“Căn bệnh kinh niên” của thị trường xe Việt đã có “thuốc đặc trị”
“Bia kèm lạc” là cụm từ đã quá quen thuộc với bất kì khách hàng nào mua xe tại Việt Nam cả chục năm nay. Dù rất bức xúc, nhiều phản ánh, nhưng vấn nạn này vẫn không được xử lý triệt để do thiếu chế tài xử phạt dẫn đến đó như một “căn bệnh nan y” của thị trường xe Việt.
Virus lan truyền
Đến hẹn lại lên, một điệp khúc quen thuộc vẫn diễn ra mỗi khi thị trường Việt chuẩn bị ra mắt một mẫu xe mới đó là việc các đại lý đua nhau bán xe kênh giá, ép người tiêu dùng mua xe kèm phụ kiện với mức giá cao hơn nhiều so với mức giá nhà sản xuất khuyến nghị.
Nếu như xe Nhật lâu nay vẫn luôn nằm trong top thương hiệu bị các đại lý bán xe với giá “bia kèm lạc” nổi tiếng thì nay cả xe Hàn hay xe Mỹ cũng cùng chung “một nhà”.
Xe Nhật thì nổi tiếng nhất với tình trạng bán xe kiểu “bia kèm lạc” phải kể đến là Toyota.
Đơn cử gần đây như Toyota Raize luôn bị đại lý bán kèm “lạc” khi nhu cầu của người dùng lớn. Nếu muốn nhận xe Toyota Raize, khách hàng phải chi ra từ 30 - 50 triệu đồng tùy đại lý để mua phụ kiện.
Hay Toyota Corolla Cross cũng thường xuyên được đại lý báo với khách hàng giá chênh 20 - 30 triệu đồng. Một mẫu xe khác phải kể đến là Veloz Cross có thời điểm bán kênh 20 - 30 triệu tại Hà Nội, 40 - 50 triệu tại TP HCM.
Trong danh mục sản phẩm của Toyota, hãng luôn có nhiều mẫu xe bị kênh giá, trong nhiều giai đoạn và nhiều khoảng thời gian khác nhau. Các mẫu xe thường bị chênh giá có thể điểm danh như Prado, Land Cruiser, Vios, Camry...
Trước sự phản ứng của người tiêu dùng khi phải mua xe kiểu "bia kèm lạc", Toyota Việt Nam cho biết "gần đây đã nhận được một số thông tin về việc khách hàng phải mua phụ kiện kèm theo xe nếu muốn nhận xe sớm". Hãng ô tô Nhật Bản khẳng định "không có chủ trương này", đồng thời nhấn mạnh thêm chính sách "khách hàng đến trước được phục vụ trước". Hãng đã yêu cầu các đại lý tuân thủ chính sách trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Thậm chí hãng có khuyến khích người mua có thể liên hệ hotline của Toyota để tiếp nhận phản ánh. "Chúng tôi sẽ tiếp nhận và có biện pháp xử lý nếu phát hiện bất kỳ vi phạm nào từ đại lý", hãng xe khẳng định trong thông báo.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Toyota Việt Nam chính thức lên tiếng về việc bán xe kiểu "bia kèm lạc". Tuy nhiên đến nay, hãng chưa có thông báo nào về đại lý vi phạm, hình thức xử lý cụ thể, dù trước đó cho biết đã "nhận được một số thông tin" phản ánh từ khách hàng.
Nếu như Toyota đã có “thâm niên” trong việc có các đại lý bán các mẫu xe chênh giá so với giá niêm yết thì Hyundai cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ông lớn này thường xuyên có các mẫu xe bị các đại lý bán chênh giá.
Đơn cử như mẫu Creta từ thời điểm ra mắt đều rơi vào tình trạng khan hiếm và không có hàng, một số đại lý phải chuyển sang bán nhập khẩu và có giá chênh khá cao. Giá bán thực tế cho phiên bản Hyundai Creta tiêu chuẩn cao hơn 15 triệu đồng, phiên bản đặc biệt cao hơn 20 triệu đồng và phiên bản cao cấp cao hơn 30 triệu đồng. Hay như Hyundai Santa Fe bị chào “giá lạc” lên đến 150 triệu đồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi nguồn cung dần phục hồi, mức chênh mà người dùng phải bỏ ra để sở hữu Hyundai Santa Fe hiện nay chỉ vào khoảng… 80 triệu đồng.
