Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ồ ạt xâm nhập thị trường Nga
Hơn một năm sau khi những hãng như Nissan, Renault và Mercedes-Benz rút khỏi Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt sau cuộc tấn công Ukraine, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tiến hành khai thác cơ hội khi cái gọi là “quan hệ đối tác không giới hạn” giữa Bắc Kinh và Moscow ngày càng mở rộng.
Hợp tác ngành ô tô là trọng tâm mới
Thủ tướng Lý Cường với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tại Bishkek, Kyrgyzstan. Ảnh: Xinhua.
Thủ tướng Lý Cường đã nhấn mạnh sự hợp tác trong lĩnh vực ô tô trong cuộc gặp với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tại Kyrgyzstan hôm thứ Tư tuần qua. Tuần trước Moscow cũng đã công bố danh sách các hãng ô tô nội địa mà các quan chức tại đây nên sử dụng, tất cả đều mang nhãn hiệu của Nga hoặc Trung Quốc, theo yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Zhu Feng, trưởng khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Nam Kinh, nhận định: “Hợp tác ô tô có thể là trọng tâm mới trong quan hệ đối tác kinh tế và công nghiệp của hai nước, như đã thấy trong nhận xét của Thủ tướng Lý”.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV hồi đầu tháng này, ông Putin ca ngợi hiệu quả chi phí của ô tô Trung Quốc, nói rằng sức mạnh làm nền tảng cho sự trỗi dậy của ô tô Trung Quốc là sự cải thiện về chất lượng chứ không chỉ đơn thuần là sự rút lui của các thương hiệu nước ngoài.
Khi Trung Quốc và Nga tìm cách mở rộng hợp tác kinh tế trong lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mong muốn lấp đầy khoảng trống mà các thương hiệu phương Tây để lại, hy vọng tình bạn “không giới hạn” giữa Bắc Kinh và Moscow có thể biến thành những cơ hội gia tăng.
Tuy nhiên, ông cho biết, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể cần phải điều chỉnh mẫu mã của mình, đặc biệt là xe điện, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng Nga.
Những chiếc SUV Haval của Great Wall Motor đã được đưa vào dây chuyền sản xuất ở Tula, gần Moscow, kể từ năm 2019.
Chủ tịch Great Wall Motor Wei Jianjun nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi đầu năm nay rằng khoản đầu tư 500 triệu USD vào nhà máy ở Nga đã giúp Great Wall Motor chiếm được thị phần lớn hơn, với việc lắp ráp trong nước đảm bảo những chiếc SUV Haval của họ tuân thủ các yêu cầu mua sắm của nhà nước Nga.
Theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc, xuất khẩu ô tô du lịch của Trung Quốc sang Nga trong ba quý đầu năm đã tăng hơn sáu lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 640.000 chiếc, riêng tháng 9 là 95.000 chiếc.
Trung Quốc và Nga đang đặt mục tiêu nâng tổng khối lượng thương mại lên 200 tỷ USD trong năm nay, tăng từ mức 190 tỷ USD vào năm 2022.
6 trong số 10 thương hiệu hàng đầu về thị phần ở Nga là của Trung Quốc, bao gồm Haval, Chery và Geely, theo số liệu bán hàng trong tháng 6 từ công ty tư vấn ô tô Nga Autostat.
Tổng cộng, 19 thương hiệu Trung Quốc hiện đã gia nhập thị trường Nga, trong đó Chery dẫn đầu về tổng doanh số, tiếp theo là Great Wall Motor và Geely.
He Zhenwei, chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hải ngoại Trung Quốc tại một hội thảo về lĩnh vực ô tô gần đây, cho biết: “Sau xung đột với Ukraine, Nga cần Trung Quốc tiếp tục phát triển ngành ô tô và duy trì việc làm cho người lao động”.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng thị phần ngày càng tăng của các thương hiệu Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với việc cạnh tranh gay gắt hơn với các nhà sản xuất Nga và sự hợp tác giữa các bên Trung Quốc và Nga có thể được khuyến khích, bao gồm cả việc tận dụng tốt hơn các nhà máy mà các nhà sản xuất phương Tây bỏ trống.
