ việc gần đây đã xảy ra. Thực tế, các đối tượng ngày càng có nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi nên người mua cần phải cực kỳ cảnh giác.
Dưới đây là một số chiêu trò của các đối tượng thường áp dụng:
Xe cầm cố ngân hàng
Không ít trường hợp chủ xe cầm cố ngân hàng nhưng không đủ năng lực để trả hết nợ và muốn bán xe. Với những loại xe này, để “đẩy hàng” đi nhanh, chủ xe thường bán với giá khá hấp dẫn.
Tuy nhiên, nếu người mua không tỉnh táo kiểm tra kỹ giấy tờ hay việc bàn giao không rõ ràng dễ dẫn đến việc xảy ra sự cố như việc người mua dù đã mua đứt xe nhưng phải ôm khoản nợ từ chiếc xe cũ mà không hề hay biết. Hậu quả là vào một ngày đẹp trời, các đơn vị ngân hàng sẽ đến “siết nợ”.
Giấy tờ giả
Trên thị trường tồn tại nhiều xe ô tô không rõ nguồn gốc như xe cũ nhập lậu, xe trộm cắp, xe chiếm đoạt từ dịch vụ thuê ô tô tự lái… sẽ được các đối tượng làm giả giấy tờ để bán nhanh với giá cao.
Đáng chú ý ở các loại xe này đó là vì là giấy tờ giả nên việc mua bán chỉ xác nhận qua giấy chuyển nhượng viết tay hay giấy uỷ quyền. Bên bán và bên mua không thể làm hợp đồng mua bán công chứng, tiến hành thủ tục sang tên xe ô tô theo đúng quy định.
Xe “thoát xác”
Thực tế, những chiếc xe ô tô cũ nát, xe bị tai nạn nặng… sẽ hiếm có người mua hoặc mua với giá rất rẻ. Vì vậy, một chiêu quen thuộc mà các đối tượng lừa đảo thường áp dụng đó là “bắn” lại số khung, số máy trùng với số trên giấy tờ với một loại xe khác tương tự. Nếu không có kinh nghiệm thì người mua rất dễ bị lừa ngọt.
Cảnh giác về tình trạng xe
Nếu bạn đã từng một lần đi tìm hiểu về xe cũ thì những lời chào giới thiệu xe rất dễ bắt gặp kiểu như: Xe gia đình, ít sử dụng, tình trạng còn rất tốt… Nhưng trà trộn trong số “hàng thật” là rất nhiều “hàng giả” vì nhiều xe từng chạy dịch vụ taxi, xe trộm cắp, chiếm đoạt, nhập lậu…
Kiểm tra đông hồ công tơ mét
Chiêu trò này không phải mới nhưng vẫn được những đối tượng áp dụng khá hiệu quả để qua mặt người mua. Do đó, khi mua ô tô cũ cần kiểm tra công tơ mét thật kỹ, kết hợp quan sát đánh giá tình trạng xe, không nên chỉ dựa vào số km để định giá một chiếc xe.
Tình trạng bảo dưỡng xe
Khi đi mua xe cũ, bạn đừng vội tin những lời quảng cáo của chủ xe mà hãy yêu cầu kiểm tra sổ bảo hành – bảo dưỡng xe. Một chủ xe không thể đưa ra được sổ bảo hành như khuyến cáo thì khả năng cao chiếc xe không được bảo dưỡng “sạch” như giới thiệu.
Móc ngoặc với bên kiểm định
Khi mua xe thì để đánh giá chính xác tình trạng xe một cách khách quan nhất, người mua thường sẽ tìm thợ hay dịch vụ kiểm tra ô tô cũ để thẩm định xe. Nhưng rất có thể thợ hay bên dịch vụ kiểm tra ô tô cũ là “tay trong” với người bán để “bịp” người mua.
Làm sao để tránh bị lừa?
Để tránh bị lừa khi mua xe ô tô cũ, người mua tốt nhất nên cần thật tỉnh táo và trang bị cho mình đủ các kiến thức cần thiết về một chiếc xe ô tô.
Đầu tiên, nên chọn những địa điểm bán xe uy tín, tin cậy hoặc người quen biết là tốt nhất. Giá bán có thể chênh hơn một chút nhưng bạn sẽ được đảm bảo nhiều thứ hơn.
Cần kiểm tra kỹ tất cả các hạng mục trên xe. Nếu được, bạn nên chủ động liên hệ trước với một bên kiểm định xe cũ uy tín có đủ chuyên môn để tránh bị “gài”.
“Của rẻ là của ôi”, câu nói này đúng trong nhiều trường hợp người mua xe cũ. Không thể có xe đẹp mà rẻ là điều chắc chắn. Do đó, trước khi mua người mua nên cân nhắc thật kỹ về giá, tìm hiểu, so sánh cẩn thận, không vội vàng tham rẻ.
Khi đã chốt được một chiếc xe cần mua, bước cuối cùng người mua không nên vội vàng đó là oàn thành thủ tục sang tên xe ô tô đúng quy định. Ở bước này, người dùng tỉnh táo kiểm tra các loại giấy tờ của chiếc xe, không nên sang tên giấy tay, sử dụng giấy uỷ quyền viết tay mà cần làm hợp đồng mua bán có công chứng và sang tên theo đúng quy định để tránh rủi ro bị dính phải giấy tờ giả.