Ford cũng là hãng có các đại lý thường xuyên bán chênh giá tại Việt Nam. Có thể chỉ ra những cái tên nổi bật nằm trong diện “thường trực” bị bán với giá “bia kèm lạc” gần đây như Ford Explorer 2022 ra mắt hồi đầu năm. Đáng chú ý, tình trạng mua "bia kèm lạc" đối với Ford Explorer 2022 đã xuất hiện ngay từ khi xe mới ra mắt và vẫn kéo dài khá lâu sau đó. Những khách đặt cọc Explorer 2022 đầu tiên, trước Tết Nguyên Đán với mức chênh "bia kèm lạc" lên đến 200-300 triệu đồng sẽ được nhận xe vào khoảng cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3. Trong khi giá xe niêm yết chỉ là 2,366 tỷ đồng, các đại lý đã chào bán Explorer ở mức khoảng 2,5 đến 2,6 tỷ đồng bao gồm cả tiền chênh lệch.
Thế hệ mới của Ford Everest đã gây bão ở thị trường Việt Nam kể từ khi ra mắt hồi tháng 7 năm 2022. Đến nay, số lượng xe Ford Everest về đại lý vẫn khá khiêm tốn nên để có thể nhận xe, người dùng sẽ phải chi không dưới 150 triệu đồng mua phụ kiện kèm theo. All New Ford Ranger - “vua” doanh số xe bán tải ở Việt Nam cũng có mức giá “lạc” vào khoảng từ 80 - 120 triệu đồng.
Tuy các hãng đưa ra các cam kết nhưng thực tế giao dịch tại các đại lý chưa có nhiều biến chuyển. Nhiều người tiêu dùng thậm chí nói “bia kèm lạc” như một chủng virus lây lan cực nhanh và trên diện rộng chưa có “vắc xin” khi các đại lý của Toyota, Ford, Hyundai vẫn thông báo cho khách mức kênh giá hoặc phụ kiện để có xe giao ngay.
Đã có “thuốc đặc trị” cho thị trường xe Việt
Theo tiết lộ của một số đại lý vấn đề “giá lạc” mà các đại lý tính toán liên quan đến việc các đại lý này ký cam kết doanh số với nhà sản xuất xe. Các đại lý “phải” bán chênh giá vì có những vấn đề như đại lý bán được bao nhiêu xe thì được thưởng doanh số, hay bán thêm phụ kiện, bảo hiểm. Những yếu tố đó sẽ được xét vào năng lực nhà phân phối nên đại lý sẽ phải có các hình thức bán hàng mà khách hàng vẫn gọi là “bia kèm lạc” trên thị trường. Đặc biệt, khi xảy ra khó khăn về nguồn cung, thiếu chip bán dẫn, đại dịch Covid-19, hoặc thời điểm mua xe có nhu cầu cao như đầu năm hay Tết Nguyên Đán thì giá sẽ chắc chắc sẽ “phải chênh” là điều khó tránh khỏi.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, tại thị trường lớn hàng đầu thế giới như Mỹ cũng có tình trạng bán xe ô tô kiểu bia kèm lạc. Tuy nhiên, trước tình trạng loạn giá và những chiêu trò của các đại lý, các cơ quan của Mỹ đã phải mạnh tay đưa ra các biện pháp xử lý.
Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) là cơ quan chuyên trách đã trình dự thảo Luật cấm các đại lý tự áp đặt các loại phí bổ sung cũng như quảng cáo sai sự thật để tăng giá bán xe.
Hiện FTC đã có tới hơn 50 động thái hạn chế và cấm các đại lý thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật cũng như vi phạm quyền cá nhân và thông tin của khách hàng.
Chưa dừng lại ở đó, FTC còn thực hiện khảo sát trải nghiệm người dùng qua quá trình mua xe. Từ đó, cơ quan này sẽ xác định xem liệu các đại lý có những hành vi “đặc biệt” trong các giao dịch mua bán xe hay không.
