Các quỹ đầu tư đổ tới Đông Nam Á đón chu kỳ giảm lãi suất
Các quỹ đầu tư toàn cầu đang đổ tiền mua tài sản tại Đông Nam Á trên cơ sở kỳ vọng lãi suất sẽ giảm và mức định giá ở khu vực này đang thấp, hứa hẹn mang lại mức lợi nhuận lớn...
Theo hãng tin Bloomberg, trong 2 tháng trở lại đây, các nhà quản lý quỹ đã tăng tỷ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Ngoài ra, các quỹ cũng đã mua ròng cổ phiếu ở Indonesia, Malaysia và Philippines trong 3 tháng liên tiếp.
Những dòng vốn chảy vào này đã giúp đưa các đồng tiền ở Đông Nam Á trở thành nhóm tăng mạnh nhất trong số đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi trong quý 3. Cùng với đó, chứng khoán Đông Nam Á đã dễ dàng đạt được mức tăng trưởng vượt trội so với các thị trường mới nổi khác.
Các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á đang bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất, với đợt giảm đầu tiên của Philippines vào tháng 8 vừa qua, và Indonesia có thể hành động tương tự trong tuần này. Lãi suất thực - tức lãi suất đi vay sau khi trừ đi lạm phát - ở Đông Nam Á đang ở mức cao lịch sử, mở ra dư địa lớn cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Trong trung hạn, chúng tôi giữ quan điểm lạc quan về trái phiếu và tiền tệ các nước Đông Nam Á, nhất là những nước có lợi suất cao hơn”, Giám đốc đầu tư Joevin Teo Chin-Ker của công ty Amundi Singapore Ltd. nhận định với Bloomberg. “Lãi suất thực ở các nền kinh tế Đông Nam Á cũng đang cao hơn so với cách đây 1 năm, cho thấy dư địa để cắt giảm. Điều này sẽ có lợi cho thị trường trái phiếu khu vực”, ông Teo nói.
Lãi suất thực ở Indonesia hiện đang ở mức 4,1%, lệch chuẩn 1,8 điểm phần trăm trên ngưỡng bình quân của 5 năm, đồng nghĩa Ngân hàng Trung ương Indonesia có nhiều dư địa để hạ lãi suất. Đối với Philippines, mức chênh lệch giữa lãi suất thực so với bình quân 5 năm là 1,5 điểm phần trăm.
Đây là hai nước nằm trong top 4 những nền kinh tế có lãi suất thực chênh lệch nhiều nhất so với trung bình 5 năm, theo kết quả một cuộc khảo sát của Bloomberg về lãi suất tại các nền kinh tế mới nổi cùng với Ấn Độ và Hàn Quốc.
Công ty quản lý quỹ BlackRock Inc. dự tính rằng bất kỳ biến động nào trong tháng này cũng sẽ là cơ hội để mua trái phiếu của những nước châu Á như Philippines và Indonesia, trên cơ sở đặt cược rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á giảm lãi suất sẽ đưa trái phiếu ở khu vực này tăng giá.
BlackRock ưu tiên các trái phiếu kỳ hạn từ trung đến dài của hai quốc gia nói trên bởi đây là những nền kinh tế mà ngân hàng trung ương có nhiều dư địa để giảm lãi suất hơn - theo ông Neeraj Seth, trưởng bộ phận trái phiếu châu Á của BlackRock.
“Đây là một kỷ nguyên vàng đối với trái phiếu ở châu Á, nhất là các thị trường châu Á mới nổi. Mỗi đợt biến động là một cơ hội tốt để mua vào những trái phiếu có kỳ hạn dài hơn”, ông Seth nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg hồi cuối tháng 8.
Các đồng tiền ở Đông Nam Á cũng đang được định giá thấp hơn so với giá trị thực, mở ra những cơ hội tích cực khác.
Theo phân tích dữ liệu của Bloomberg, tỷ giá hối đoái hiệu dụng thực bình quân trong khu vực đang thấp hơn 1,8% so với bình quân 10 năm, đồng nghĩa các đồng tiền đang được định giá thấp hơn giá trị thực trên cơ sở trọng số thương mại. Trong khi đó, một thước đo tương tự của các đồng tiền ở khu vực Mỹ Latin đang chênh cao hơn 2% so với mức bình quân 5 năm, còn ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi đang chênh cao hơn 4,5% - dấu hiệu của việc đồng tiền được định giá cao hơn giá trị thực.
Và cuối cùng, Đông Nam Á được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều từ xu hướng dịch chuyển sản xuất và quan hệ kinh tế về phía những quốc gia có quan hệ chính trị và ngoại giao thận cận (friend-shoring). Khu vực này đang trở thành một lựa chọn thay thế ngày càng hấp dẫn để thay cho Trung Quốc trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về cuộc đối đầu Mỹ-Trung có thể tăng nhiệt trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.
Giám đốc đầu tư khu vực Đông Nam Á mảng ngân hàng phục vụ khách tư nhân của Deutsche Bank ở Singapore, bà Stefanie Holtze-Jen, nhận định Đông Nam Á sẽ hưởng lợi nhiều hơn nhờ vị trí địa lý gần cận với Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như xu hướng đa dạng hóa sản xuất và nguồn hàng khỏi Trung Quốc. Những yếu tố khác thuận lợi cho Đông Nam Á bao gồm xu hướng “friend-shoring” và các ưu thế về nhân khẩu học của khu vực.