Ô tô Trung Quốc thúc đẩy sự hồi sinh của các nhà máy ô tô Nga
Việc một công ty nhà nước ra mắt lại chiếc xe cổ thời Liên Xô, Moskvich, vào tháng 11 năm ngoái đã được thị trưởng Moscow ca ngợi là cho thấy khả năng phục hồi của ngành công nghiệp ô tô Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nhưng sự tái sinh của Moskvich cũng là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga.
Những chiếc ô tô lăn bánh ra khỏi nhà máy ô tô Moscow rộng lớn Moskvich ở phía nam thủ đô nước Nga không hề giống với những mẫu xe Moskvich hình hộp bằng kim loại thời Xô Viết.
Những chiếc SUV bốn cửa kiểu dáng đẹp có các bộ phận động cơ và chất liệu bọc của JAC Motors của Trung Quốc, có thể nhìn thấy rõ ràng. Hai nguồn tin yêu cầu giấu tên nói với Reuters rằng mẫu Moskvich 3 là một chiếc JAC Sehol X4 được lắp ráp tại Moscow bằng các bộ phụ kiện mua từ một đối tác Trung Quốc.
Moskvich cho biết trong một tuyên bố rằng các mẫu xe 3 và 3e của họ được sản xuất bằng cách lắp ráp đơn vị lớn - nơi ô tô được chế tạo tại một nhà máy sản xuất ở nước ngoài, trước khi xuất khẩu và hoàn thiện ở Nga. Công ty cho biết họ làm việc với một "đối tác nước ngoài" nhưng không xác nhận mối quan hệ với JAC.
Moskvich nói với Reuters: “Việc nội địa hóa sản xuất đang dần tăng lên”, đồng thời cho biết thêm rằng họ hy vọng sẽ bắt đầu giai đoạn sản xuất thứ hai vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024, liên quan đến hàn và sơn tại nhà máy ở Moscow, kết hợp với nhiều nhà cung cấp địa phương hơn với các linh kiện của Nga.
JAC, công ty có trụ sở tại tỉnh miền đông An Huy, hiện không trả lời yêu cầu bình luận.
Dữ liệu ngành ô tô cho thấy các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang chiếm thị phần ở Nga, tận dụng sự ra đi của các hãng phương Tây từng thống trị thị trường trước cuộc xâm lược Ukraine.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích Autostat, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc hiện chiếm 49% thị trường Nga, đạt 40.000 chiếc vào tháng 6, so với thị phần trước chiến tranh chỉ 7% vào tháng 6 năm 2021.
Đó là một công việc kinh doanh sinh lời. Theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc công bố, xuất khẩu ô tô chở khách của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sang Nga từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023 đã tăng 6,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 4,6 tỷ USD, bao gồm cả lượng xuất khẩu trị giá hơn 1 tỷ USD chỉ trong tháng 6.
Ngoài những con số này, các công ty Trung Quốc cũng đang tăng doanh số bán hàng tại Nga với việc lắp ráp xe tại các nhà máy bị bỏ trống như Renault và Nissan.
Vladimir Bespalov, một chuyên gia độc lập về lĩnh vực ô tô, cho biết sự hiện diện ngày càng tăng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mang lại lợi ích cho Nga, cho phép nước này khởi động lại hoạt động sản xuất tại các nhà máy không hoạt động và duy trì việc làm cho công nhân. Tổng thống Vladimir Putin cho biết năm 2020 ngành này đã tuyển dụng khoảng 300.000 người.
Bespalov cho biết: “Một số công nghệ sẽ được chuyển giao, một số sẽ được bản địa hóa, nhưng chúng sẽ không phải là những công nghệ tiên tiến nhất. Nhưng, xét đến việc không còn gì khác, thế này đã khá nhiều rồi”.
Sau một thập kỷ hỗn loạn sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, Nga đã khuyến khích các nhà sản xuất ô tô phương Tây xây dựng nhà máy. Chính phú cung cấp trợ cấp cho những người thực hiện các hoạt động như dập, hàn và sơn tại địa phương, cũng như khuyến khích họ sản xuất linh kiện tại Nga.
Đến năm 2021, sản lượng trong nước đạt khoảng 1,4 triệu ô tô chở khách - khoảng một nửa công suất lắp đặt. Con số đó đã giảm xuống chỉ còn 450.000 vào năm ngoái, mức tồi tệ nhất của ngành kể từ khi Liên Xô sụp đổ, khi các công ty phương Tây rút lui sau cuộc chiến Ukraine.
