Các nước phát triển ngày càng "nghiện" lao động nhập cư giá rẻ

Hoài Thu
Chia sẻ

Theo một số nhà kinh tế, nhiều quốc gia phát triển đang phụ thuộc vào lao động nhập cư ở mức "nguy hiểm"...

Công nhân thu hoạch bí xanh tại một trang trại ở bang Florida năm 2020 - Ảnh: Getty Images
Công nhân thu hoạch bí xanh tại một trang trại ở bang Florida năm 2020 - Ảnh: Getty Images

Theo tờ báo Wall Street Journal, trong bối cảnh lao động nhập cư trên khắp thế giới tăng lên mức kỷ lục, nhiều nhà kinh tế đang đặt ra câu hỏi rằng liệu các quốc gia phát triển đang quá phụ thuộc vào việc nhập khẩu lao động.

Tại Mỹ, nhiều chủ doanh nghiệp nói rằng việc tuyển dụng lao động phổ thông người nước ngoài đang ngày càng trở nên quan trọng, khi lực lượng lao động bản địa ngày càng già hóa và giảm xuống.

Ở một vùng nông thôn ở bang Wisconsin, ông John Rosenow cho biết từng không thể tìm được người lao động địa phương làm việc cho trang trại bò sữa rộng gần 1.000 m2 của mình. Hiện tại, toàn bộ nhân công trên trang trại là 13 người nhập cư Mexico, tăng từ 10 người một thập kỷ trước. Việc này giúp ông không phải đầu tư lớn mua robot vắt sữa bò như một số trang trại khác.

“Chúng tôi có những nhân công rất tuyệt vời. Với lao động nhập cư, nếu muốn tôi có thể dễ dàng tăng gấp đôi số lượng trong vòng 1 tuần”, ông Rosenow chia sẻ.

KHÓ QUAY ĐẦU

Tuy nhiên, với một số nhà kinh tế, tại nhiều nước phát triển, việc phụ thuộc vào lao động nhập cư đang ngày càng lớn mức “nguy hiểm”, kìm hãm tăng trưởng năng suất, đồng thời khiến các doanh nghiệp trì hoãn việc tìm kiếm giải pháp bền vững nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động.

Các giải pháp này có thể bao gồm đầu tư mạnh hơn vào tự động hóa hoặc tái cấu trúc bằng những biện pháp như đóng cửa doanh nghiệp yếu kém… Đây là những giải pháp tốn kém nhưng là cần thiết trong dài hạn.

“Khi một ngành công nghiệp được tổ chức theo một cách nào đó và cấu trúc đó khuyến khích doanh nghiệp sử dụng người nhập cư, rất khó để quay đầu”, ông Martin Ruhs, giáo sư về nghiên cứu nhập cư tại Florence, Italy, nhận định.

“Trong một số trường hợp, các nhà hoạch định chính sách nên đặt câu hỏi rằng liệu việc đó có mang lại ý nghĩa hay không?", vị chuyên gia từng là hành viên Hội đồng cố vấn nhập cư Anh, cơ quan cố vấn về chính sách nhập cư cho Chính phủ Anh, đặt vấn đề.

Chủ đề này đang ngày càng “nóng” lên tại các nước phương Tây, đặc biệt là những nơi đang đối mặt khủng hoảng nhân khẩu học. Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới II, dân số trong độ tuổi lao động tại các nước phát triển đang giảm xuống. Theo một báo cáo gần đây của công ty bảo hiểm Đức Allianz, từ nay tới năm 2050, nhóm dân số này ở Liên minh châu Âu (EU) được dự báo sẽ giảm 20%.

Có nhiều cách để ứng phó với xu hướng này, bao gồm khuyến khích lao động cao tuổi tham gia lực lượng lao động hoặc tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc nhập khẩu lao động nước ngoài thường là lựa chọn dễ nhất, trong bối cảnh luôn sẵn có nguồn cung lao động từ những nơi như Mỹ Latin hoặc châu Phi.

Số lượng lao động nhập cư tại các quốc gia phát triển như Canada, Đức và Anh hiện tăng lên mức gấp 2-3 lần so với trước đại dịch Covid-19.