Trong dự thảo luật mới đề xuất của mình, FTC đã đưa ra những đề xuất cụ thể để bảo vệ người dùng khỏi việc mua xe “kèm lạc” như:
Cấm “chèo kéo” và tráo đổi: Theo đó, đề xuất này được đưa ra nhằm ngăn chặn các đại lý quảng cáo sai sự thật như “dụ dỗ” người mua bằng các mẫu xe có giá hấp dẫn nhưng sau đó lại giới thiệu một mẫu xe có giá bán cao hơn so với quảng cáo trước đó. Ngoài ra, hành vi mập mờ trong gói hỗ trợ và khuyến mãi cũng bị cấm theo đề xuất này. Nhờ đó, các đại lý không thể tiếp tục thực hiện các hành vi như quảng cáo khuyến mãi hơn nhưng chỉ áp dụng cho một số đối tượng nhất định khiến người mua dễ nhầm lẫn.
Buộc đại lý minh bạch về chi phí và điều kiện mua xe: Điều này đồng nghĩa với việc các đại lý phải công khai và thẳng thắn về giá thành của xe, bao gồm cả các loại chi phí cộng dồn tạo nên mức giá cuối cùng của xe. Chưa kể, các đại lý ở Mỹ cũng phải cung cấp rõ ràng các thông tin khuyến mãi, trợ giá cũng như các điều kiện cần có để khách hàng có thể hưởng ưu đãi này.
Cấm các loại phí gian lận hay phí phát sinh: Đây được xem là những yếu tố khiến giá xe bị đẩy cao tại đại lý. Tuy nhiên, thường các đại lý sẽ “ngụy trang” chúng dưới dạng phí phát sinh, gói nâng cấp hoặc gói trang bị. Chiêu trò này của đại lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm khách hàng như người thiểu số, người nhập cư hay lực lượng vũ trang.
Trong khi đó, ở Việt Nam, tình trạng này hiện vẫn đang diễn ra tại nhiều đại lý khiến người tiêu dùng bức xúc. Nhiều người cũng cho rằng phía hãng xe cũng như các cơ quan chức năng cần tìm ra biện pháp để ngăn chặn tình trạng này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Trước thực trạng này, trong Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) vừa được trình ra Quốc hội chiều 25/10, có một nội dung quan trọng cho thấy hành vi bán ô tô kiểu "bia kèm lạc" thời gian tới sẽ bị nghiêm cấm. Theo điểm o, khoản 1, Điều 17, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) nêu rõ hành vi bị nghiêm cấm với các tổ chức, cá nhân kinh doanh: “Yêu cầu người tiêu dùng phải mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác như là điều kiện tiên quyết để giao kết hợp đồng với người tiêu dùng”. Điều này đồng nghĩa với việc nạn bán ô tô kiểu “bia kèm lạc” gây nhức nhối thời gian qua sẽ chính thức bị xoá bỏ. Như vậy, khả năng cao “căn bệnh kinh niên” của thị trường xe Việt sẽ không còn “đất” sống” từ năm 2023.
Theo nhiều người tiêu dùng, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) nếu chính thức có hiệu lực thì sẽ là một điểm nhấn đột phá giúp xử lý một vấn nạn gây bức xúc từ lâu nay và cũng là một bước chuyển lớn, một tín hiệu vui cho thị trường xe Việt. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng mong mỏi có chế tài xử phạt rõ ràng với các hành vi bán xe kiểu “bia kèm lạc”.
Cụm từ “bia kèm lạc” có lẽ đã khá quen thuộc với những ai đã từng sống qua thời bao cấp khi chỉ có vài cửa hàng bán bia hơi và khách muốn có được cốc bia thì phải xếp hàng dài. Để tăng lợi nhuận, các cửa hàng bia còn nghĩ ra cách là bán kèm thêm đĩa lạc cho khách. Vấn đề là dù giá lạc rang ở quán bia đắt hơn so với bình thường nhưng để được uống bia, khách hàng vẫn phải “cắn răng” để mua. Năm 2022, thời bao cấp cũng đã lùi xa vào dĩ vãng nhưng tình trạng tiêu cực của quá khứ lại vẫn còn tồn tại trong một trong một xã hội hiện đại và lại là một “vấn nạn” trong một thị trường như ô tô thì thực sự là một “căn bệnh” cần phải sớm được xử lý dứt điểm.