Các quỹ đầu tư mạo hiểm hé lộ về khẩu vị đầu tư và các lĩnh vực startup "hot" năm 2024
Trong một thị trường còn non trẻ như Việt Nam, gần như tất cả các ngành đều mở ra nhiều cơ hội cho startup phát triển và thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, mỗi quỹ đầu tư lại có những sở thích và ưu tiên riêng biệt ...
Bức tranh gọi vốn của các startup Việt đã có những thay đổi đáng kể trong năm 2023, tổng giá trị đầu tư vào các startup Việt giảm mạnh, đặc biệt là các thương vụ có giá trị lớn (từ 50 triệu USD trở lên).
Theo nhiều nguồn dữ liệu, mức định giá của các startup giảm từ 10% đến 40% so với năm 2022. Sự điều chỉnh này phản ánh sự kỷ luật hơn của các nhà đầu tư trong việc định giá giá trị doanh nghiệp và cũng phản ánh xu hướng chung của thị trường trong việc chấp nhận mức định giá thấp hơn sau giai đoạn “bong bóng” đầu tư trước đó.
"KHẨU VỊ" CỦA CÁC QUỸ ĐẦU TƯ TRONG NĂM 2024
Nói về những xu hướng, lĩnh vực trong năm 2024 mà các quỹ đầu tư quan tâm, tìm kiếm ở các startup Việt, ông Trần Anh Tùng, Giám đốc điều hành Quỹ VIC Partners, cho rằng AI và các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo đã và đang là chủ đề nóng nhất thu hút sự quan tâm của giới đầu tư công nghệ trong năm 2023 và sẽ tiếp tục là xu hướng của 3-5 năm tới.
Trong lĩnh vực AI, các nước đi tiên phong như Trung Quốc hay Mỹ đã có lợi thế quá lớn về hạ tầng công nghệ, nhưng Việt Nam vẫn có cơ hội tham gia và cạnh tranh ở tầng ứng dụng.
“Với trí tuệ và khả năng của các kỹ sư Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có cơ hội vươn ra thế giới với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ cho đời sống, sức khoẻ, đầu tư, nghiên cứu, tập luyện của con người. Tiềm năng của AI là vô cùng rộng mở. Ngoài ra, năng lượng xanh và tái tạo, công nghệ sinh học, chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp cũng là chủ đề rất được quan tâm bởi các nhà đầu tư lớn để bắt kịp các thay đổi về môi trường, kinh tế, và chính sách công”, ông Trần Anh Tùng nói.
Về “khẩu vị” của các quỹ đầu tư trong năm 2024, đại diện quỹ đầu tư AVV, bà Nguyễn Ngọc Hương Thảo, cho rằng trong một thị trường còn non trẻ như Việt Nam, gần như tất cả các ngành đều mở ra nhiều cơ hội cho startup phát triển và thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, mỗi quỹ đầu tư lại có những sở thích và ưu tiên riêng biệt trong việc chọn lựa ngành để đầu tư. Bà Hương Thảo cũng có những nhận định đáng quan tâm về những startup trong mảng trí tuệ nhân tạo.
“Nhìn chung, tôi nhận thấy có một số lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm ưu tiên từ nhiều quỹ đầu tư, đặc biệt là do độ lớn của thị trường và thời điểm thuận lợi mà chúng mang lại cho các startup, ví dụ như lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục, cũng như các startup sử dụng trí tuệ nhân tạo để số hóa các ngành truyền thống, đều là những mảng tiềm năng sẽ thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các quỹ đầu tư trong năm 2024 và cả trong thời gian tới.
Hoạt động huy động vốn từ các nhà đầu tư của các startup trong năm 2024 vẫn có thể đối mặt với nhiều khó khăn. Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc Quốc gia của Genesia Ventures Vietnam, hy vọng các startup sẽ “tập trung hơn vào bên trong” để tồn tại, nghĩa là phải tối ưu chi phí và đa dạng hoá các nguồn thu, để đảm bảo dòng tiền của doanh nghiệp.
“Startup sẽ cần tập trung vào sản phẩm cốt lõi, mang lại giá trị thực sự để thuyết phục khách hàng tới và ở lại sử dụng, thay vì theo đuổi chiến lược “đốt tiền” để có được khách hàng bằng mọi giá”, bà Hoàng Thị Kim Dung nói.
“Startup cần tập trung tuyệt đối vào tính bền vững của mô hình kinh doanh và sự phát triển về chất của doanh nghiệp, bằng việc tối ưu tính đơn vị kinh tế, gia tăng hiệu quả sử dụng vốn, tìm cách đạt được sản phẩm phù hợp với thị trường, gia tăng biên lợi nhuận”.
“NHIỀU CƠ HỘI TRONG LÀN SÓNG SA THẢI NHÂN SỰ TỪ BIG TECH”
Khi việc gọi vốn trở nên khó khăn hơn, các công ty công nghệ sẽ phải bước vào giai đoạn cân bằng lại giữa lợi nhuận và tăng trưởng để có thể tồn tại, do vậy cần loại bỏ bớt dự án mới nhiều rủi ro và sa thải những đơn vị làm việc chưa hiệu quả.
“Điều này gây tác động tiêu cực trong ngắn hạn tới các công ty công nghệ vì doanh số sẽ đi ngang hoặc giảm - dẫn tới khó gọi thêm vốn, nhưng về lâu dài tôi đánh giá việc cân bằng giữa lợi nhuận và tăng trưởng sẽ giúp chúng ta có được một thế hệ mới các công ty khởi nghiệp có mô hình kinh doanh bền vững, tạo ra giá trị thực cho xã hội, và có thể sống tốt mà không phụ thuộc hoàn toàn vào vốn đầu tư”, ông Trần Anh Tùng nhận định.
Mặt khác, ông Tùng cho rằng việc sa thải nhân sự big tech ở một góc độ khác lại là tin tốt cho nhiều startup, khi họ có thể tuyển dụng nhân sự tốt dễ dàng hơn mà không phải cạnh tranh gay gắt về lương thưởng.
Đồng quan điểm về vấn đề này, đại diện quỹ AVV cũng cho rằng đối với các startup có nguồn vốn hoạt động dồi dào và dòng tiền ổn định”, tôi thấy đây là cơ hội tuyệt vời để họ tuyển dụng nhân tài từ các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook…”.
Trước đây, có thể các startup trẻ khó có cơ hội tuyển dụng những nhân tài này do chi phí cao và họ không sẵn sàng chuyển đổi sang làm việc cho startup. Nhưng giờ đây, làn sóng sa thải lại tạo ra cơ hội thu hút nhân tài này. Với việc nâng cao chất lượng nhân sự, các startup có thể tăng cường nội lực của mình, điều này sẽ tạo ra tác động tích cực đối với việc gọi vốn thành công trong tương lai.
Ngoài ra, có rất nhiều người trong số những người bị sa thải quyết định thành lập công ty của riêng mình, bao gồm cả các startup công nghệ. Điều này đồng nghĩa với việc có nhiều startup mới gia nhập thị trường. Khi những startup này phát triển đến một giai đoạn nhất định, các quỹ đầu tư sẽ có cơ hội để tham gia cung cấp vốn cho họ.
“Vì vậy, tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội và điểm sáng trong làn sóng này”, đại diện quỹ AVV nhấn mạnh. “Rõ ràng, việc sa thải nhân sự không bao giờ là điều mong muốn và thường được xem như giải pháp cuối cùng mà các doanh nghiệp phải áp dụng để đảm bảo tính bền vững về mặt tài chính, tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng có những điểm tích cực từ làn sóng này”.