Tại Mỹ, số lượng lao động nhập cư nhiều hơn 3,3 triệu người so với những người rời khỏi nước này, cao gấp nhiều lần so với mức bình quân vào những năm 2010. Khoảng 75% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và 30% trong lĩnh vực xây dựng và khai khoáng ở Mỹ hiện là người nhập cư. Tính chung, người nhập cư chiếm khoảng 18% lực lượng lao động Mỹ năm 2021, tăng so với mức 16% một thập kỷ trước – theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Ở Anh, dù nhiều thập kỷ qua Chính phủ muốn kìm hãm lao động nhập cư, nước này vẫn chứng kiến sự gia tăng đáng kể của nhóm lao động này. Xu hướng này diễn ra đặc biệt mạnh mẽ sau khi Anh rời khỏi EU năm 2020 khiến các doanh nghiệp chật vật tìm người lao động. Hiện tại, hơn 27% y tá làm việc cho tổ chức Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) ở Anh là người nhập cư, tăng từ khoảng 14% năm 2013. Còn ở Đức, gần 80% nhân công tại các lò mổ gia súc là người nhập cư.

BÀI TOÁN KHÓ

Theo một số nghiên cứu, việc ngày càng phụ thuộc vào lao động nhập cư trình độ thấp có thể làm giảm năng suất lao động – yếu tố quan trọng quyết định tốc độ phát triển của một nền kinh tế.

Một nghiên cứu năm 2022 ở Đan Mạch cho thấy các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận lao động nhập cư có xu hướng đầu tư ít hơn vào tự động hóa. Còn các nghiên cứu ở Australia và Canada cho thấy lao động nhập cư có thể giúp các doanh nghiệp yếu kém tiếp tục tồn tại và điều này kéo tụt năng suất lao động chung.

Khoảng 75% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và 30% trong lĩnh vực xây dựng và khai khoáng ở Mỹ hiện là người nhập cư - Ảnh: WSJ
Khoảng 75% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và 30% trong lĩnh vực xây dựng và khai khoáng ở Mỹ hiện là người nhập cư - Ảnh: WSJ

Những năm gần đây, tăng trưởng năng suất lao động tại các nền kinh tế phát triển diễn ra ì ạch. Ở Mỹ và Anh, lĩnh vực nông nghiệp chứng kiến năng suất lao động "dậm chân tại chỗ" trong trong suốt hơn một thập kỷ. Còn ở Nhật và Hàn Quốc, nơi có chính sách nhập cư cứng rắn hơn, năng suất lao động chỉ tăng khoảng 1,5%/năm, theo dữ liệu từ OECD.

Việc cân bằng giữa sử dụng lao động nhập cư và tránh phụ thuộc vào nhóm này là điều không dễ. Thậm chí, ở một số ngành, các doanh nghiệp gần như không có lựa chọn nào thay thế cho lao động nước ngoài.

 

"Sản lượng kinh tế trên đầu người của Canada hiện thấp hơn so với năm 2018 sau nhiều năm nhập khẩu lao động kỷ lục. Canada đang nhập khẩu quá nhiều lao động trình độ thấp, khiến năng suất lao động chung của quốc gia giảm xuống”.

Nhà kinh tế Mikal Skuterud tại Đại học Waterloo (Canada)

Việc ngừng sử dụng lao động nhập cư đột ngột có thể đẩy giá cả một số loại hàng hóa tăng cao. Việc này cũng khiếu nhiều lao động ở các quốc gia kém phát triển mất đi cơ hội có cuộc sống tốt hơn.

Bà Anna Boucher, một chuyên gia về nhập cư toàn cầu tại Đại học Sydney (Australia) cho biết lao động phổ thông nhập cư có vai trò quan trọng trong ngắn hạn bởi tình trạng thiếu lao động ở một số quốc gia. Nếu không có họ, các dịch vụ chăm sóc trẻ em ở Australia có thể phải đóng cửa, còn rau củ có thể héo khô trên đồng vì không có người thu hoạch.

Tuy nhiên, với các chính phủ, việc theo đuổi các biện pháp cải các nhằm tăng năng suất và khai tử các doanh nghiệp yếu khó làm hơn nhiều so với nhập khẩu lao động.