Chính phủ Nga cho biết, ô tô sản xuất trong nước hiện chiếm chưa đến 40% thị trường ô tô ở Nga, giảm từ mức 70-75% trước khi Moscow tấn công Ukraine.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, Andrey Olkhovsky, người đứng đầu chuỗi đại lý Avtodom”, cho biết: "Không có lựa chọn thay thế nào cho ngành công nghiệp ô tô của Nga".
Avtodom, công ty đã mua các công ty con của Mercedes-Benz ở Nga, đang đàm phán với một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc về việc lắp ráp một chiếc ô tô cao cấp của Trung Quốc tại nhà máy cũ ở Moscow của hãng ô tô Đức này và một đối tác có thể được công bố vào cuối năm nay.
Đó là một sự thay đổi hoàn toàn về vận mệnh của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ở Nga. Việc sản xuất xe Trung Quốc chỉ bắt đầu ở Nga vào năm 2019 với sự xuất hiện của công ty ô tô Trung Quốc Great Wall Motor.
Doanh số bán xe Haval, được sản xuất tại nhà máy Tula, hiện chiếm gần 10% thị trường Nga. Great Wall từ chối bình luận về thông tin này.
Nhà sản xuất ô tô Nga Sollers cho biết vào tháng 11/2022 họ đã bắt đầu sản xuất xe tải Atlant và Argo tại nhà máy Tatarstan, cách Moscow khoảng 440 km (273 dặm) về phía đông, nơi trước đây sản xuất xe tải Ford Transit. Sollers không đề cập đến đối tác. Theo một nguồn tin khác yêu cầu giấu tên, JAC cũng đang cung cấp bộ lắp ráp cho xe thương mại.
Nguồn tin làm việc tại đại lý Sollers nói Atlant và Argo là phiên bản được đổi thương hiệu của các mẫu Sunray N25 và N35 của JAC: "Đúng vậy, có sự khác biệt. Logo trên vô lăng và mui xe”. Sollers trong khi đó từ chối bình luận.
Nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nga Avtovaz, đã mua nhà máy Nissan ở St Petersburg vào tháng 2, đã bắt đầu sản xuất mẫu Lada X-Cross 5 với sự hợp tác của cái mà họ gọi là "đối tác phương Đông".
Một nguồn tin thân cận với công ty nói với Reuters rằng chiếc xe tiện ích nhỏ gọn Bestune T77 của Tập đoàn FAW Trung Quốc đang được sử dụng để sản xuất xe Lada ở đó.
Avtovaz đã tuyên bố công khai rằng họ có kế hoạch bắt đầu nội địa hóa sản xuất vào năm 2024, sử dụng các bộ phận từ các nhà cung cấp ở St Petersburg và khu vực Leningrad.
Khi các công ty phương Tây rút khỏi Nga vào năm ngoái, Moscow đã sắp xếp việc tiếp quản tài sản nước ngoài của các thực thể do nhà nước kiểm soát để đảm bảo hoạt động sản xuất từ lĩnh vực quan trọng sẽ tiếp tục.
Tuy nhiên, chính phủ phần lớn đã bỏ qua vai trò quan trọng của Trung Quốc trong sự phục hồi của lĩnh vực ô tô sau đợt sụt giảm doanh số 59% vào năm ngoái, thay vào đó lại báo trước sự hồi sinh của các thương hiệu nổi tiếng của Nga.
Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Denis Manturov nói với hãng tin RIA vào tháng trước: “Bước đầu tiên là Moskvich cùng với Lada. Tôi hy vọng Volga sẽ theo chân họ vào năm tới”.
Ngân hàng trung ương là một trong số ít cơ quan nhà nước thừa nhận ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong một báo cáo giữa tháng 7/2023, họ lưu ý rằng một số nhà máy ở miền trung và tây bắc nước Nga không hoạt động vào năm ngoái hiện đang sản xuất "ô tô dựa trên mẫu xe Trung Quốc dưới thương hiệu riêng của họ".
Báo cáo cho biết: “Nếu trước đây ô tô từ Nhật Bản và châu Âu thống trị thì hiện nay hơn 70% lượng nhập khẩu là từ Trung Quốc”.
Một nguồn tin thân cận với một trong các nhà máy nói, do hoạt động sản xuất trong nước của Nga ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu các bộ lắp ráp từ Trung Quốc, lợi nhuận phụ thuộc vào tỷ giá đồng nhân dân tệ.