“Một số quốc gia chọn phương án dễ làm hơn”, ông Dan Andrews, một chuyên gia về năng suất lao động tại OECD, cho biết.

Ở Canada, các nhà kinh tế cho biết Chính phủ đã phá vỡ hệ thống quản lý nhập cư nghiêm ngặt mà ở đó ưu tiên nhập khẩu lao động tay nghề cao và tiếp nhận một lượng lớn sinh viên, người lao động thời vụ tay nghề thấp từ nước ngoài. Với quá nhiều lao động giá rẻ, nước này được cho là đang có nhiều doanh nghiệp kém cạnh tranh và điều này kìm hãm năng suất lao động – theo một báo cáo vào cuối năm ngoái của một nhóm tác giả bao gồm cựu thống đốc ngân hàng trung ương Canada David Dodge.

“Sản lượng kinh tế trên đầu người của Canada hiện thấp hơn so với năm 2018 sau nhiều năm nhập khẩu lao động kỷ lục”, một báo cáo của nhà kinh tế Mikal Skuterud tại Đại học Waterloo (Canada) cho biết. “Canada đang nhập khẩu quá nhiều lao động trình độ thấp, khiến năng suất lao động chung của quốc gia giảm xuống”.

Vấn đề này cũng đang trở nên nóng hơn tại Đức, nơi các doanh nghiệp đang ngày càng phụ thuộc vào lao động nhập cư. Các cửa hàng thịt ở chân dãy núi Black Forest thuộc địa phận tỉnh Baden-Wuerttemberg không phải ngoại lệ. Theo các doanh nghiệp ở đây, người trẻ địa phương không muốn theo nghề giết mổ gia súc nữa bởi đây là công việc vất vả mà mức lương thấp. Thiếu lao động là một lý do khiến số lượng cửa hàng thịt tại đây giảm gần một nửa trong hai thập kỷ qua.

Ba năm trước, Handirk von Ungern-Sternberg, quan chức tại một tổ chức thợ thủ công tại Baden-Wuerttemberg, bắt đầu một dự án thử nghiệm tuyển dụng người giết mổ gia súc ở Ấn Độ. Dự án này tận dụng việc Đức thay đổi quy định giúp dễ dàng tuyển lao động trình độ thấp từ các nước ngoài EU. Theo đó, nhóm 13 người Ấn Độ trẻ đầu tiên tới Đức theo chương trình này vào tháng 9/2022.

Giờ đây, nhu cầu lao động cho chương trình này đang bùng nổ. Ông Von Ungern-Sternberg dự kiến đưa khoảng 140 lao động Ấn Độ tới Đức trong năm nay và gấp ba số lượng này trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp Đức, từ cơ khí cho tới xây dựng đều đang “khát” lao động trẻ Ấn Độ. Các tổ chức thợ thủ công trên khắp Đức đang triển khai mô hình tương tự.

Chương trình này mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Đức khi giúp giữ giá thịt tại Đức ở mức thấp. Ở bên kia bên giới, tại Thụy Sỹ, nơi không có lao động Ấn Độ, giá thịt hiện ở mức cao gấp gần 4 lần.

Tuy nhiên, việc cân bằng giữa tận dụng lao động giá rẻ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động đang là “bài toán” đau đầu tại nhiều quốc gia phát triển.

Trước nguy cơ phụ thuộc vào lao động nhập cư, cũng như nhằm đẩy nhanh tiến trình tự động hóa nông nghiệp, Chính phủ Anh đang đầu tư mạnh vào công nghệ nông nghiệp. Nước này cũng dự kiến tăng mức lương tối thiểu để được cấp thị thực đối với lao động nước ngoài.

Tại Malaysia, năm ngoái, Chính phủ thông báo ngừng cấp thị thực cho lao động nước ngoài mới. Theo các quan chức nước này, việc quá phụ thuộc vào lao động nước ngoài giá rẻ tạo ra một vòng xoáy tiêu cực mà ở đó các doanh nghiệp không chịu đổi mới. Trong khi đó, các doanh nghiệp nói rằng cần có thêm thời gian để đầu tư vào tự động hóa và nâng cao tay nghề cho người lao động bản địa.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con